Có lúc quả cầu được hàng chục cánh tay nâng lên cao - Ảnh: Tiến Thắng |
Theo các cụ cao niên trong làng, vật cầu Kim Sơn vốn là môn thể thao do tướng Phạm Ngũ Lão (đời nhà Trần) đặt ra để nhằm rèn luyện quân sĩ. Phần củ của cây chuối hột được gọt đẽo khéo léo để làm thành quả cầu mang ra tham gia đấu vật cho thanh niên của các giáp.
Lễ hội vật cầu Kim Sơn ba năm mới được tổ chức một lần với ngày chính hội là mùng 6 tháng giêng âm lịch. Trong làng có tất cả 24 dòng họ được chia làm ba giáp: giáp Đông, giáp Nam và giáp Bắc, mỗi giáp tám dòng họ.
Mỗi giáp sẽ phải chọn ra sáu người, trong đó có một ông làm tổng cờ mặc võ phục đầu chít khăn, chân quấn xà cạp, tay cầm cờ đuôi nheo chỉ huy giành giật cầu. Đô vật tham gia tranh cầu là những thanh niên khoẻ mạnh và chưa lập gia đình.
Quả cầu làm từ củ chuối hột nặng 25kg do ông trưởng làng đi tìm, đào mang về đảm bảo tươi, nhẵn, trơn, cỡ bằng cái thúng khảo (đường kính 30 - 40cm). Quả cầu được bao bọc giấy hồng điều có gắn hình tứ linh: Long, Ly, Qui, Phượng. Sau khi trang trí xong thì được đặt trên mâm bồng trong kiệu để ở án thờ trong đình làng.
Sới vật cầu trên sân đình có hình con nhạn bằng cát đen. Lỗ cầu cái đào ở giữa sân chính rốn con nhạn với đường kính khoảng 1m, sâu chừng 0,7m, tại ba góc sân có ba lỗ cầu quân nhỏ hơn của ba giáp.
Sáng mùng 6 tết, các già làng tổ chức làm lễ rước cầu từ trong đình ra ngoài sân đình và ban lộc cho người tham gia vật cầu. Đúng giờ Thìn, người ta rước kiệu ra đình và đặt quả cầu vào lỗ cái. Khi tiếng "cắc" của trống vang lên cũng là lúc cuộc vật bắt đầu.
Sau khi rước tế thánh, quả cầu làm từ củ chuối hột nặng 25kg bọc giấy hồng điều có dán hình tứ linh được thả xuống hố cái để các chàng trai tham gia tranh đấu giành về giáp mình - Ảnh: Tiến Thắng |
Vào cuộc, đô vật của giáp nào nhảy xuống lỗ cái trước sẽ giành được quyền tung quả cầu lên để làm sao đưa cầu về lỗ cầu quân của giáp mình. Không khí lễ hội tưng bừng, hào hứng khi mọi người vây kín thành vòng tròn xung quanh để hò reo cổ vũ trong tiếng trống lệnh, các đô vật phải khéo léo tìm cách giành được quả cầu vừa tròn nhẵn lại rắn nặng nên khó bấu.
Cũng có khi quả cầu được cả chục cánh tay cùng tranh nâng lên cao, khi lại lăn lông lốc kéo các đô vật đổ xuống. Cả chục chàng trai to khỏe lăn xả vào quả cầu để tranh giành, mong đưa về được sân nhà.
Lễ hội vật cầu Kim Sơn gồm ba keo, trung bình mỗi keo diễn ra trong khoảng ba phút theo tiếng trống lệnh được quy ước riêng biệt. Giáp thắng cuộc là giáp đưa được quả cầu nhiều lần về sân mình nhất, kết hội là lúc quả cầu được ném xuống hồ bán nguyệt ngay trước cửa đình.
Ai cũng muốn cắt được một miếng của quả cầu để đem về cho lợn ăn lấy lộc đầu năm. Người dân tin rằng nếu được ăn, lợn sẽ chóng lớn mà không bị dịch bệnh. Do đó, ngoài ý nghĩa rèn luyện sức khỏe, hội vật cầu Kim Sơn còn cổ súy việc chăn nuôi của nhà nông.
Kết thúc lễ hội, làng Kim Sơn bước vào giai đoạn hai của Tết Nguyên đán là gói bánh chưng, mổ trâu mổ lợn, ăn uống linh đình như những ngày tết trước đó. Đến ngày nay trong làng vẫn truyền tai nhau câu vè "mồng 3 ăn cốn, mồng 4 ngồi trơ, mồng 5 đợi chờ, mồng 6 lại ăn…".
Trai làng trong ba giáp tham gia vật cầu phải tranh giành đưa quả cầu từ hố cái giữa sân đình về hố quân của giáp nằm ở góc sân - Ảnh: Tiến Thắng |
Hàng ngàn người dân cùng du khách thập phương quây kín xung quanh để xem các keo đấu quyết liệt của trai làng - Ảnh: Tiến Thắng |
Hàng ngàn người dân cùng du khách thập phương quây kín xung quanh để xem các keo đấu quyết liệt của trai làng - Ảnh: Tiến Thắng |
Để đưa được quả cầu vừa trơn vừa nặng về giáp của mình, các chàng trai to khỏe phải tranh đấu rất quyết liệt - Ảnh: Tiến Thắng |
Nụ cười của các chàng trai trong giây phút nghỉ giải lao trước khi bước sang keo đấu tiếp theo - Ảnh: Tiến Thắng |
Trẻ nhỏ chăm chú theo dõi các keo đấu quyết liệt khi được người nhà đưa đến lễ hội - Ảnh: Tiến Thắng |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận