30/07/2020 09:10 GMT+7

'Về nhà rồi, sống rồi!'

TUẤN PHÙNG - LAN ANH
TUẤN PHÙNG - LAN ANH

TTO - Khi chuyến bay VN06 của Vietnam Airlines hạ cánh xuống sân bay Nội Bài chiều 29-7, tất cả hành khách đồng loạt vỗ tay, nhiều người thốt lên: 'Về nhà rồi, sống rồi!'.

Về nhà rồi, sống rồi! - Ảnh 1.

Những người Việt về nước gửi lời cảm ơn Chính phủ cùng các bộ ngành, đơn vị đã tổ chức chuyến bay đưa họ trở về - Ảnh: H.T.S

"Thấy những người con xa xứ trở về với niềm vui như thế, bản thân tôi thấy tiêu tan mệt mỏi sau chuyến bay dài 13 tiếng. Các bác sĩ và thành viên tổ bay khác cũng đều chung tâm trạng đó" - Trương Anh Tú (37 tuổi), tiếp viên trưởng chuyến bay VN06 đưa 219 công dân từ Guinea Xích Đạo về nước, chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Rạng rỡ niềm vui được trở về

19h ngày 29-7, tiếp viên trưởng Trương Anh Tú mới nhận phòng nghỉ tại khu cách ly của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương sau chuyến bay dài 13 tiếng từ Guinea Xích Đạo về Hà Nội.

Chưa ăn tối, chưa tắm rửa nhưng anh Tú vẫn vui vẻ bày tỏ: "Cảm xúc lúc này là phấn khởi vì hoàn thành chuyến bay tốt đẹp. Điều lo ngại trước chuyến bay là sẽ có những hành khách gặp vấn đề xấu về sức khỏe khi có 129 người dương tính với COVID-19 trên chuyến bay dài 13 tiếng. 

Nhưng trong suốt chuyến bay không có ai phải hỗ trợ đặc biệt về y tế. Một vài người sốt cao, khó thở đã được sự trợ giúp của các bác sĩ nên khi máy bay hạ cánh, họ có thể đi theo nhóm về khu cách ly mà không cần sự trợ giúp y tế đặc biệt".

Từng bay các chuyến từ Anh về có khách dương tính hồi tháng 3, tháng 4-2020 nên Tú xung phong tình nguyện tham gia chuyến bay đi Guinea Xích Đạo. 

"Tôi chưa lập gia đình nhưng có bố mẹ đã lớn tuổi nên đến nay chưa dám nói là đi đưa công dân từ Guinea Xích Đạo vì sợ bố mẹ lo lắng. Nhưng nếu các cụ biết cũng sẽ ủng hộ tôi thực hiện nhiệm vụ thôi" - anh Tú bật mí.

Anh Tú và Nguyễn Hữu Trung là hai tiếp viên phục vụ ở khoang chở 129 khách dương tính ở cuối máy bay cùng các bác sĩ. Do đó mỗi người không được sang khoang khác để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo cho các thành viên tổ bay, các hành khách khác.

"Khi máy bay đáp xuống sân bay Bata, mở cửa máy bay thấy đồng bào vẫy tay chào. Dù xa nhưng chúng tôi cảm nhận được sự vui mừng, hồ hởi của mọi người khi biết chắc chắn sắp được về nhà. 

Trong suốt chuyến bay khách đeo khẩu trang nên không giao tiếp gì nhiều nhưng qua nét mặt, ánh mắt thấy mọi người rạng rỡ trong niềm vui được về quê nhà, chúng tôi quên hết mệt mỏi để phục vụ bà con sao cho tốt nhất" - anh Tú kể lại.

Anh cho biết thêm tổ bay và 4 bác sĩ, điều dưỡng trên chuyến bay đều cách ly cùng tầng của tòa nhà Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. 

Tại đây mọi người đều được các bác sĩ giới thiệu tiện nghi, thiết bị trong tòa nhà. Các bác sĩ vừa rời máy bay cũng đi giúp các đồng nghiệp ở viện phát nhu yếu phẩm, bữa tối cho tổ bay.

Về nhà rồi, sống rồi! - Ảnh 2.

Người về nước, sau khi được sát khuẩn và khử trùng, đi vào khu vực bệnh viện để cách ly theo quy định - Ảnh: MAI THƯƠNG

"Mệnh lệnh từ trái tim, trách nhiệm với đồng bào"

"Sau 13 tiếng bay từ Hà Nội sang, chờ 5 tiếng ở sân bay Bata của Guinea Xích Đạo rồi bay 13 tiếng về nước, tôi và các anh em tổ bay không tránh được cảm giác mệt mỏi. Nhưng đến giờ tôi thấy vui và thoải mái vì hoàn thành nhiệm vụ" - cơ trưởng Phạm Anh Tuấn - 36 tuổi, một trong 3 cơ trưởng của chuyến bay VN06 - chia sẻ sau chuyến bay.

Đã từng đi "giải cứu" công dân ở Ukraine, Canada trong tháng 3 và tháng 4-2020 nên cơ trưởng Tuấn cho biết bản thân có kinh nghiệm trong ứng xử, giữ gìn sức khỏe trong chuyến bay này. 

Trong hành trình bay hơn 30 tiếng khứ hồi, 5 phi công trên chuyến bay thay nhau nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe và thời gian làm việc theo đúng quy định.

Theo cơ trưởng Tuấn, sân bay Bata không hiện đại như sân bay Nội Bài hay Tân Sơn Nhất nhưng việc đó không gây trở ngại với tổ bay. Bởi trước đó tổ bay đã nghiên cứu kỹ tài liệu, đường bay của sân bay này nhằm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.

Có một điều làm cơ trưởng Tuấn và cả tổ bay hơi buồn là do sân bay Bata chỉ có quy mô như sân bay địa phương của Việt Nam nên phải đợi đến 5 tiếng để cung cấp đủ 90 tấn nhiên liệu cho máy bay thân rộng Airbus A350. 

"Lúc hạ cánh, chúng tôi thấy đồng bào đã đứng chờ từ sớm. Họ đứng cách máy bay khoảng 200m nhưng chưa được lên vì chưa tiếp nhiên liệu xong. Lúc khách được lên máy bay thì trời mưa to nên nhìn bà con mình mặc đồ bảo hộ, lúp xúp chạy ra máy bay dưới mưa tầm tã thấy thương lắm..." - cơ trưởng Tuấn chia sẻ.

Khi được hỏi có lo lắng không khi trong chuyến bay có đến hơn 120 người được xác định dương tính với COVID-19, cơ trưởng Tuấn bộc bạch: "Chúng tôi xác định đây không chỉ là mệnh lệnh từ Chính phủ, Tổng công ty Hàng không Việt Nam giao xuống mà còn là mệnh lệnh từ trái tim và trách nhiệm với đồng bào". 

Anh Tuấn cho biết thêm: "Ngoài việc máy bay được chia thành các khoang, trong ăn uống chúng tôi cũng chỉ dùng đồ khô, hạn chế dùng nước để giảm sử dụng nhà vệ sinh, hạn chế nguy cơ lây nhiễm".

Phải cách ly 14 ngày sau khi làm nhiệm vụ, chuyến du lịch cùng vợ và con trai 9 tuổi đến Hội An vào tháng 8 tới bị vỡ kế hoạch nhưng anh Tuấn cười, tự an ủi "dịch diễn biến phức tạp thế này nếu không đi cách ly cũng không thực hiện chuyến du lịch được".

Chuyến bay nhiều thách thức

"Chuyến bay đi Guinea Xích Đạo đón công dân về nước không phải là chuyến bay gian khổ mà là một chuyến bay có nhiều thách thức. Bởi đây không phải là đường bay thường lệ và có hơn 100 hành khách nhiễm COVID-19.

image1 ngay 29-7 1(read-only)

5 phi công của chuyến bay VN06 đưa 219 người Việt từ Guinea Xích Đạo về nước ngày 29-7 - Ảnh: CTV

Với hành trình 13 tiếng bay/chiều, để đảm bảo hành khách được an toàn và hạn chế tối đa sự lây nhiễm cho các hành khách khác và tổ bay là thách thức lớn... Nhưng đây là trách nhiệm và nhiệm vụ của chúng tôi" - cơ trưởng chuyến bay VN06 Phạm Đình Hưng, 49 tuổi, nói.

Bác sĩ từng là bệnh nhân COVID-19 nay đi đón bệnh nhân COVID-19

Vừa trở về sau chuyến bay dài từ Guinea Xích Đạo xa xôi nhưng 4 y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã ngay lập tức tham gia hỗ trợ các đồng nghiệp phân luồng phòng điều trị, khu cách ly cho 129 bệnh nhân và 90 người còn lại cùng 16 thành viên tổ bay.

Và cả 4 y bác sĩ này ngoài việc cùng phải cách ly, đặc biệt hơn họ sẽ tham gia điều trị cho các bệnh nhân.

"Chuyến bay dài và khá mệt, nhưng rất may sức khỏe của các anh em trong đoàn công nhân, trong đó có các bệnh nhân, đều không quá đáng ngại.

Có 15 người bị sốt, 5-6 người khó thở mức độ nhẹ do chênh lệch áp suất đều đã được chúng tôi hỗ trợ ngay" - bác sĩ Thân Mạnh Hùng, phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, chia sẻ.

Ít người biết rằng một trong 4 y bác sĩ đi đón đoàn bệnh nhân lần này - bác sĩ Thành, cũng từng là bệnh nhân COVID-19.

Bác sĩ Thành bị lây COVID-19 khi can thiệp hỗ trợ thở cho bệnh nhân hồi tháng 3-2020 và cũng trở thành bệnh nhân, cùng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Và giờ đây anh là thành viên đi đón đồng bào cũng bị COVID-19 từ một nơi rất xa về lại quê nhà.

219 công dân từ Guinea Xích Đạo đã về đến khu cách ly 219 công dân từ Guinea Xích Đạo đã về đến khu cách ly

TTO - Chuyến bay VN06 chở 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo về nước đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 15h10 ngày 29-7. Lúc 16h45, đoàn xe chở các công dân đã về đến khu cách ly.

TUẤN PHÙNG - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp