Gian hàng tranh đá của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương, Nghệ An được bán để gây quỹ giúp học sinh nghèo - Ảnh: DOÃN HÒA
Chiều cuối tuần, nhóm học trò và thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương, Nghệ An lội ra con suối cạnh trường để nhặt đá.
Những viên đá đủ kích cỡ lớn bé được cô trò lựa chọn rồi đem về trường cọ rửa sạch sẽ. Nhờ sự hướng dẫn của giáo viên mỹ thuật, các em học sinh và thầy cô giáo lại cùng ngồi cặm cụi vẽ tranh lên đá suối.
Chỉ sau ít giờ, những viên đá qua bàn tay khéo léo của cô trò lại biến thành những bức tranh đầy màu sắc sinh động. Tùy theo kích cỡ, những hòn đá suối có những chủ đề khác nhau như về gia đình, quê hương, những thông điệp hay trong cuộc sống.
Ngoài vẽ lên đá, các sản phẩm thủ công từ mây tre đan đã được các họa sĩ "tay ngang" vẽ lên những hình ảnh rất gần gũi với cuộc sống hằng ngày như trường lớp hay hình ảnh về cuộc sống bình dị của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, giáo viên và học sinh dựng gian hàng bán các sản phẩm do chính đôi bàn tay của học sinh và giáo viên làm ra mang bán gây quỹ cho học sinh nghèo. Nhiều du khách đã mua các sản phẩm làm quà kỷ niệm vừa góp phần ủng hộ học sinh nghèo.
Các sản phẩm ở đây được bán với giá giao động từ 50.000 - 500.000 đồng tùy theo kích thước và tính cầu kỳ của sản phẩm. Tuy vậy, nhiều người còn tự nguyện trả với giá cao hơn để ủng hộ vào quỹ giúp học sinh nghèo.
Cô Nguyễn Thị Nhung - hiệu trưởng nhà trường - cho biết đặc thù của trường nằm ở vùng sâu, vùng xa, nhiều em học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Không ít em phải bỏ học giữa chừng vì nghèo khó.
Hoạt động bán tranh làm từ đá suối được nhà trường triển khai trong ba năm qua đã giúp được nhiều học sinh có thêm đồ dùng học tập, dụng cụ cá nhân ở bán trú.
Đặc biệt, trong đêm "Tết vì người nghèo - Nhâm Dần 2022" do tỉnh Nghệ An tổ chức, bức tranh đá "Cho đi là còn mãi" của cô trò tự tay làm ra được đem đấu giá với trị giá 600 triệu đồng.
"Chúng tôi rất vui mừng bởi không chỉ là việc rèn luyện được cho các em kỹ năng viết vẽ mà hơn hết là giúp các em lan tỏa tình yêu thương, san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn hơn", cô Nhung nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận