05/01/2014 12:10 GMT+7

Vé xem U-19 và văn hóa "nhờ vả"

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TT - Nguyên tuần rồi, người hâm mộ bóng đá VN đã hết sức vất vả trong việc săn tìm chiếc vé để vào sân Thống Nhất xem Giải U-19 quốc tế - Cúp Nutifood khai mạc ngày 8-1.

pBBZan9W.jpgPhóng to
Chen chúc xếp hàng rồng rắn mua vé xem Giải U-19 quốc tế tại sân Thống Nhất - Ảnh: N.Khôi

Người dân hết sức bực mình khi vé bán ra rất ít, trong khi chợ đen muốn bao nhiêu cũng có. Đằng sau chuyện bán vé là một câu chuyện lớn về văn hóa “nhờ vả” của người Việt…

Giải quyết khâu oai

Có lẽ nhiều người cũng như tôi từng có lúc như thế này: kiếm vé tham dự một sự kiện gì đó (hội hè, thể thao, ca nhạc...) bằng đi “cửa sau” chứ không phải “cửa trước”. “Cửa trước” nghĩa là ban tổ chức sự kiện có bán vé công khai, ai muốn được tham dự thì phải xếp hàng mua vé, dù là có vất vả chờ đợi thì tấm vé khi cầm trong tay là do mình thực hiện “nếp sống văn minh” mà có. “Cửa sau” là nhờ vả, xin xỏ người khác, thường là người của ban tổ chức, người thân quen làm sự kiện, kiếm cho một tấm vé. Việc này làm rảnh cho mình khỏi phải đứng trong đám đông xếp hàng mua vé nhưng lại làm khó cho bên tổ chức sự kiện, khiến họ bị động và phải đau đầu giải quyết trường hợp phát sinh.

Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề tâm lý lớn hơn. Đó là tỏ vẻ oai. Trong khi cả đám đông hàng trăm con người phải vất vả, khó nhọc mới kiếm được một tấm vé vào cửa thì mình không mất công sức gì, tự nhiên có tấm vé trong tay mà khi ai hỏi làm sao có thì thản nhiên trả lời: à anh ấy, chị ấy bên nọ bên kia mình quen đưa vé, mời vé nên đi thôi. Giọng thản nhiên, hờ hững nhưng đầy kiêu hãnh, “oai ngầm” bên trong vì chứng tỏ ta đây hơn người, khác người, vé của ta không phải mua mà được cho được biếu. Ai có hay rằng tấm vé đó có khi là vì nằn nì, xin xỏ khiến người ta cực chẳng đã mới phải cho vì sợ mất quan hệ, sợ bị khó dễ trong quan hệ công việc.

Tôi thú thật đã từng có khi vênh vang một cách vô lối như vậy mà về sau nghĩ lại thấy xấu hổ vô cùng, thấy mình có lỗi với bạn bè bị mình tự nhiên làm khó dễ trong một việc lẽ ra mình có thể tự lo lấy được. Mình chỉ là hạng tép riu thôi mà khi cầm tấm vé được cho cứ ngỡ mình là VIP.

Nhìn rộng ra, chuyện “giải quyết khâu oai” này không chỉ có trong việc kiếm vé tham dự một sự kiện. Nó còn hiện diện nhiều trong quan hệ giao tiếp xã hội khi anh muốn chứng tỏ mình là thế này thế khác, khi anh muốn tỏ ra vượt trội hơn người giữa đám đông. Ví như tìm cách tỏ cho mọi người biết mình quen biết một nhân vật có vai vế, địa vị trong xã hội ở các sự kiện công cộng chẳng hạn. Khi nào việc giải quyết khâu oai còn phát huy tác dụng, khi đó xã hội còn lúng túng với những phát sinh không đáng có.

Yêu sách kín đáo

Trong quan hệ “xin-cho”, người đi “xin” nói chung thường đứng ở vị trí quyền lực thấp hơn người đi “cho”. Thường ta chỉ gọi một hành động là “đi xin” nếu người “bị xin” có quyền từ chối việc trao tặng khi họ không muốn “cho”. Nếu như không muốn mà vẫn phải cho thì lúc ấy quan hệ xin-cho kể trên thật ra đã bị phá vỡ. Nó đã trở thành một mối quan hệ quyền lực mới.

Trong trường hợp tặng vé, nhà tổ chức không muốn “cho” mà vẫn “cắn răng” cho vé chắc không hẳn vì lòng tốt, mà bởi rất có thể nếu không cho thì còn thiệt hại hơn. Nói cách khác, người đi “xin” lúc này ở trong vị trí quyền lực cao hơn người cho. Bằng hành vi trông thì ngỡ là “đi xin”, thật ra họ đang thực hiện một yêu sách kín đáo, hoặc ít nhất là một hành vi thương lượng ngầm ẩn.

Vì thế, quan hệ trao đổi này là một mối quan hệ lợi ích (gồm cả lợi ích kinh tế lẫn lợi ích tình cảm) trước khi là một mối quan hệ văn hóa. Nếu chúng ta quy vấn đề “xài chùa” này thành câu chuyện “căn tính người Việt” thì sẽ có rất nhiều người Việt không có cơ hội sở hữu cái “căn tính” tưởng như ai cũng có đó. Theo tôi, nếu thật sự có một thứ gọi là “văn hóa xài chùa” ở Việt Nam thì “văn hóa” ấy được phân phối không đều. Người nghèo, người không có quyền lực, người không có quan hệ, tóm lại những kẻ thấp cổ bé họng chẳng mấy khi được hưởng cái “văn hóa” ấy.

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay

Một trong những điều khiến người hâm mộ bóng đá bức xúc nhất là việc sức chứa sân Thống Nhất đến 20.000 chỗ, nhưng lượng vé được đưa ra bán công khai cho người dân xếp hàng chỉ vài ngàn. Thậm chí không hề có một chiếc vé khán đài A nào được bán ra vì được giải thích là dành cho nhà tài trợ, ban tổ chức...

Nhà tài trợ và ban tổ chức giải làm gì mà giữ lại nhiều vé đến thế? Tuồn ra chợ đen chăng? Đó là những câu hỏi mà người hâm mộ đã đặt ra. Tuy nhiên, tôi lại nhận được một câu hỏi khác từ một người bạn: Chúng ta thử đặt mình vào vị trí của nhà tài trợ, ban tổ chức, đó là sẽ trả lời thế nào khi bạn bè thân thiết, các mối quan hệ quan trọng trong xã hội, trong kinh doanh… ngỏ lời nhờ mua vài chiếc vé (ở đây chỉ mới bàn về chuyện nhờ mua, chưa nói đến chuyện xin vé)?

Nếu ở phương Tây, câu trả lời của nhà tài trợ hoặc các thành viên ban tổ chức ắt sẽ là: Ngoài quầy vé đang bán, mời bạn vui lòng ra đấy xếp hàng mua vé.

Câu trả lời ấy nếu được sử dụng ở Việt Nam ta thì sao nhỉ? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Thanh Hải - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Nutifood, nhà tài trợ chính cho Giải U-19 quốc tế - đã cười và nói: “Chắc chết!”. Ông Hải cũng tâm sự rằng kinh doanh thời khó khăn này hết sức vất vả, nhưng cũng không vất vả bằng những ngày qua theo chuyện vé. “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi đối diện với khó khăn này. Cũng mừng vì sự kiện được mọi người quan tâm, ủng hộ nhưng cũng quá khổ vì chuyện vé”, ông Hải nói.

Vâng, đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Trước đây tôi cũng từng bất bình với chuyện phân phối vé một cách nhỏ giọt đối với những sự kiện ăn khách và cho rằng các nhà tổ chức đã “giấu” bớt vé để tuồn ra thị trường chợ đen. Nhưng sau lần tổ chức trận đấu “Chia tay thế hệ vàng” nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập báo Tuổi Trẻ thì mới thật sự cảm thông cho các nhà tổ chức khi muốn điên đầu vì vô số lời nhờ vả mua giùm vé tốt. Chung quy cũng vì cái bệnh của người Việt, đó là thích nhờ vả qua những mối quan hệ dòng tộc, thân quen trong xã hội. Và người được nhờ nếu nói ”không” ắt sẽ bị mất lòng, không loại trừ sẽ gặp khó khăn trong việc làm ăn, kinh doanh nếu là doanh nghiệp.

Cái bệnh nhờ vả ấy xuất hiện khắp nơi, từ chốn công quyền, nơi khám bệnh đến các quầy vé tàu xe dịp tết lẫn các sự kiện giải trí ăn khách. Từ đấy sinh ra bất công, khi mà nhiều người dân bình thường phải chen chúc xếp hàng khổ sở để mong được mua chiếc vé, mong được chứng giấy tờ thì chỉ cần một cú điện thoại là nhiều người lại có những chiếc vé đẹp, hay được ưu tiên giải quyết giấy tờ nhanh chóng. Rồi từ bất công này nảy sinh bất công khác mang mùi tiêu cực thì âu cũng là chuyện bình thường.

Nghệ sĩ và chiếc vé mời xem kịch

Cách đây vài năm, NSƯT Chí Trung có dịp vào TP.HCM và gọi cho NSƯT Thành Lộc xin một cặp vé mời đi xem kịch Idecaf. Thành Lộc bảo: “Hơi khó, sẽ cố gắng”. Chí Trung nghe vậy nghĩ bụng: “Có một cặp vé mời bạn bè thôi sao lại khó!”. Hôm sau Thành Lộc hoan hỉ gọi cho Chí Trung bảo: “Có vé rồi!”, Chí Trung lại càng thấy lạ và nghĩ chắc Thành Lộc đang cố “làm hàng” chứ vé xem kịch làm gì mà “hot” đến vậy. Chỉ đến khi thật sự bước vào khán phòng và thấy xung quanh không còn ghế trống, những hàng ghế đầu, ghế đẹp cũng thuộc về khán giả mua vé bình thường chứ không phải là một vị “quan khách” hoặc “nghệ sĩ lớn” nào, Chí Trung mới vỡ lẽ và khâm phục cách làm sân khấu thẳng thắn của Idecaf. Nghĩa là hạn chế tối đa vé mời. Nếu có khách đến bằng vé mời thì dù là khách VIP, người quen hay người nhà cũng sẽ được xếp ghế bình đẳng với khán giả mua vé bình thường.

Trong khi đó rất nhiều sân khấu miền Bắc lâu nay toàn sáng đèn bằng... vé mời. Nhưng người được mời đôi khi quá bận để đến các nhà hát, hoặc mắc thói được cho thì cứ lấy dù không thích, nên có khi khán phòng mở màn mà những hàng ghế đầu - nơi tương tác gần nhất với sân khấu và nghệ sĩ - lại trống vắng thấy thương. Hoặc cũng có khi những tấm vé mời được trân trọng gửi đến nhưng người được mời lại tùy tiện đem cho đại ai đó nên có rất nhiều chiếc ghế tốt lại thuộc về khán giả... “không liên quan” với những gì đang diễn ra trên sân khấu, họ bận nói chuyện riêng, nhắn tin hoặc xem Facebook trên điện thoại suốt cả buổi diễn. Và tệ nhất là ở một vài chương trình sau giờ giải lao thì có chuyện “người đi ghế ở lại” xảy ra ở những chiếc ghế đẹp nhất, VIP nhất.

NSND Kim Cương từng “khủng hoảng” trong suốt thời gian chuẩn bị cho chương trình Tạ ơn đời. Lúc đó điện thoại của chị gần như “cháy máy” với các cuộc gọi trước là hỏi thăm sức khỏe, sau là hỏi “còn vé không?”! Có những mối quan hệ chị cần phải mời, có những sự xin vé chị buộc phải cho, mà khán phòng Nhà hát TP.HCM vốn không có nhiều ghế nên dẫn đến chuyện có rất nhiều khán giả thật sự muốn xem đêm diễn cuối cùng của kỳ nữ Kim Cương một thời đành phải ngậm ngùi nhận cái lắc đầu ở phòng vé, dù họ sẵn sàng bỏ số tiền lớn để mua. Khá nhiều chương trình của các nghệ sĩ khác cũng vậy, sau khi kết thúc dù được báo chí tung hô “cháy vé” nhưng chỉ có ban tổ chức và các nghệ sĩ trong cuộc mới thấm thía hậu quả bù lỗ của “văn hóa vé mời”. Sự lỗ lã về tiền bạc còn có thể bù lại được, nhưng sự trống vắng vì “những chiếc ghế mời… vô chủ” mới thật sự là nỗi hụt hẫng lớn.

Gần đây khi Chí Trung quyết định không tặng vé mời nữa mà gợi ý thẳng: “Anh chị thích xem thì mua vé hộ tôi cái!”, tất nhiên rất nhiều người không vui ra mặt và bảo anh ki bo, không nể mặt sếp lớn, người quen, thậm chí có người còn giận không thèm liên lạc nữa. Nhưng Chí Trung vẫn giữ vững lập trường và cho biết anh chấp nhận áp dụng hình thức mua một tặng một, hợp tác với các trang mạng bán hàng tập thể để giảm giá vé, khuyến mãi cho các đối tượng đặc biệt…

Chí Trung bảo: “Vé mời là thứ ấu trĩ, lạc hậu cần phải bỏ. Đi đến nhà hát là để xây dựng giấc mơ cho mình, phải bỏ tiền ra mua mới hay chứ cho không thì chẳng ai quý!”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp