28/05/2017 12:22 GMT+7

“VĐV năng khiếu sẽ không được dự giải phong trào”

T.PHÚC
T.PHÚC

TT -  Tân tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn TP.HCM nhiệm kỳ 5 (2017 - 2021) Từ Nhân Luân nói như thế với Tuổi Trẻ về những nét mới của bóng bàn TP.HCM trong thời gian tới.

Cựu tuyển thủ Hồ Ngọc Thuận (áo đỏ) dạy bóng bàn cho học sinh trường THCS Lê Văn Tám, Bình Thạnh. Ảnh: M.Q.
Cựu tuyển thủ Hồ Ngọc Thuận (áo đỏ) dạy bóng bàn cho học sinh trường THCS Lê Văn Tám, Bình Thạnh. Ảnh: M.Q.

Ông Luân cho biết: “Thành công đầu tiên đối với lứa VĐV nữ trẻ tại Giải vô địch quốc gia 2017 vừa qua xuất phát từ việc chúng tôi đã thuyết phục các phụ huynh đồng ý cho con học buổi tối để ngày tập hai buổi sáng - chiều. Chỉ có như vậy VĐV mới phát triển được. Sắp tới, liên đoàn đã lên kế hoạch thuê chuyên gia giỏi của Nhật Bản hay CHDCND Triều Tiên về huấn luyện. Đây cũng là bước chuẩn bị nhân lực cho SEA Games 2021 tại VN.

Bên cạnh đó là tăng cường thi đấu các giải. Ngoài những giải được tổ chức hằng năm như giải vô địch TP.HCM, giải năng khiếu TP.HCM, giải Cây vợt vàng... chúng tôi sẽ cố gắng có thêm giải và đưa các VĐV đi thi đấu nhiều hơn. Ngoài ra, chúng tôi sẽ thu hút nhân tài từ các tỉnh lân cận bằng chế độ đãi ngộ tốt, chương trình huấn luyện khoa học... để có lực lượng kế thừa tốt. Trường hợp tay vợt Nguyễn Khoa Diệu Khánh (trước của Ninh Thuận) về đầu quân TP.HCM là một điển hình. Công tác HLV cũng sẽ được chấn chỉnh. Chắc chắn TP.HCM sẽ không còn tình trạng một HLV kèm nhiều VĐV bởi một HLV chỉ nên dạy từ một đến ba VĐV.

* Chuyện “kiếm tiền” cho bóng bàn TP thì sao, thưa ông?

- Trước mắt, chúng tôi đã có một số tin vui. Sau đại hội Liên đoàn Bóng bàn TP.HCM, chúng tôi sẽ ký hợp đồng tài trợ chính cho giải Cây vợt vàng trong ba năm với mức 500 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, giải còn rất nhiều nhà tài trợ phụ khác. Chúng tôi đang hướng đến việc sử dụng hoàn toàn kinh phí xã hội hóa để tổ chức giải. Việc kiếm tiền không chỉ nhằm vào việc tổ chức giải, mà còn phải làm sao có lợi nhất cho phong trào bóng bàn TP.HCM.

Ý thức được việc kêu gọi nhà tài trợ thì phải “trả” lại cho họ quyền lợi, vì thế, giải Cây vợt vàng phải được đưa vào hệ thống của Liên đoàn Bóng bàn châu Á (ATTU) và Liên đoàn Bóng bàn thế giới (ITTF) để nâng cao thương hiệu, đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ. Do ITTF đặt ra yêu cầu rất khắt khe về công tác tổ chức, sân bãi, trọng tài, hệ thống tính điểm, tiền thưởng... nên chúng tôi dự kiến trễ nhất là vào năm 2020, giải Cây vợt vàng phải có tên trong hệ thống của ITTF.

* Vì sao VĐV năng khiếu sẽ không được tham dự các giải phong trào?

- Chỉ khi thực hiện điều này, chúng ta mới phát triển được phong trào qua việc kích thích người chơi tham dự các giải đấu, đẩy mạnh bóng bàn trong học đường để từ đó phát hiện được nhiều tài năng mới. Ngoài ra, chúng tôi khuyến khích các cựu VĐV hoặc những người đam mê bóng bàn mở CLB ở các quận, huyện để phát triển phong trào trong quần chúng. Thậm chí, chúng tôi cũng đẩy mạnh hướng đến mở các CLB bóng bàn ở các trung tâm trẻ mồ côi, mái ấm tình thương... bằng cách đưa HLV, bàn, vợt, bóng... đến dạy miễn phí.

Ngày 27-5, ông Hồ Song Ngọc (phó tổng giám đốc thường trực Công ty CP Tôn Đông Á) đã đắc cử chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn TP.HCM nhiệm kỳ 5 (2017 - 2021). Ba phó chủ tịch gồm: Trịnh Công Phương, Bùi Trọng Nhơn và Nguyễn Liên Phương. Trưởng bộ môn bóng bàn TP.HCM Từ Nhân Luân giữ chức tổng thư ký.

T.PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp