Tiền to và nhỏ
Xưa nay, nhiều người cho rằng sở dĩ người ta đua tranh nhau vào VFF là vì ở đó béo bở lắm. Thật ra, nói về chuyện tiền thì VFF chẳng là gì cả so với nhiều ngành nghề khác trong xã hội.
Xin nhắc lại một chuyện như thế này để thấy rằng tiền ở VFF chẳng là gì cả: Khi đắc cử vào ghế chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII, ông Lê Hùng Dũng tuyên bố mỗi năm sẽ mang về cho VFF 300 tỷ đồng. Đó là một con số bèo bọt khi chúng ta quen nghe những con số ngàn tỷ, chục ngàn tỷ lãng phí, thất thoát ở các lĩnh vực khác.
Ấy vậy mà, con số 300 tỷ đồng nhỏ nhoi ấy bị cười cợt là viễn vông! Và đúng thật, suốt 4 năm qua, chưa bao giờ ông Dũng làm được điều mà mình đã tuyên bố. Nói như thế để kết luận rằng, tiền ở VFF là nhỏ.
Nhưng, khái niệm to và nhỏ nó là tương đối. Trăm tỷ so với các đại án ở dầu khí, ngân hàng thì quá nhỏ; nhưng so với thể thao thì nó lại to.
Trong mấy chục liên đoàn thể thao ở nước ta, có nơi nào dám nghĩ đến chuyện kiếm vài chục tỷ đồng một năm, chứ đừng nói đến số trăm. Chỉ có bóng đá mà thôi. Vì thế, đối với dân thể thao, kiếm được một ghế trong VFF là quá hạnh phúc.
Xin dẫn chứng thêm: đi làm giám sát trận đấu, giám sát trọng tài mỗi trận đấu được lãnh 4 triệu đồng và được bao chi phí vé máy bay, ăn ở.
Cao cấp hơn, nếu ngồi ở ghế Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn ở VFF thì thường được Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á, châu Á mời đi làm giám sát các giải quốc tế thì được đi nước ngoài, ăn ở khách sạn 5 sao, được đưa đón trọng thị và ra về còn được bồi dưỡng ít nhất 1000 USD (tùy giải lớn hay nhỏ, tài trợ nhiều hay ít). Với dân thể thao, thế là quá tuyệt vời rồi.
Giải quyết khâu... oai
Nhiều người thắc mắc rằng, đối với một vài nhân vật đang chạy đua vào ghế chủ tịch VFF, rõ ràng cái lợi ở VFF chả đáng là gì cả so với gia thế của họ đang có. Vậy vào đó làm gì khi nguy hiểm rình rập, dễ nhận "gạch đá" mỗi lần đội tuyển quốc gia, tuyển U 23 thất bại?
Ôi, đối với người thích danh, chuyện "gạch đá" chả làm họ sợ, vì bưng tai chịu đựng một vài tháng là hết thôi mà.
Nhưng bù lại được nhiều cái sướng, thỏa được khâu oai.
Ví dụ nhé: ngày 14-6 tới đây, World Cup 2018 sẽ khai mạc ở nước Nga. Chủ tịch VFF đương nhiên có một ghế trên khán đài danh dự với tư cách là người đứng đầu của liên đoàn thành viên thuộc FIFA. Cái ghế ấy, xin lỗi, có tiền và cả quyền trong xã hội cũng chưa có được!
Thông tin mới nhất mà tôi nhận được, VFF sẽ có ba vị có mặt tại lễ khai mạc World cup 2018. Chủ tịch Lê Hùng Dũng vì sức khỏe không tốt nên không đi, và ghế trên khán đài danh dự dành cho người đứng đầu VFF đương nhiên thuộc về ông Trần Quốc Tuấn.
Ngoài ra, còn hai nhân vật khác trong thường trực VFF cũng đi cùng, dù không được ghế trên khán đài danh dự, song ghế hạng 2 cũng là vinh dự lắm lắm!
Quyền lực
Chúng ta hãy xem trong tất cả các liên đoàn thể thao trên thế giới này, có ai quyền lực bằng FIFA? Chính phủ các nước mà xen vào chuyện nội bộ của liên đoàn bóng đá quốc gia thành viên của FIFA thì họ cấm vận ngay. Mà họ cấm vận thì dân chúng của quốc gia đó nổi giận, rồi chưa kể bị ảnh hưởng về kinh tế khi bóng đá ngày nay là một nguồn thu khá béo bở.
Vì vậy, chủ tịch FIFA đi tới đâu là được tiếp đón trọng vọng chẳng các nào nguyên thủ một cường quốc.
VFF tuy chả là gì khi so với FIFA, nhưng trong nước thì cũng là một thế lực đáng kể. Ví dụ, một số đại gia muốn khuyếch trương thanh thế bằng bóng đá, muốn mượn bóng đá để kiếm dự án ở các địa phương thì đương nhiên phải chìu chuộng lãnh đạo VFF.
Mỗi một CLB dự V-League hiện nay, ông chủ phải chi ra mỗi năm bình quân 2 triệu USD. Bỏ ra số tiền không nhỏ đó, đương nhiên họ muốn phải đạt hiệu quả cao nhất. Và muốn có hiệu quả thì phải quan hệ tốt với lãnh đạo VFF, trọng tài…Và muốn quan hệ tốt thì phải biết điều, thế là ghế lãnh đạo VFF có quyền lực, vậy thôi.
Điềm sơ vài chuyện như thế để mọi người hiểu hơn vì sao người ta đấu nhau quyết liệt để vào VFF.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận