Từ khi làm du lịch “xanh”, sản phẩm bè cá của chú Bảy Bon luôn thu hút khách đến tham quan - Ảnh: CHÍ CÔNG
Với cách làm này, sản phẩm và lợi nhuận chia đều cho nhà vườn. Tất cả vì lợi ích chung, đồng thời cũng tạo sự mới lạ để thu hút khách đến đây tham quan nhưng có cảm giác như sống trong một đại gia đình cộng đồng. Cuộc sống của tôi và người dân ở đây thoải mái hơn, tất cả nhờ vào cô Bé Bảy hết thảy.
Nhà vườn ở Cồn Sơn NGUYỄN THỊ KIM THỦY
Cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 6km, Cồn Sơn có diện tích rộng hơn 67ha, người dân chủ yếu sống bằng nghề làm vườn, trồng rau, trồng cây ăn trái, đào ao nuôi cá.
Với sự bồi lắng của phù sa sông Hậu, nơi đây là một trong năm vùng đất cồn ở TP Cần Thơ có vị trí thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái mang đậm chất quê.
"Nói không" với rác thải nhựa
Khu du lịch cộng đồng Cồn Sơn đón hơn 350 lượt khách/ngày. Tuy nhiên, cảm nhận của nhiều du khách khi đặt chân đến nơi này là một môi trường trong lành và sạch sẽ, đặc biệt là rác thải nhựa - "đặc sản" của vùng sông nước miền Tây - rất hiếm khi được bắt gặp tại khu du lịch này. Đây là thành quả của dự án "Người Cồn Sơn hạn chế sử dụng túi nilông" trong phát triển du lịch.
Là một trong những hộ tham gia dự án này, bà Phan Kim Ngân - chủ nhà vườn Công Minh, chuyên làm những mâm bánh dân gian để phục vụ du khách - cho biết tất cả công đoạn làm cho đến trình bày trang trí bánh đều dùng những chất liệu mang nét đặc trưng của vùng thôn quê như: rổ tre, sàng tre, lá sen, hoa sen, lá chuối...
Khi đi chợ, bà Ngân cũng dùng lá chuối hay túi xách bằng chất liệu thân thiện với môi trường để đựng thực phẩm.
"Khách đến, ngoài việc phục vụ tận tình, chúng tôi vẫn nói với khách để hạn chế sử dụng túi nilông. Làm vậy, chúng tôi có thể quản lý và phân loại nguồn rác thải tốt hơn nên cái nào đốt được thì tự đốt, cái nào cho cá nuôi ăn được thì cho, không lãng phí mà cũng chẳng gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh" - bà Ngân bộc bạch.
Tương tự, ông Lý Văn Bon (Bảy Bon) - chủ bè cá ở khu vực 1 Cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) - cho biết với hơn 20 năm gắn bó cùng nghề nuôi cá bè, ông đã chứng kiến cảnh sông nước ken đặc rác thải, nhất là rác thải nhựa. Để nuôi cá đạt sản lượng và phục vụ khách chiêm ngưỡng, ông Bon phải tự mình ngày đêm vớt rác.
"Một ngày tôi vớt không biết bao nhiêu bọc nilông và chai nhựa trôi tấp vào bè cá nuôi của gia đình. Số lượng nhiều lắm. Tôi không thể tính nhưng chỉ biết mỗi tháng tôi thu thêm được khoảng 2 triệu đồng tiền bán rác như túi nilông và chai nhựa... Tôi cũng để sọt rác trên bè, khách mang theo túi nilông có thể bỏ vào đó thay vì vứt bừa xuống sông" - ông Bon bày tỏ thêm.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Minh Luân - một du khách ở Q.3, TP.HCM - cho biết đây là lần thứ 2 anh cùng bạn bè và gia đình đến nghỉ dưỡng ở Cồn Sơn vì rất thích cách làm du lịch cộng đồng tại đây.
"Du lịch cộng đồng có rất nhiều nhưng tôi chọn Cồn Sơn vì ở đây ngoài sự dân dã, nhiệt tình, đôn hậu của người dân, không khí và cảnh quan rất mộc mạc, trong lành" - anh Luân cho biết.
Còn anh Huỳnh Tổng Thống (du khách đến từ Sóc Trăng) cho biết khi nghe một người bạn nhờ tìm một nơi để dẫn học sinh đến trải nghiệm, anh đã chọn ngay Cồn Sơn vì ở đây lớp trẻ sẽ dễ dàng trải nghiệm cuộc sống thôn quê.
"Các em có thể tự tay làm bánh, gói bánh, bắt cá... đặc biệt là để các em cảm nhận được phong tục tập quán của người miền Tây là như thế nào" - anh Thống nói.
Người truyền cảm hứng
Để có "quả ngọt" đó, ngoài việc người dân bản xứ "chung lưng đấu cật", phải nhắc đến người có công truyền cảm hứng là chị Lê Thị Bé Bảy - chủ nhiệm dự án "Người Cồn Sơn hạn chế sử dụng túi nilông" trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, chị Bé Bảy khiêm tốn cho biết du lịch Cồn Sơn được bạn Ngọc Trân và bạn Kim Lợi (người dân địa phương) đặt nền móng từ năm 2014, nhằm giới thiệu đặc sản địa phương như trái cây và các món bánh dân gian với du khách, chị Bé Bảy đăng ký tham gia và góp sức tìm hiến kế để phát triển du lịch cộng đồng Cồn Sơn cho đến nay.
Nguyên là một cán bộ văn hóa, chị Bé Bảy đi và tìm hiểu về cách làm du lịch ở nhiều nơi khác nhau, rồi chọn ý tưởng du lịch từ 36 phố phường ở Hà Nội, phát triển du lịch cộng đồng theo chuỗi mắt xích chặt chẽ để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách.
Theo chị Bé Bảy, cách làm du lịch này khó nhất là các thành viên phải thống nhất theo kiểu "chia đều" mỗi người một việc. Chẳng hạn, chị Bé phụ trách chạy đò đưa rước khách, chú Bon với bè cá phục vụ du khách tham quan...
Các hộ ở nhà vườn như chị Tâm phục vụ món ăn rau luộc cá kho, chị Chín Nhỏ chuyên nấu món ếch, chị Năm Phước chuyên nấu cá tai tượng và lẩu cua đồng, chị Bảy Muôn làm bánh dân gian...
Từ 7 hộ tham gia làm du lịch ban đầu, đến nay đã lên tới 37 hộ, phục vụ đa dạng dịch vụ và sản phẩm du lịch cho du khách tham quan.
"Ở đây ai cũng vì lợi ích chung của tập thể, vì thế bà con liên kết rất chặt chẽ và ý thức rất rõ về tầm quan trọng của mình nên ủng hộ nhiệt tình" - chị Bé Bảy chia sẻ thêm.
Để bà con ý thức hơn trong việc phân loại rác tại nguồn, gìn giữ môi trường trong sạch, chị Bé Bảy tổ chức thêm dự án "Người Cồn Sơn hạn chế sử dụng túi nilông" nhằm tuyên truyền về tác hại rác thải sinh hoạt, khuyến khích các hộ dân tham gia làm du lịch sử dụng túi phân hủy để thay thế dần cho túi nilông, chai nhựa. Và kết quả đã đem lại thành quả ngoài mong đợi.
Đội thu gom rác thải 9X
Tranh thủ buổi chiều tối, đội thu gom rác thải 9X đi cắt lá sen cho nhà vườn làm du lịch đựng thức ăn hay đi chợ
Bạn Phạm Nguyễn Cẩm Thanh - tình nguyện viên trong đội thu gom rác thải ở khu du lịch cộng đồng Cồn Sơn - cho biết đội thu gom rác thải của Thanh gồm khoảng 20 người, vừa đảm nhiệm công tác hướng dẫn đoàn du lịch địa phương, vừa tham gia thu gom rác thải 2 ngày/tuần.
Khi đi, đội thu gom rác thải 9X đều đến đông đủ, ít gì cũng 5-10 người tham gia đi bộ cả vài cây số quanh cồn để lượm rác; chiều về các bạn ra sau vườn cắt lá sen, lá chuối cho các nhà vườn trang trí thức ăn hoặc đi chợ gói thực phẩm.
"Tụi em làm công việc thu gom rác đã hơn 1 năm. Nhìn thấy con đường quê sáng, sạch là tụi em không chỉ vui mà khách đến tham quan cũng cảm thấy thoải mái" - Cẩm Thanh vui vẻ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận