11/09/2004 14:07 GMT+7

Về hiện tượng "giết người hàng loạt"

LÊ MINH TIẾN
LÊ MINH TIẾN

TTCN - Theo các nhà nghiên cứu tội phạm học trên thế giới, “giết người hàng loạt” là một hiện tượng đã có từ lâu đời: kẻ sát nhân hàng loạt đầu tiên là một phụ nữ có tên Locusta, được phát hiện vào năm 69 sau Công nguyên.

Nhân vụ xử "phù thủy" giết người hàng loạt Lê Thanh Vân:

KyIhKnBP.jpgPhóng to

Tại châu Âu, kẻ sát nhân đầu tiên được “định danh” là nam tước Gilles de Rais - người được cho là giàu nhất nước Pháp thời đó. Ông này đã bị đưa lên giàn hỏa vào năm 1440 vì đã giết chết hàng trăm trẻ em để tế lễ.

Thế nhưng, giết người hàng loạt sở dĩ “cũ mà mới” là do hiện tượng này chỉ xuất hiện với cường độ cao vào thế kỷ 20, và với tác động lan truyền của các phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại, những tin tức về các vụ việc này được loan nhanh, rộng, thật chi tiết khiến có cảm giác rằng đây là một hiện tượng của xã hội hiện đại.

Nữ sát nhân hàng loạt có nhiều không? Mục đích phạm tội là gì?

Có mấy loại sát nhân hàng loạt?Trường hợp sát nhân kiểu Lê Thanh Vân là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam, nhưng những vụ việc giết người hàng loạt khác như chuyện chồng giết vợ con rồi tự sát, hay con rể giết gia đình vợ cũng đã xuất hiện trước đó. Vì vậy, để tiện trong việc theo dõi và phát hiện những kẻ sát nhân hàng loạt, vào năm 1985 Cục Điều tra LB Mỹ (FBI) đã lập ra Trung tâm phân tích các loại tội phạm có tính chất bạo lực (NCAVC) và chính trung tâm này đã phân ra ba loại sát nhân hàng loạt sau:

Loại 1 là “mass murderer” (giết người tập thể): Loại này có đặc điểm là giết một lúc rất nhiều người (ít nhất là 4) tại cùng một khu vực. Nạn nhân của loại này thường là những người gần gũi (bạn bè, người thân…). Độ tuổi trung bình của loại này vào khoảng 31,15 tuổi (theo các số liệu của Mỹ).

Loại 2 là “spree killer” (giết người rải rác): Loại này cũng giết rất nhiều người trong một khoảng thời gian tương đối ngắn nhưng ở những khu vực khác nhau. Nạn nhân của loại này là những người xấu số chẳng may lọt vào tầm ngắm khi kẻ thủ ác khai hỏa. Độ tuổi trung bình của loại này vào khoảng 29,85 tuổi. Những vụ bắn tỉa liên tiếp trong nhiều tuần lễ quanh khu vực thủ đô Washington cách đây hai năm là một thí dụ.

Loại 3 là “serial killer” (giết người hàng loạt): Loại này có một đặc điểm là giết người có chọn lọc chứ không bừa bãi như hai loại trên, và hành động trong khoảng thời gian dài từ nhiều tháng cho đến nhiều năm. Tuổi trung bình ở lần giết người đầu tiên là 27,27 và tuổi trung bình ở lần giết người cuối cùng là 31,44 tuổi.

“Phù thủy” Lê Thanh Vân thuộc vào loại thứ ba do lẽ y thị giết người có chọn lọc suốt trong nhiều năm (từ 1998 - 2001).

Theo thống kê trong thế kỷ 20, trên toàn thế giới có khoảng 200 tên giết người hàng loạt và Mỹ chiếm 75% trong số này nên có người cho rằng giết người hàng loạt là một “hiện tượng Mỹ” (Journal International de Médecine, 10-1994). Cũng theo số liệu đó cho thấy nữ chỉ chiếm 11% trong “dân số” sát nhân hàng loạt.

Dù chiếm số ít, nhưng nữ và nam sát nhân hàng loạt đều nguy hiểm như nhau, dù cách thức thực hiện có khác nhau. Trong tác phẩm Murder most rare: the female serial killer, các nhà nghiên cứu cho thấy giữa nam và nữ sát nhân hàng loạt có những phương pháp thủ ác và mục tiêu không giống nhau.

Theo họ, nữ sát nhân hàng loạt thường có nhiều thủ đoạn hành động tinh vi, khéo léo và chu đáo hơn rất nhiều các “đồng nghiệp” nam; do đó cũng thường có “tuổi thọ” dài hơn vì họ khó bị phát hiện hơn: nếu như các nữ sát nhân hàng loạt hoạt động bình quân trong tám năm thì các nam sát thủ chỉ được phân nửa, tức bốn năm mà thôi.

Phương tiện thực hiện tội ác cũng khác nhau giữa hai giới. Có đến 80% sát thủ nam dùng vũ khí để giết chết nạn nhân của mình thì ngược lại đối với nữ, 80% trong số họ lại chọn cách dùng chất độc.

Về động cơ, nữ thường giết người hàng loạt trước hết là vì tiền, để kiểm soát và thể hiện quyền lực, vì tiêu khiển, vì tình dục và các động cơ khác. Ngược lại thì nam thường giết người trước hết vì tình dục, thể hiện quyền lực và tiêu khiển. Tiền bạc và những lý do khác không quan trọng lắm đối với nam sát nhân.

Dựa vào nội dung của bản cáo trạng cũng như đối chất ở phiên tòa, ta thấy được phương tiện và động cơ giết người của Lê Thanh Vân rất giống với những nữ phạm nhân khác trên thế giới. Nhưng nếu sử dụng các kỹ năng phỏng vấn sâu, phỏng vấn tự truyện, có thể sẽ phát hiện được những động cơ khác nữa chứ không chỉ vì cướp của như cáo trạng đã nêu.

Tại sao lại có những kẻ giết người hàng loạt?

Hiện vẫn chưa có những lý giải đầy đủ về hiện tượng này và chúng tôi cũng chỉ cố gắng đưa ra một số nguyên nhân để chúng ta cùng suy nghĩ.

Tiếp cận quá dễ dàng các “phương tiện” giết người: Đây có thể là một nguyên nhân khiến nước Mỹ trở thành nước có nhiều tên sát nhân hàng loạt nhất thế giới bởi ở nước này không khó khăn mấy để có thể sở hữu được một loại vũ khí nào đó. Ở nước ta thì sao? Cấm tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép, thế nhưng những phương tiện giết người khác như các loại độc dược chẳng hạn (và cả chất nổ), sự quản lý của chúng ta còn khá nhiều lỗ hổng. Chính vì vậy mà Lê Thanh Vân mới có thể có được phương tiện (chất độc cyanure) để thủ ác một cách dễ dàng như thế. Sau vụ án này, ắt hẳn các cơ quan chức năng sẽ lưu ý nhiều hơn nữa đến hiện trạng quản lý, lưu hành các loại chất độc trong xã hội.

Những thương tổn thời thơ ấu: Nhiều tên sát nhân hàng loạt đã cho biết khi còn bé họ đã bị bạn bè loại trừ, trêu chọc bởi những khiếm khuyết về mặt thể lý, và do bị bạn bè “cô lập” dần dần hình thành tâm lý ghét bỏ mọi người xung quanh, ghét bỏ thế giới. Do đó, giết người như một cách thức trả thù lại thế giới. Vào năm 1992, “nữ sát thủ” Aileen Carol Wuornos, bị Tòa án Florida kết án tử hình vì đã giết bảy người đàn ông, đã thuật lại rằng khi còn bé hung thủ đã bị lạm dụng về tâm lý, thể lý và sinh lý một cách rất tồi tệ.

Những thương tổn cá nhân còn xuất phát chủ yếu từ nền giáo dục của gia đình và nhà trường. Quả vậy, những sự lạm dụng từ các bậc phụ huynh trong gia đình mà đứa trẻ đã phải gánh chịu là một trong những nguyên nhân chính yếu tạo nên những hành vi man rợ sau này của cá nhân khi đến tuổi trưởng thành.

Trong tác phẩm Serial killer của mình, Joel Norris đã mô tả “chu trình bạo hành” mang tính chất liên thế hệ như sau: “Khi các bậc cha mẹ lạm dụng con cái mình về mặt thể lý và/hoặc tâm lý, dần dần sẽ làm thấm ngấm nơi chúng một sự lệ thuộc gần như mang tính bản năng vào bạo lực và xem bạo lực như là khuôn mẫu hành vi khi đứng trước những thách thức, khó khăn trong cuộc sống”.

Dễ nhận thấy rằng nhiều bậc cha mẹ thường biện minh rằng họ vì thương con mà “cho roi cho vọt”, phải nghiêm khắc với chúng. Thế nhưng, thật ra khi giáo dục như thế, trẻ sẽ dễ dàng nghĩ rằng cha mẹ chẳng thương yêu gì mình, và chính suy nghĩ “bị bỏ rơi này” sẽ dẫn đến những hậu quả cực kỳ tai hại khi trẻ trưởng thành (*). Cáo trạng không cho biết lúc nhỏ Lê Thanh Vân được giáo dục như thế nào, nhưng chính việc lăn lộn vào đời quá sớm có thể đã làm y thị “nhập tâm” những “khuôn mẫu hành vi” mang tính chất bạo lực là tiền đề cho các hành động sau này của mình.

Do đó, thay vì tạo cho trẻ cái cảm giác bị ghét bỏ, mất mát, cha mẹ cần phát triển những nét tích cực nơi con cái mình như sự tự tin, lòng khoan dung, sự an toàn, tính tự lập để sau này trẻ không có nguy cơ trở thành những kẻ “lệch lạc” trong xã hội.

Ảnh hưởng của nền văn hóa bạo lực: Có người sẽ nói các nội dung truyền thông chỉ phản ánh hiện thực xã hội mà thôi. Đúng vậy, thế nhưng chính việc phản ánh hiện thực một cách trần trụi, thiếu chọn lọc và nhất là việc “thương mại hóa” những hành động bạo lực sẽ hình thành nơi các cá nhân những “ám ảnh” bạo lực và xem những hành động bạo lực như được hợp thức hóa (vì được đăng dài dài trên báo, chiếu trên truyền hình...).

Những “mô hình” bạo lực đó sẽ dần ngấm sâu vào tiềm thức của cá nhân, và khi có điều kiện sẽ bộc phát một cách rất tự nhiên. Nước Mỹ chính là nạn nhân của tình trạng thương mại hóa nạn bạo lực của chính mình (qua tiểu thuyết, phim ảnh…). Rất nhiều tên sát nhân hàng loạt ở Mỹ đã thú nhận rằng họ đã bắt chước theo những nhân vật mà họ đã được xem trên màn ảnh.

Từ một số lý giải trên chúng ta thấy rằng hiện tượng giết người hàng loạt hay hiện tượng tội phạm giết người nói chung chủ yếu đều bắt nguồn từ những tác tố xã hội (dù có thể có những tác tố về mặt sinh học, tâm thần…).

Nhận diện được những tác tố nguy cơ (risk factors) đó có thể là không khó, nhưng làm sao để giảm được sự tác động của chúng đối với hành vi của con người quả thật khó hơn rất nhiều bởi nó đòi hỏi sự nỗ lực thật sự của tất cả chúng ta.

_________________

(*) Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy có 53% trẻ bị lạm dụng hay bỏ rơi khi còn bé có thể bị bắt khi vào tuổi vị thành niên, 38% dễ bị bắt khi thành người lớn và 30% dễ bị bắt vì các tội bạo lực (UNICEF, Tuổi vị thành niên, 2002).

LÊ MINH TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp