Tỉ lệ kháng thuốc tăng nhưng tác dụng của thuốc kháng sinh lại ngày càng giảm, thậm chí không còn tác dụng trong khi các loại kháng sinh mới ra ngày càng ít, hậu quả người bệnh gánh chịu, hệ thống y tế đối diện với nhiều thách thức. Đâu là "lời giải" cho "bài toán" này?
Vi khuẩn đang đột biến nhanh hơn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Trần Thị Vân Anh - trưởng khoa nội nhiễm, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) - cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ngày càng tăng cao trong đó có nguyên nhân chính là do việc mua bán, sử dụng kháng sinh quá dễ dàng trong cộng đồng. Người dân có thói quen sử dụng bừa bãi các loại kháng sinh, không đến bệnh viện khám hoặc sử dụng lại các đơn thuốc cũ.
Bên cạnh đó, trong nuôi trồng thủy sản một số nơi không tuân thủ quy chuẩn an toàn, sử dụng kháng sinh sai liều lượng, cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc kháng thuốc kháng sinh tăng cao hơn.
"Dễ thấy khi dư lượng kháng sinh trong thủy sản xuất khẩu sang các nước sẽ bị trả về. Thậm chí với rau, củ nhiều nơi cũng không tuân thủ sử dụng quá liều lượng kháng sinh để diệt khuẩn, sâu bọ gây bệnh", bác sĩ Vân Anh cho hay.
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng - phó trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - nhận định tình trạng bán kháng sinh không cần kê đơn tại các nhà thuốc khá phổ biến, tràn lan vì mục đích lợi nhuận.
"Người dân chỉ cần ho, sốt, sổ mũi… đã tự mua kháng sinh. Ví dụ trong viêm họng, có tới 80 - 90% nguyên nhân là do vi rút, trong khi do vi rút thì không cần dùng đến kháng sinh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều người dân cứ thấy mắc viêm họng là sử dụng kháng sinh.
Điều này khiến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng. Những loại vi khuẩn đáng ra có thể xử lý bằng kháng sinh thông thường thì nay phải thay đổi phác đồ do kháng thuốc", bác sĩ Hùng nói.
Theo PGS Phan Quốc Hoàn - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đánh giá tình trạng kháng thuốc kháng sinh, xét về bản chất là do việc sử dụng kháng sinh không đúng gây ra. Theo những quan điểm tiến hóa thì kháng thuốc sẽ xảy ra dần dần vì vi khuẩn phải có thời gian để đột biến.
Thời gian này có thể là 10 năm, có thể là 30 năm hoặc lâu hơn nữa. Nhưng chính sự sử dụng kháng sinh không đúng đã làm cho hiện tượng đột biến xảy ra nhanh hơn, mạnh hơn, thời gian kháng thuốc sẽ ngắn dần.
Gánh nặng hệ thống y tế, mối nguy với người bệnh
Chi phí cho bệnh nhân đa kháng thuốc rất cao. Không chỉ vậy, nhiều bệnh nhân không thể chạy chữa.
TS.BS Phùng Mạnh Thắng - trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết bản chất vi khuẩn sẽ biến đổi gene thường quy, khi lạm dụng kháng sinh chúng sẽ biến đổi để tạo ra các gene kháng thuốc. Bệnh nhân đã kháng thuốc chi phí điều trị sẽ cao hơn do phải trả tiền nhiều để sử dụng những loại kháng sinh mới.
Trong khi đó kháng sinh mới rất ít, mới đưa vào sử dụng chưa được BHYT chi trả, hoặc các bác sĩ phải phối hợp cùng nhiều loại kháng sinh, tăng liều lượng mới có hiệu quả điều trị.
Bác sĩ Thắng cho biết một khảo sát mới đây tại bệnh viện được thực hiện trên 500 bệnh nhân cho thấy chi phí trung bình một bệnh nhân nhiễm khuẩn do tác nhân đa kháng (kháng nhiều loại thuốc) từ 250 triệu đồng/người, mặc dù đã có BHYT chi trả.
"Việc phát minh ra các kháng sinh mới rất ít, chi phí cao, khó nhập về. Bệnh nhân tử vong do kháng thuốc tại bệnh viện không hề hiếm gặp. Với những trường hợp kháng thuốc nhưng may mắn đáp ứng điều trị do tăng liều lượng kết hợp nhiều kháng sinh nhưng di chứng về thận, gan, phổi… rất lớn", bác sĩ Thắng nói.
Bác sĩ Trần Thị Vân Anh cũng cho biết chi phí trung bình với một bệnh nhân bị kháng thuốc phải trả là 7,5 triệu đồng/ngày để trả cho những kháng sinh thế hệ mới. Hơn nữa thời gian nằm viện lại kéo dài trung bình từ 14 ngày, do vậy tăng gánh nặng chi phí và hiệu quả điều trị của người bệnh.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng. Rất nhiều bệnh viện tuyến dưới khi điều trị thất bại phải chuyển bệnh nhân lên.
Trong đó, những bệnh nhân có vi khuẩn kháng thuốc rất nhiều. Có những vi khuẩn đa kháng thuốc, nghĩa là kháng với toàn bộ các loại kháng sinh trên thị trường. Để điều trị những trường hợp này, các bác sĩ phải áp dụng rất nhiều phương pháp, có thể phải sử dụng những nhóm kháng sinh mới không được BHYT chi trả.
Lời giải nào?
Theo bác sĩ Thân Mạnh Hùng, để giải được bài toán kháng kháng sinh cần phải kiểm soát thuốc kháng sinh, bắt buộc phải có đơn của bác sĩ là một trong những vấn đề cần được thực hiện nghiêm.
Thực tế, trong cộng đồng hiện nay việc mua thuốc kê đơn mà không cần đơn thuốc rất phổ biến và dễ dàng.
"Vì vậy, cần có sự vào cuộc của tất cả các ban ngành chứ không chỉ riêng y tế, liên quan đến thú y, quản lý thị trường. Cần có những chế tài đủ răn đe để giảm tình trạng mua bán kháng sinh không cần đơn thuốc như hiện nay", bác sĩ Hùng đề xuất.
PGS Phan Quốc Hoàn cũng đưa ra các giải pháp phòng ngừa sự kháng thuốc kháng sinh. Ông cho rằng ngoài sự quy chuẩn của y tế, ngay bản thân những người bệnh cần chủ động phòng kháng kháng sinh.
Trong đó, tuyệt đối không lạm dụng thuốc kháng sinh như một thuốc thông thường. Chỉ sử dụng kháng sinh khi chắc chắn có dấu hiệu hay bằng chứng của sự nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, dự đoán chắc chắn nhiễm trùng nặng sẽ xảy ra thì có thể sử dụng kháng sinh dự phòng nhưng nên nhớ chỉ sử dụng ở một liều tối thiểu.
"Đặc biệt, cần chấm dứt ngay việc sử dụng kháng sinh khi đã đủ liệu trình cho phép nhưng cũng không được kết thúc quá sớm trước thời gian tiêu chuẩn. Sử dụng quá lâu sẽ làm cho vi khuẩn có cơ hội "tìm hiểu" kháng sinh và đột biến mạnh hơn.
Còn kết thúc quá sớm sẽ làm cho vi khuẩn có nguy cơ hồi sinh và do đó có "kinh nghiệm" chinh chiến nhiều hơn để thay đổi. Cả hai biểu hiện này cần tuyệt đối tránh khi có sử dụng kháng sinh trong điều trị", PGS Hoàn khuyến cáo.
Bác sĩ Vân Anh khuyến cáo thêm, người dân cần đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe, nhất là việc nâng sức đề kháng tránh các bệnh nhiễm trùng, đi chích ngừa những tác nhân có thể phòng bệnh được.
Đồng thời giữ gìn vệ sinh chung, vệ sinh thực phẩm, chọn thực phẩm tươi, hạn chế không để nhiễm khuẩn để không sử dụng kháng sinh.
Xử phạt về việc bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho hay vấn đề kháng kháng sinh do Cục Quản lý khám chữa bệnh là đầu mối. Cục Quản lý dược có phối hợp thực hiện. Theo lãnh đạo cục, hiện nay đã có quy định rất cụ thể về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có quy định xử phạt về việc bán thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhà thuốc bán thuốc kháng sinh không có đơn của bác sĩ sẽ bị phạt từ 5 triệu - 10 triệu đồng (theo điều 59 nghị định 117/2020/NĐ-CP). Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 6 tháng đến 9 tháng.
Bên cạnh đó, để tăng cường quản lý bán thuốc kê đơn, Cục Quản lý dược cũng đang bổ sung quy định về việc cấm bán thuốc kê đơn trên các sàn thương mại điện tử trong dự thảo Luật Dược sửa đổi.
Kháng thuốc - thách thức của toàn ngành y tế
Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Hà Anh Đức, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện Bộ Y tế đã và đang phối hợp các cơ quan, tổ chức, đối tác trong nước và quốc tế triển khai nhiều hành động về phòng, chống kháng thuốc.
Các giải pháp tập trung vào truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về nguyên nhân và hậu quả kháng kháng sinh. Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn bác sĩ, dược sĩ về chẩn đoán, điều trị, kê đơn kháng sinh hợp lý và có trách nhiệm. Thiết lập và củng cố Hệ thống giám sát quốc gia về kháng kháng sinh.
Đồng thời xây dựng và triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện.
Xây dựng các văn bản pháp quy, hướng dẫn chuyên môn về điều trị, vi sinh, dược lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận