Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM vừa tiến hành dự án sơn chỉnh trang, tẩy xóa hình vẽ bậy tại các công trình cầu đường lớn, với tổng chi phí gần 5 tỉ đồng.
Thế nhưng chỉ trong vòng vài ngày sau khi thực hiện tẩy xóa, tại khu vực hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh đã bị xịt sơn trộm, vẽ bậy trở lại khiến nhiều người dân TP.HCM vô cùng bức xúc.
Nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vẽ bậy như hiện nay không đủ sức răn đe, và đặt câu hỏi tại sao không xử lý hình sự những thủ phạm vẽ bậy về tội hủy hoại tài sản công cộng. Nếu không xử lý mạnh và quyết liệt, theo nhiều ý kiến của người dân, tình trạng vẽ bậy sẽ còn tái diễn theo kiểu lờn luật.
Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định tại điểm l khoản 2 điều 7 nghị định 144/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình thì người có hành vi "phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền" sẽ bị xử phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Ngoài ra người vi phạm còn bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.
Trong trường hợp người đó biết là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện và gây thiệt hại cho chủ sở hữu (chi phí để khôi phục như ban đầu) thì có thể bị xử phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức được quy định tại điểm a, khoản 2 điều 15 nghị định 144/2012 và người vi phạm cũng bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu.
Trường hợp tài sản bị thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại điều 178 Bộ luật Hình sự.
Theo ông Hoan, hoàn toàn có cơ sở pháp lý để xử lý hành vi vẽ bậy từ phạt hành chính đến hình sự. Tuy nhiên hiện nay mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nêu trên còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với người vẽ bậy. Bên cạnh đó, nhiều người vẽ bậy là người nước ngoài, thực hiện hành vi vào ban đêm và diễn ra rất nhanh nên khó bị phát hiện.
"Để ngăn chặn tình trạng trên tái diễn, theo tôi cơ quan chức năng cần phải xử lý quyết liệt, tăng mức phạt vi phạm hành chính, gắn thêm camera, biển cấm vẽ... tại các công trình công cộng để làm căn cứ xử lý", luật sư Hoan nói.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng cần có camera giám sát và cần tăng mức xử phạt hành chính. Đối với những trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý hình sự về tội hủy hoại tài sản để răn đe, phòng ngừa chung.
Bên cạnh đó cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật, không chỉ đối với người Việt Nam mà cho cả khách du lịch nước ngoài; cần có bảng hiệu, nội quy cấm vẽ nghệ thuật tại các công trình công cộng, các bảng cấm này cũng cần dịch sang tiếng Anh để người nước ngoài đọc.
Xử lý nghiêm các trường hợp vẽ bậy
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM cho biết đã ngay lập tức tẩy xóa hình vẽ bậy ở hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh sau khi nhận được tin báo.
Theo vị đại diện này, khu vực hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh vừa mới hoàn thành xong lớp sơn trắng nền, chưa kịp sơn lớp sơn chống dính phủ lên bề mặt. Vì vậy khi bị vẽ bậy sẽ bắt buộc phải tẩy xóa, sơn lại khu vực bị vẽ bậy.
"Vấn nạn vẽ bậy khắp thành phố là vấn nạn nhức nhối bấy lâu, để góp ngăn chặn được vấn nạn trên phía trung tâm cũng cần phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vẽ bậy. Đơn vị cũng mong muốn sẽ có mức độ xử phạt nặng hơn, có thể lên mức hình sự vì tội phá hoại tài sản nhà nước", vị này chia sẻ.
Thăm dò ý kiến
Để góp phần ngăn chặn nạn vẽ bậy đang diễn ra tràn lan, theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận