Cách đây không lâu tôi có dịp xem Giải bóng chuyền các đội mạnh tại TP Biên Hòa, Đồng Nai. Ấn tượng đầu tiên của tôi về môn bóng chuyền rất tốt đẹp. Tôi thầm ước giá như trong số con cái của mình có đứa nào theo ngành thể thao thì hay biết mấy.
Đầu giải, đội nữ N chơi thật xuất sắc, những buổi có đội này thi đấu, khán giả tới xem kín khán phòng, cổ vũ cuồng nhiệt. Trong khi đó đội X chỉ ở mức trung bình, bị thua khá nhiều do trình độ kỹ thuật kém và tinh thần thi đấu không quyết tâm lắm. Sau giờ đấu, các cầu thủ thường ở trong phòng làm việc riêng, không tụ tập bàn tán, không trao đổi kinh nghiệm trừ khi có lệnh tập trung của lãnh đạo.
Trong khi đó, đội N vẫn giữ phong độ như ban đầu. Trận chung kết, đội X lại đấu với đội N và kết quả diễn ra ngoài sự tưởng tượng của khán giả: đội X vô địch! Khán giả la ó, phản đối. Một điều lạ nữa là tất cả VĐV đội N không ai tỏ ra buồn bã hay bất mãn với kết quả. Họ rất bình thản, vô cảm. Còn đội vô địch cũng cố tỏ ra vui vẻ chụp chung một tấm hình kỷ niệm để rồi mọi người lại lẳng lặng chuẩn bị hành lý ra về, không một lần reo hò vui mừng.
Tôi nhận ra có điều gì đó bất ổn trong giải này và mọi ấn tượng tốt đẹp ban đầu của tôi với môn bóng chuyền nói riêng và thể thao nói chung tan biến. Tôi cũng thấy may mắn là con cái mình không ai theo thể thao chuyên nghiệp. Tôi thấy trách nhiệm về những hiện tượng tiêu cực trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng hiện nay chủ yếu thuộc về những người quản lý. Các VĐV lệ thuộc nhiều vào sự rèn luyện, giáo dục của lãnh đạo, nếu có cá nhân nào đó tiêu cực cũng dễ uốn nắn, xử lý. Nhưng nếu cấp lãnh đạo không trung thực, không vì một nền thể thao lành mạnh thì sẽ làm hỏng các VĐV và đánh mất sự tôn trọng của mọi người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận