Anh Phạm Minh Tân về nhà giúp gia đình gói bánh, bán cam, quýt - Ảnh: NVCC
"Tui không biết sắp tới làm gì đây. Mẹ con đều đi bán vé số kiếm miếng ăn từng ngày. Rồi còn tiền nhà trọ mỗi tháng cả điện, nước cũng hơn 2 triệu đồng. Xoay xở ở đâu bây giờ?" - bà Đoàn Thị Bích Tuyền chùng giọng tâm sự. Nghe một số "đồng nghiệp" đang rục rịch về quê để tạm tị nạn qua mùa dịch, mẹ con bà Tuyền cũng tính về, nhưng mới nghĩ đến đó bà càng đau đầu thêm.
Về quê rồi tính tiếp
Ở quê nhà xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, Sóc Trăng, bà không có nổi cục đất "chọi chim", chứ đừng nói căn nhà hay thửa ruộng. "Về quê cũng chẳng biết làm gì, ở đâu, hổng lẽ lại nương nhờ ba má già yếu. Rồi tiền bạc đâu mà sống?" - bà Tuyền tâm sự.
Tuy nhiên, bà Tuyền vẫn còn chút may mắn vì có 2 con lớn đang đi làm cơ sở sản xuất dù bữa đực bữa cái. Nhiều bạn bè của bà lâm cảnh khó hơn. Đó là những "ôsin" dọn dẹp nhà cửa, công ty, những người chạy chợ lặt vặt kiếm cơm từng bữa.
Buổi tối đi nhờ bạn đi xe máy về quê ở huyện Ba Tri, Bến Tre, bà Lê Thị Thi - giúp việc cửa tiệm ở đường số 1, quận Bình Tân - chân chất kể mình không có nổi... 100.000 đồng dằn túi để về quê. Không chỉ đi nhờ xe bạn, Thi kể bà còn phải để lại tất cả "đồ giá trị" cho chủ nhà trọ dù chỉ là nồi cơm điện, bàn ủi và cái tủ lạnh 1 hộc cũ kỹ.
"Chủ nhà trọ thương cho nợ tiền tháng 3, nhưng biểu tôi để đồ lại ý là thế chấp" - bà Thi rầu rĩ kể. Tiệm đóng cửa thì phải về quê, nhưng bà chưa biết làm gì để sống tiếp trong mùa dịch bệnh này...
Có tiền dằn túi, về quê cũng đỡ
Là hướng dẫn viên du lịch của một công ty tư nhân tại quận 3 (TP.HCM), hơn một năm qua Nguyễn Huỳnh Lan Anh (24 tuổi, quê An Giang) hiếm khi có nhiều thời gian rảnh do đặc thù công việc. Cô kể năm ngoái mình liên tục đắt show, được đi nhiều nơi cả trong và ngoài nước.
"Đó là một cú sốc khá lớn đối với tôi!" - Lan Anh chia sẻ. Cô cho biết từ sau tết khi mới phát hiện dịch bệnh, các tour du lịch giảm hẳn. Không chỉ bớt khách mà các tour đã đặt trước đó cũng bị hủy. Ban đầu là ít khách, sau đó đến các tour đặt trước cũng hủy gần hết, họ chấp nhận mất tiền cọc để ở nhà.
"Không có người đi du lịch thì chúng tôi đâu còn ai để dẫn, cũng không thể trách người ta, vì dịch bệnh mà" - cô chùng giọng.
Cuối cùng, Lan Anh quyết định về quê để đỡ các khoản tiền trọ, ăn uống. Ở quê, Lan Anh sống bằng tiền tiết kiệm và phụ việc gia đình. Là cô gái năng động, đã quen đi đó đây, nhưng hiện giờ mỗi ngày của Lan Anh chỉ quanh quẩn ở nhà. "Tôi không quen cảm giác này, thật sự rất khó chịu" - Lan Anh tâm sự.
Anh Phạm Minh Tân (quê Đồng Tháp), nhân viên một công ty du lịch - lữ hành tại Cần Thơ, cho biết do dịch bệnh nên từ cuối tháng 1 khách bắt đầu hủy hoặc lùi thời gian khởi hành tour. Kinh doanh đình trệ đã ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và thu nhập của nhân sự ngành "công nghiệp không khói". Nhiều công ty lữ hành bắt đầu cho nhân viên nghỉ việc không lương nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh COVID-19.
"Hiện tại, tổng công ty mới ra thông báo nhân viên sẽ chỉ nhận lương cơ bản theo mức lương tối thiểu vùng" - anh Tân cho biết.
Thấy tình hình không khả quan, hơn một tuần nay Tân trở về quê nhà phụ giúp gia đình và nảy sinh ý định kinh doanh online. Mặt hàng được bày bán là cam xoàn, cam sành, quýt đường từ mảnh vườn của cha mẹ đang vào vụ thu hoạch và những đặc sản quê nhà như ốc đắng, chem chép, bánh tét...
"Cũng có hơn chục khách, chủ yếu là bạn bè thân thiết ủng hộ. Mấy nay anh em động viên cùng nhau cố gắng vượt qua, chờ tình hình ổn định lại rồi chinh chiến tiếp" - anh Tân chia sẻ.
Nợ ngân hàng vẫn đóng đều đặn!
Trước thời điểm đại dịch hoành hành, anh Vũ Minh Biên (quê Bình Thuận) vốn nhập phụ kiện điện thoại, laptop từ Trung Quốc buôn bán trên một trang thương mại điện tử. Cùng với đó, anh vay tiền ngân hàng mua xe chạy Grab và môi giới nhà cho thuê.
Dịch bệnh, các ngành kinh doanh chính của anh đều lao đao vì không có khách hàng. Bí bách, anh về quê vợ tại Đắk Lắk tránh dịch và phụ giúp gia đình.
"Hổm rày về quê tui phụ bán quán cơm cho gia đình bên vợ. Vừa rồi người ta khuyến cáo hạn chế bán, mai mốt chắc tui chuyển sang tưới rẫy tiêu chứ biết làm gì giờ" - anh Biên thở dài.
Cũng theo anh Biên, không làm ăn được nhưng mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều giữ nguyên. Tiền nhà thuê trong Sài Gòn, tiền mua góp xe, tiền lãi ngân hàng vẫn phải đóng đều đặn hằng tháng.
"Chỉ mong dịch bệnh kết thúc trong vài ba tháng tới, chứ kéo dài chín mười tháng có nước lâm cảnh nợ nần, phá sản" - anh Biên nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận