18/02/2014 14:59 GMT+7

Về miền Tây Trúc - Kỳ 1: Sravasti bình yên

THU GIANG
THU GIANG

TTO - Ấn Độ với tôi là một giấc mơ được trải ra dưới ánh mặt trời. Ở đây mọi thứ đều được đẩy đến độ tột cùng khiến tôi không ngớt ngạc nhiên về những điều bày ra trước mắt mình. Xứ sở này rực rỡ như chính loài chim biểu tượng cho nó: chim công, và kỳ bí như chính loài thú biểu tượng quốc gia: hổ Bengal.

nAs0SnNu.jpg
Bò là phương tiện di chuyển phổ biến ở Ấn Độ - Ảnh: Thu Giang

Trên mảnh đất mênh mông này, núi rừng và biển cả, đồng bằng và sa mạc cùng trải dài, mùa hè nóng như đổ lửa, mùa đông lạnh thấu xương. Trên mảnh đất này, những công trình kiến trúc huy hoàng như những cung điện của thần linh ở chung với những túp lều đất nhỏ hơn cả những chuồng bò.

Tây Trúc huyền thoại

Ấn Độ là miền Tây Trúc nhiều huyền thoại, mảnh đất phát tích của đạo Phật với tám vùng thánh tích linh thiêng đánh dấu những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Phật.

Ấn Độ trải rộng trên 3 triệu km2 với mũi Nam vươn ra Ấn Độ Dương, phía Đông được bao bọc bởi vịnh Bengal, phía Tây được bao bọc bởi vịnh Arabian, đường bờ biển lên tới trên 7.500km. Đồng bằng Ấn-Hằng kéo dài từ phía đông đến tận chân dãy Himalaya tuyết phủ phía Bắc; phía Tây là sa mạc Thar rộng hơn 200.000km², một trong những sa mạc lớn nhất thế giới.

Nếu đi theo “dấu chân Đức Phật” chúng ta sẽ bắt đầu từ Lumbini (Lâm Tì Ni), nơi đánh dấu sự kiện đản sanh; tới Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), nơi Đức Phật thành đạo; rồi từ Bodh Gaya sang Sarnath (Lộc Uyển), nơi chuyển pháp luân, theo con đường hoằng hóa của Người tới Rajgir (Vương Xá), Vaishali (Tỳ Xá Li), Sravasti (Thành Xá Vệ) và Sankasya trước khi đi Kusinagar (Câu Thi Na), nơi Đức Phật nhập Niết Bàn.

Cuộc hành trình gần hai tuần của chúng tôi đã bao phủ 7 điểm trong số 8 vùng thánh tích quan trọng của Phật giáo trên đất Ấn; chỉ thiếu Sankasya, vùng thánh tích nằm bên bờ sông Ikkhumati, nơi còn ít được du khách đến thăm do đường đi và tiện nghi không thuận lợi.

Khoảng thời gian từ tháng 10 đến đầu tháng 2 được coi là thời điểm lý tưởng để du lịch Ấn Độ. Lúc này mùa hè, với những ngày nhiệt độ lên tới 45 độ C đã qua đi; cũng đã hết những ngày mưa tầm tã; mùa đông giá lạnh còn chưa tới. Lúc này, mỗi ngày là một ngày nắng vàng mật ong, trời mát lạnh vào buổi sáng và đêm; một đôi khi cả ngày dài mưa lắc rắc âm u làm những cánh đồng nhuốm vẻ hiu quạnh.

cEGMdvY0.jpg
Những chiếc xe tải được vẽ màu sặc sỡ, với người ngồi trên nóc xe là hình ảnh dễ thấy trên đường - Ảnh: Thu Giang
YrVOW1k2.jpg
Một phiên chợ gia súc - Ảnh: Thu Giang

Đêm Sravasti

Bỏ qua những chuyến bay dài, bỏ qua New Delhi với những trung tâm mua sắm sầm uất và những con đường bụi bặm, bỏ qua Red Ford và Taj Maha lộng lẫy và đã trở nên xô bồ với người, người và người; cuộc hành hương với tôi thực sự bắt đầu khi mắt nhắm mắt mở bước lên tàu tới Lucknow vào một buổi sớm tinh mơ.

Từ Lucknow, chúng tôi xuôi về phía Bắc thêm gần 200km để tới Sravasti, còn được biết đến với tên gọi Savatthi (Pali), thành Xá Vệ.

Khi chúng tôi tới Sravasti, nơi mà người bạn Ấn Độ mô tả là “ngôi làng bị lãng quên”, đã chìm trong bóng đêm. Không gian quá tĩnh lặng khiến lòng người không khỏi bùi ngùi. Sravasti là đây sao, đô thành vương giả của xứ Kosala ngày nào giờ đã là làng quê vắng bóng đèn, đô thị phồn hoa đã lùi xa hàng trăm cây số.

Đã có một thời Sravasti là kinh đô của vương quốc Kosala (Kiều Tát La). Vào thời Đức Phật tại thế, Kosala được xếp hạng tư trong tổng số 16 tiểu quốc của Ấn Độ và Sravasti, một trong sáu thành phố lớn thời đó, một thành phố xinh đẹp, đông đúc và giàu có, với nền văn hóa đa dạng.

Vào thuở ấy, các tỳ kheo sống cuộc sống tu hành khổ hạnh, nay đây mai đó. Nhưng từ rằm tháng 6 đến rằm tháng 9, khi mùa mưa tới và thời tiết trở nên quá khắc nghiệt cho cuộc sống khất thực, họ cần một nơi an trú tạm thời. Những thí chủ thường cúng dường các tịnh xá cho tăng đoàn để các tỳ kheo có chỗ an cư tu tập trong thời gian này.

pwLkp2rF.jpg
Mặt trời lên khi con tàu mải miết chạy về Lucknow - Ảnh: Thu Giang

Hơn 2.500 năm trước, sau khi được nghe pháp và trở thành đệ tử tại gia của Đức Phật, vị thí chủ Sudatta Anàthapindika, thường được biết đến dưới tên gọi Cấp Cô Độc, do ông hay trợ giúp những người cô độc, đã xin cúng dường một nơi an trú mùa mưa tại Sravasti cho Đức Phật cùng tăng đoàn và thỉnh cầu Đức Phật tới Sravasti để hoằng dương Phật pháp.

Đó là sự khởi đầu cho mối duyên của Sravasti với Đức Phật và tăng chúng. Sravasti đã trở thành mảnh đất lành, lưu chân Đức Phật suốt 25 mùa an cư kiết hạ.

Người ta vẫn tin rằng để mua được khu vườn Jetavana của vương tử Jeta (Kỳ Đà), con Đại vương Pasenadi (Ba Tư Nặc), vị thí chủ Sudatta đã phải nhờ đến sự phân giải của tòa án và phải trả số tiền vàng đủ để lát khắp bề mặt khu đất này.

Jetavana được miêu tả là một khu vườn xinh đẹp với nhiều cây cổ thụ, có giảng đường, trai đường, nhà bếp, ở giữa là hương thất dành riêng cho Ðức Phật, xung quanh là tịnh thất của các vị tỳ kheo. Sau nhiều thế kỷ bị quên lãng, đến năm 1863 phế tích của Jetavana lần đầu tiên được phát hiện bởi nhà khảo cổ học người Anh Alexander Cunningham (1814-1893).

Cây bồ đề 2.000 năm

Sau một đêm nghỉ ngơi, sáng sớm hôm sau chúng tôi lên đường tới Kỳ Viên. Ánh nắng ngày mới như rọi vào lòng người một niềm vui. Kỳ Viên tịnh xá nằm giữa vùng đồng bằng bằng phẳng thuộc làng Saheth. Sau chiếc cổng giản dị, khu tịnh xá trải dài, phế tích và cây cối xanh tươi nằm men theo những con đường nhỏ. Những cánh chim chao lượn trên bầu trời xanh. Không gian quá đỗi an bình khiến khách hành hương lòng tràn đầy hỉ lạc.

Ngay từ xa đã có thể nhìn thấy bóng cây bồ đề Ananda nổi bật trên nền trời, tán xòa rộng đến vài chục mét. Cây bồ đề hiện tại được cho là cây gốc từ hơn 2.000 năm trước, do Đại đức Ananda xin phép Đức Phật trồng để mọi người chiêm ngưỡng và kính lễ những khi Người không có mặt ở Sravasti.

Cây được Đại đức Moggallana (Mục Kiền Liên) dùng phép lấy về từ cây gốc ở Bodh Gaya, và Đức Phật đã ngồi thiền một đêm dưới gốc cây này. Người ta vẫn tin rằng ngồi thiền dưới gốc cây hoặc đi kinh hành quanh gốc cây sẽ nhận được nhiều phước báu.

Q0RAGEXr.jpg
Cây bồ đề Ananda - Ảnh: Thu Giang
dO8lTNzi.jpg
Chuẩn bị hoa cúng Phật ở Gandhakuti - Ảnh: Thu Giang

Nằm ở vị trí trung tâm Jetavana là Gandhakuti, hương thất của Đức Phật. Hương thất nguyên thủy, đã bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn, được mô tả là một kiến trúc gỗ bảy tầng, có cất giữ pho tượng Đức Phật bằng gỗ đàn hương. Phần phế tích với những bức tường gạch và chân cột, mà chúng ta có thể chiêm bái ngày nay là kiến trúc được trùng tu về sau.

Tuy chỉ còn là một phế tích, Gandhakuti vẫn là trái tim của Kỳ Viên Tịnh xá, nơi khách hành hương thường hay đi kinh hành xung quanh. Gần đó vẫn còn dấu tích của ao sen, nơi Đức Phật xuống tắm.

Một trong những điểm quan trọng trong Jetavana là Kosambakuti, đánh dấu vị trí của một tịnh thất khác của Đức Phật, giờ đây cũng chỉ còn nền phế tích gần như hình vuông, với mỗi chiều dài hơn 5m và hành lang lát gạch ghi lại con đường Đức Phật đi thiền hành. Ngay gần đó là tịnh thất của Đại đức Ananda, xa hơn, rải rác trong tịnh xá là tịnh thất của các đệ tử lớn của Đức Phật.

Sravasti còn có nhiều phế tích nổi tiếng, như tháp Angulimala (Pakki Kuti) - nơi ghi dấu kỷ niệm về tên tướng cướp Anguilimala, kẻ đã giết chết 999 mạng người và còn định giết chính mẹ của mình cho đủ số 1.000, sau đó được Đức Phật hóa độ trở thành một vị tỳ kheo.

29G8iGf6.jpg
Phế tích Pakki Kuti - Ảnh: Thu Giang

Kề với Pakki Kuti là phế tích của tháp Kachchi Kuti, còn được mang tên vị trưởng giả Anathapindika. Nằm trên gò đất cao giữa một vùng đồng bằng bằng phẳng, từ trên nền phế tích của Kachchi Kuti, du khách có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn, bạt ngàn cây cối...

- Kỳ 2: Lumbini hạnh phúc

THU GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp