Trong tuần này, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã đưa ra nhiều quyết định táo bạo nhằm thiết lập quyền kiểm soát khu vực Esequibo tranh chấp với Guyana.
Việc Brazil tăng quân gần biên giới trong khi Mỹ tổ chức tập trận chung để ủng hộ Guyana khiến các nước Nam Mỹ không khỏi lo ngại, kêu gọi hai nước tìm giải pháp hòa bình.
Căng thẳng vì mỏ dầu mới
Essequibo chiếm khoảng 2/3 lãnh thổ Guyana và là nơi sinh sống của 125.000 trong số 800.000 dân của nước này. Guyana, khi còn là thuộc địa của Anh, nắm quyền kiểm soát khu vực này hơn một thế kỷ qua sau phán quyết của Tòa án công lý quốc tế (ICJ) năm 1899.
Tuy nhiên, Venezuela không công nhận phán quyết của ICJ và đang tìm cách giành vùng đất mà nhiều người Venezuela từ lâu đã coi là thuộc về nước này.
Điều quan trọng là việc kiểm soát Essequibo sẽ mang lại cho Caracas quyền sở hữu nguồn tài nguyên dầu mỏ ngoài khơi mà Guyana mới tìm thấy.
Cuối tuần qua, Venezuela đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân để xác định chủ quyền đối với Esequibo bất chấp cảnh báo của ICJ về việc đe dọa hiện trạng tại đây. Kết quả cho thấy 95% cử tri ủng hộ việc sáp nhập khu vực tranh chấp.
Hai ngày sau cuộc bỏ phiếu, ông Maduro đề xuất dự luật thành lập một tỉnh của Venezuela ở Essequibo và ra lệnh cho công ty dầu mỏ nhà nước cấp giấy phép khai thác dầu thô tại khu vực.
Đáp lại, Tổng thống Guyana, ông Irfaan Ali đã cảnh báo các "mối đe dọa trực tiếp" đối với nước này và đặt quân đội trong tình trạng báo động và giữ liên lạc với các "đối tác" bao gồm Mỹ.
Quyết tâm sáp nhập lãnh thổ Guyana của Venezuela lập tức vấp phải phản ứng khi các lực lượng ở khu vực tập hợp để bảo vệ Guyana. Ngoài ra, quân đội Mỹ còn tiến hành các cuộc diễn tập quân sự chung để thể hiện sự ủng hộ với quốc gia nhỏ bé này.
Nam Mỹ đang đứng trước nguy cơ nổ ra chiến tranh lục địa lớn lần đầu tiên sau hơn 75 năm.
"Hành động khiêu khích đáng tiếc này của Mỹ nhằm ủng hộ... ExxonMobil ở Guyana là một bước đi sai hướng khác. Chúng tôi sẽ không chuyển hướng hành động trong tương lai nhằm thu hồi Essequibo" - Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino Lopez quả quyết trên mạng xã hội X (Twitter cũ), đề cập đến gã khổng lồ dầu mỏ của Mỹ đã phát hiện nguồn dầu mới ở Guyana.
Được phủ bởi những cánh rừng nhiệt đới Amazon rộng lớn, Esequibo là vùng lãnh thổ vốn giàu khoáng sản, có trữ lượng vàng và đồng khổng lồ.
Vào năm 2015, giá trị của khu vực này đã tăng vọt sau khi Tập đoàn ExxonMobil phát hiện một lượng lớn dầu ngoài khơi Esequibo, đưa Guyana trở thành quốc gia giàu nhất Nam Mỹ theo bình quân đầu người.
Ngay ngoài khơi và gần như nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Guyana là một mỏ dầu với trữ lượng ít nhất 11 tỉ thùng dầu thô.
Giờ đây, hàng tỉ USD đang đổ vào thủ đô Georgetown của Guyana. Guyana đã sử dụng nguồn vốn này để khởi động các dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn, cảng nước sâu đầu tiên và dự án chuyển đổi khí đốt thành năng lượng nhằm tăng gấp đôi sản lượng năng lượng. Và vào tháng 9-2023, nước này công bố ý định bán dầu cho các công ty lớn bao gồm các công ty dầu mỏ nhà nước của Trung Quốc, Qatar và Malaysia.
Nam Mỹ "không muốn chiến tranh"
Ngày 8-12, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về tranh chấp đang leo thang nhanh chóng mà Guyana cho rằng "đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế", theo Hãng tin AFP.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby kêu gọi các bên tìm giải pháp ngoại giao cho tranh chấp lãnh thổ.
Tại Brazil, Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva bày tỏ "mối lo ngại ngày càng tăng" về tình trạng căng thẳng gia tăng ở biên giới phía bắc nước này.
"Nếu có một điều chúng tôi không muốn ở Nam Mỹ thì đó là chiến tranh", ông Lula phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh khối Mercosur Nam Mỹ ngày 8-12 (theo giờ Việt Nam).
Trước đó, hôm 6-12 quân đội Brazil cho biết đang tăng cường sự hiện diện ở hai thành phố phía bắc. Nhóm các nước trong khu vực bao gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay, cũng ra tuyên bố cảnh báo "các hành động đơn phương" và kêu gọi Guyana và Venezuela tìm kiếm giải pháp hòa bình. Các nước Chile, Colombia, Ecuador và Peru cũng tham gia tuyên bố.
"Người Mỹ Latin hay nói họ chưa từng xảy ra xung đột biên giới lớn nào kể từ những năm 1940. Điều này thực sự sẽ thách thức sự nhận thức nền tảng của họ về bản chất hòa bình và sự vắng bóng xung đột giữa các quốc gia" - Christopher Sabatini, nhà nghiên cứu cấp cao về Mỹ Latin tại Tổ chức Chatham House (Anh), đánh giá trên tờ Foreign Policy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận