Đúng một năm trước, khi người viết bài này đi cùng nhiếp ảnh gia Đông Lê sang Campuchia chụp ảnh sếu đầu đỏ, đã được anh cho xem hình mấy con voọc bạc Đông Dương (Trachypithecus germaini) rất đẹp.
Đây là loài nguy cấp, quý hiếm, có tên trong cả sách đỏ Việt Nam lẫn sách đỏ thế giới.
Điều thú vị là loài này khi trưởng thành có bộ lông đen nhánh, nhưng trên đầu thì lại bạc trắng. Song, thú vị hơn nữa, con của chúng thì như một con thú nhồi bông, màu cam sáng rực, tuyệt đẹp.
Thường các nhiếp ảnh gia hay canh mùa chúng sinh sản để có được bộ ảnh cha mẹ đen - con vàng cam độc đáo. Mùa sinh sản của chúng thường vào đầu năm tây - cuối năm ta.
Như năm ngoái, khi tôi đi chụp ảnh sếu đầu tháng 4 thì mấy chú voọc con đã đen thui hết rồi. Thế là tôi dặn anh Đông Lê là năm tới, khi nào voọc đẻ thì báo cho biết.
Sát Tết Giáp Thìn, hỏi thì anh bảo chưa. Ra Tết hỏi cũng nghe là voọc chưa đẻ! Anh bảo: "Chả hiểu sao năm nay mùa sinh sản của nó lại muộn thế?".
Nhưng rồi cuối tuần trước, anh gọi như reo: "Nó đẻ rồi em ơi, mau thu xếp xuống". Mùa sinh sản của nó kéo dài tầm 1 tháng, muộn hơn thì tất cả đen thui cả người, đầu bạc giống nhau!
Voọc bạc Đông Dương ở Hà Tiên - Video: HUY THỌ
Thế là bắt ngay xe đi Hà Tiên lúc gần nửa đêm, đến Hà Tiên lúc 4h30 sáng. Mấy anh em xách xe gắn máy chạy 40km vào Hòn Chông, Kiên Lương - nơi đám voọc bạc Đông Dương sinh sống.
Bọn voọc nhỏ mới sinh nhìn cứ y như bầy đệ tử của Hầu vương trong phim Tề Thiên, với gương mặt và tai màu hồng, lông màu vàng cam rực rỡ.
Nhưng chỉ tầm vài ngày thôi, mặt và tai bắt đầu sạm đen dần, chỉ còn bộ lông rực rỡ. Và đến độ tầm 2 tuần tuổi thì bộ lông rực rỡ cũng không còn.
Tuy nhiên, để chụp được đám voọc con khi mặt còn hồng hào khá là khó, vì cha mẹ chúng giữ rất kỹ, ở tít trên cao.
Chỉ khi con cứng cáp, mặt và tai sạm đen thì chúng mới dạn dĩ xuống hái lá ăn ở khoảng cách khá gần, chỉ tầm 5m.
Bọn voọc này rơi vào tình thế nguy cấp trong sách đỏ là bởi dân Á Đông (trong đó có Việt Nam, Trung Quốc…) tin rằng nấu cao từ nó rất tốt!? Thế là một thời gian rất dài, nó là đối tượng bị săn bắt dữ dội.
May là trong những năm gần đây, luật pháp bảo vệ nó nghiêm khắc hơn, giờ đụng đến nó là đi "chăn kiến" vài năm.
Nhờ vậy, bây giờ ở Hà Tiên, Kiên Lương voọc bạc Đông Dương đã phát triển khá nhiều, lên đến vài trăm con, ở rải rác vài nơi chứ không riêng ở Hòn Chông.
Bọn voọc này so với voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà, Đà Nẵng thì nhỏ con hơn nhiều. Nhưng nó giống nhau là rất hiền, sợ bọn khỉ một phép, dù đứa nào cũng có 4 cái răng nanh khủng khiếp.
À mà lạ, người ta thường bảo loài nào có răng nanh dài là thường ăn thịt, riêng loài này thì có 4 cái răng nanh kinh khủng nhưng chỉ thuần ăn lá cây và trái cây rừng.
Nói đến chuyện voọc ăn lá cây, nhớ câu chuyện của Tuấn Ba Gấu (nick name của Bùi Văn Tuấn) - một người Đà Nẵng chuyên nghiên cứu về voọc đã dẫn một anh chàng người Mỹ đi làm luận án tiến sĩ về đề tài voọc ăn gì?
Số là ở các vườn thú trên thế giới, người ta nuôi voọc rất dễ chết.
Thế nên anh này mới nhờ Tuấn Ba Gấu dẫn đi lượm phân voọc cả nửa năm trời để nghiên cứu. Kết quả: voọc ăn trên 200 loài lá, trong khi ở vườn thú chỉ cung cấp tầm 60 loại.
Phải nói rằng voọc là bậc thầy về thực dưỡng, biết được phải ăn loại lá nào, kết hợp ra sao…để bổ dưỡng và khỏe mạnh!
Cũng nhờ đặc tính không ăn tạp như khỉ, nên voọc mới không bị "tha hóa" như khỉ, bởi nó không bị lôi cuốn bởi những thức ăn mà du khách ném cho.
Một ngày ngồi săn ảnh và ngắm bọn voọc bạc Đông Dương, bạn sẽ thấy lòng mình thư thái hơn trước cảnh trí thiên nhiên trong lành, và những sinh hoạt đầy ắp tình cảm của loài linh trưởng xinh đẹp, độc đáo này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận