29/05/2019 19:31 GMT+7

Vệ tinh của tỉ phú Elon Musk quá sáng gây nhiễu giới thiên văn

HÀ MY
HÀ MY

TTO - Vệ tinh của SpaceX - công ty của tỉ phú Elon Musk, bị các nhà thiên văn học và phi hành gia than phiền sẽ sớm ảnh hưởng đến bầu trời về đêm khi những vệ tinh này tạo thành một 'chòm sao' mới.

Đoạn clip của ông Marco Langbroek ghi hình vệ tinh của công ty SpaceX trên bầu trời đêm - Video: The Guardian

Trước đó, ngày 15-5 SpaceX đã phóng thành công 60 vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo thấp của Trái đất trong một phần kế hoạch cung cấp dịch vụ internet toàn cầu từ vũ trụ. Công ty mong muốn phóng đến 1.200 vệ tinh.

Ngay sau đó, các nhà thiên văn học và phi hành gia tỏ ý lo ngại về vấn đề này, theo The Guardian.

Sự xuất hiện của vệ tinh Starlink trong quỹ đạo thấp của Trái đất làm ảnh hưởng đến việc quan sát vũ trụ của các nhà thiên văn. Mới đây, nhà thiên văn nghiệp dư Marco Langbroek đăng tải đoạn video cho thấy các vệ tinh di chuyển như một đoàn tàu trên bầu trời đêm. Video nhận được nhiều phản hồi từ cư dân mạng, với nhiều ý kiến bày tỏ bất ngờ và phẫn nộ.

Một trang web của Hà Lan về UFO (vật thể bay không xác định) nhận được đến 150 phản hồi cho rằng người ngoài hành tinh đang tiếp cận Trái đất, trong khi thực tế chúng chỉ là vệ tinh.

Ngày 28-5, mọi người có thể thấy các vệ tinh Starlink bằng mắt thường khi chúng chỉ ở độ cao 450 km. Tuy nhiên, việc chúng sẽ sáng đến mức độ nào khi đạt được độ cao 547 km - độ cao cố định của chúng, trong tháng sau thì chưa rõ.

"Tất cả mọi người đều bất ngờ khi thấy chúng (vệ tinh) sáng đến mức này" - Darren Baskill - nhà thiên văn trường Đại học Sussex (Anh) cho hay.

"Tôi sống ở vùng ngoại ô Brighton nơi mà bầu trời bị ô nhiễm ánh sáng và tôi có thể thấy những vệ tinh này rất rõ trên bầu trời" - ông nói thêm.

Vệ tinh của tỉ phú Elon Musk quá sáng gây nhiễu giới thiên văn - Ảnh 2.

60 vệ tinh đầu của SpaceX được phóng vào vũ trụ tại Trạm không quân Mũi Canaveral, Mỹ ngày 15-5 (giờ địa phương) - Ảnh: AP

Trong khi ông Musk cho rằng về đêm các vệ tinh Starlink sẽ không được trông thấy, Cees Bassa - nhà thiên văn tại Học viện Thiên văn vô tuyến Hà Lan - cùng một số chuyên gia khác tỏ vẻ nghi ngờ và đã có những tính toán cùng nghiên cứu của riêng họ về việc vệ tinh Starlink sẽ sáng đến đâu trên bầu trời đêm.

"Tôi muốn cho mọi người thấy rằng những vệ tinh này sẽ dễ thấy hơn mọi người nghĩ," ông Bassa khẳng định.

Theo tính toán của ông, một khi 1.584 vệ tinh đầu được phóng vào vũ trụ, sẽ có khoảng 15 vệ tinh có thể thấy rất rõ trong 3-4 tiếng sau khi mặt trời lặn và trước khi mặt trời mọc. Tức là vào mùa đông, sẽ có vài tiếng về đêm mà chúng ta không thể thấy những vệ tinh này, nhưng mùa hè chúng sẽ hiển hiện suốt đêm.

Một khi toàn bộ 12.000 vệ tinh được đưa vào quỹ đạo thấp, khoảng 70-80 trong số chúng sẽ hiển hiện suốt đêm trong trường hợp toàn bộ 12.000 vệ tinh này hoạt động trong cùng một quỹ đạo.

Theo ông Bassa, những vệ tinh này sẽ làm thành những "chòm sao" hoàn toàn mới trên bầu trời đêm.

Néstor Espinoza - nhà thiên văn tại Học viện thiên văn Max Planck (Đức), tỏ vẻ bực mình vì chúng sẽ không chỉ thay đổi diện mạo bầu trời đêm mà còn gây khó khăn cho các nhà thiên văn.

"Chúng tôi hiện đã phải đối mặt với các vệ tinh suốt ngày. Bất cứ khi nào chúng chui vào hình ảnh của bạn, bạn phải tìm cách sửa. Nếu phóng lên trời 12.000 vệ tinh, nó sẽ là một vấn đề lớn" - ông Espinoza nói thêm.

Baskill khẳng định rằng đèn chiếu từ những vệ tinh này sẽ khá mờ so với 500 sao sáng nhất trên bầu trời, dù điều này chưa thật sự chắc chắn. Tuy nhiên các vùng ngoại ô chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng do ở những nơi này có thể thấy từ 1.000-2.000 sao trên bầu trời.

Ông Musk khẳng định SpaceX đang nghiên cứu thêm cách để giảm thiểu ánh sáng phản chiếu từ các vệ tinh Starlink.

SpaceX phóng 60 vệ tinh đầu tiên trong dự án cung cấp internet từ vũ trụ SpaceX phóng 60 vệ tinh đầu tiên trong dự án cung cấp internet từ vũ trụ

TTO - SpaceX của tỉ phú Elon Musk vừa phóng 60 vệ tinh nhỏ đầu tiên lên quỹ đạo thấp của Trái đất trong một phần của kế hoạch bán dịch vụ internet toàn cầu từ vũ trụ của công ty.

HÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp