Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
Chuyện tôi mới được sinh ra, thì tin ông mất, má tất tả bồng bế tôi lên chịu tang ông. Người phụ nữ còn đang ở cữ chưa kịp bớt cơn đau và đứa con nít mới sinh, không hiểu sao mắt bị ghèn bịt kín không mở ra được khiến má hốt hoảng tưởng tôi bị mù lòa. Nhưng ngay cái đêm sau khi chôn cất ông xong, má như vỡ òa lúc thấy tôi mở mắt to trong veo nhìn má.
Đứa trẻ đó giờ đã trung niên, hình dung ông qua lời kể của má và các dì, qua tấm hình truyền thần của ông để trên bàn thờ, tưởng tượng người ông chân đất cục mịch như má, như các cậu, nhưng đầy bao dung và hiền lành. Những chiếc mầm vẫn cứ lên xanh, và cây già, có khi đột ngột, có khi âm thầm biến mất. Và đó chỉ là biến mất, như cách nghĩa đen của ngôn từ diễn đạt, chớ không phải biến mất trong gốc rễ, trong những tựa nương dành cho nhau.
Vô số hiện tại đã trôi qua, nhưng dường như chưa có cái nào là cũ, dù đó có là tấm hình chụp lần cuối cùng với bà nội tôi thấy lại hôm dọn máy tính của mình. Thời gian của tấm hình đọng lại ở năm đó, lúc tôi còn hai mươi mấy tuổi và người bà thì tám mấy. Nụ-cười-để-chụp hình của người già, lỏn lẻn một cách đáng yêu đến bất ngờ.
Nhưng tôi lại chạnh lòng khi nhớ lại thời điểm sau đám tang ba tôi, nội còng lưng sáng tối ra vô bên mộ còn chưa quét vôi. Lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh, trên chiếc ghế gỗ cũ kỹ, giã trầu và mông lung nghĩ ngợi. Đôi lúc, len lén rút chiếc khăn tay nâu trong túi áo ra thấm dòng nước mắt đang lặng lẽ chảy.
Nhìn nội ngơ ngác, cô độc và như không còn có gì có thể đọng vào mắt được nữa. Thoảng khi, nội đứng ngó trân trân lên di ảnh ba, hay tiến đến gần lần mò vuốt lên từng chi tiết trên ảnh. Bao nhiêu thứ, chỉ khiến trái tim những người chứng kiến, như cũng héo theo.
Một cái cây trong chòm cây dòng tộc lụi tàn, nhưng những cái cây khác, như người bà, như tôi, đều phải sống tiếp phần đời còn lại của mình. Người bà, lại tiếp tục như cái cây già, vẫn âm thầm nuôi dưỡng, chữa trị và che chở những mầm cây non. Cái tuổi hai mươi mấy lúc chụp cùng bà tấm ảnh cuối cùng cũng đã vụt bay xa. Vậy mà, đâu đó trong kho tàng ký ức mùi hương của nó, sẽ ẩn chứa bí mật về cái mùi duy nhất và riêng biệt, có thể là mùi trầu đượm nồng nồng trong khăn tay gói mớ tiền, có thể là mùi chiếc nón lá hay cái áo bà ba cũ bà giắt lên vách. Chỉ có cái mùi đó mới khiến đứa nhỏ thấy thân thuộc và yên tâm.
Như bất cứ đứa trẻ sơ sinh nào, cũng sẽ quen hơi cha hơi mẹ, hơi ông bà hay những người chăm giữ mình. Những mùi quen đó, như một phần khí chất bảo bọc và tạo ra đề kháng cho đứa trẻ lớn lên.
Đứa trẻ lớn lên, và sẽ luôn nhớ về ai đó bằng những chi tiết rất nhỏ, sau đó hình dung ra toàn bộ con người của họ bằng những chi tiết ấy. Tôi tin như vậy, là những chi tiết thật nhỏ, nhưng chúng in hằn, chảy riết róng trong mỗi máu thịt của những ai thuộc về một gia đình. Tôi cũng vậy, tin rằng mình có thể tua lại từng điều tỉ mỉ của những người thân thương của mình, và tôi tin rằng, gia đình gồm chuỗi những ông - bà - cô - dì - chú - bác hay anh chị em ruột thịt, cũng sẽ có những mảnh nhỏ của tôi trong họ.
Những mảnh nhỏ, khiến ta thấy bớt cô độc, thấy ấm áp và kiên cường hơn. Quan hệ thân tộc, vốn là những mối quan hệ dài nhất trong cuộc đời của mỗi con người, sẽ cũng chẳng tránh khỏi có những lớp vỏ xù xì, thô nhám.
Nhưng, như những tế bào gốc, bình thường không có chức năng cụ thể nào, chúng ẩn trú trong các bộ phận, đợi đến lúc cơ thể tổn thương, thì sẵn sàng tạo ra tế bào mới khác để chữa lành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận