26/06/2012 07:25 GMT+7

Vay vốn đi học... theo phong trào

NGUYỄN NAM
NGUYỄN NAM

TT - Khoảng 1,7 tỉ đồng đã được Quỹ hỗ trợ công nhân TP.HCM (WSF) cho 560 công nhân làm việc tại TP.HCM vay không lãi suất để đi học.

Tuy nhiên, do nhiều công nhân đi học theo phong trào, ra trường khó kiếm việc làm mới gây lãng phí thời gian và tiền bạc.

dUKlTjLE.jpgPhóng to
Các công nhân trong lớp học ngoại ngữ do Quỹ hỗ trợ công nhân TP.HCM tổ chức - Ảnh: Phương Dung

Ông Trần Thiên Long, phó giám đốc WSF, cho biết trong thời gian tới đơn vị này sẽ điều chỉnh một số quy định cho vay, triển khai phương thức hoạt động mới để công nhân vay vốn đi học hiệu quả hơn.

Học xong không biết làm gì!

Đã hỗ trợ hơn 750 công nhân

WSF được thành lập vào tháng 4-2008 với mục đích hỗ trợ việc học và đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân. Từ tháng 7-2008 đơn vị này đã triển khai chương trình cấp học bổng và cho vay vốn đi học không lãi suất dành cho công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Tính đến nay đã có 560 công nhân được vay vốn với số tiền khoảng 1,7 tỉ đồng và 196 công nhân nhận học bổng với số tiền 860 triệu đồng.

Địa chỉ WSF ở 35 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM.

Thanh Tâm (công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7) cho biết vừa vay 2,4 triệu đồng để theo học khóa kế toán tại Trường trung cấp Đông Dương. “Mình học được ba tháng rồi. Nhiều bạn mình làm công nhân cũng đi học kế toán, hi vọng có được việc làm mới tốt hơn” - Tâm nói. Mỹ Liên, một công nhân, được nhận vốn vay 4,75 triệu đồng đang theo học dược sĩ tại Trường trung cấp Kỹ thuật và công nghệ Cửu Long. Liên nói học thì học chứ chưa xác định được tốt nghiệp có thay đổi nghề nghiệp hay không, chuyện tương lai từ từ tính sau.

Ông Trần Minh Trọng, giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực HD-Leadman, từng là giám đốc WSF, cho biết các ngành học mà các bạn công nhân chọn theo học nhiều nhất là kế toán, kinh tế, y dược, quản trị kinh doanh. Ông Trọng đánh giá hiệu quả của hoạt động cho công nhân vay vốn đi học nhìn chung thật sự chưa được tốt, nhiều bạn học theo phong trào, không biến cái mình học thành khả năng thực hành nên khó xin việc làm mới sau khi ra trường.

H., công nhân làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (Q.Thủ Đức), cho biết sau hai năm đi học cô lại trở về làm... công nhân ở công ty cũ. “Lúc chọn ngành học, bạn bè nhiều người chọn kế toán vì thấy chọn ngành này công việc cũng nhàn nhã. Tuy nhiên khi học xong mình xin việc không được. Đã vậy lương kế toán cũng không hơn lương công nhân là bao”. Hai năm đi học với nhiều tiền bạc và công sức coi như uổng phí.

Lãnh đạo một doanh nghiệp lắp ráp linh kiện điện tử trong Khu chế xuất Tân Thuận cho biết nơi đây có trên 10 công nhân vừa làm vừa học. “Khi nghe công nhân đi học chúng tôi đều mừng vì anh em có chí cầu tiến. Cá nhân tôi ủng hộ việc đi học của công nhân để nâng cao trình độ, dù sau này các bạn không làm cho mình nữa cũng tốt cho xã hội. Nhưng nhìn vào ngành nghề mà các bạn đang học mới thấy lo ngại vì kế toán, kinh tế nhiều quá. Mấy ngành này ra trường rất khó xin việc. Tôi nghĩ công nhân cần suy nghĩ kỹ khi chọn ngành học để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc. Mặt khác, học như thế nào để làm tốt hơn công việc hiện tại mới hay, chứ học một ngành mà doanh nghiệp thấy trước học xong anh sẽ bỏ đi thì thực tình họ không mong như vậy” - vị này chia sẻ.

Sẽ sớm đổi mới

Ông Trần Thiên Long cho hay trong lễ cho vay vốn hồi giữa tháng 6-2012, WSF cũng đã kết hợp tư vấn kỹ năng tìm việc cho các bạn công nhân. “Thật sự WSF đang cho vay tràn lan, điều kiện vay vốn đi học dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều công nhân tốt nghiệp đại học ra trường khó tìm việc làm vì phải cạnh tranh với sinh viên chính quy, mức lương ở vị trí mới thấp hơn khi họ làm công nhân có tăng ca, nên sau một thời gian họ quay trở lại làm công nhân” - ông Long cho hay.

Theo ông Long, thời gian tới WSF sẽ có những điều chỉnh trong chương trình vay vốn, trao học bổng để việc học của công nhân hiệu quả hơn. Theo đó, đơn vị này sẽ vận động các doanh nghiệp có công nhân đi học hỗ trợ một phần chi phí để công nhân vừa làm vừa học, WSF cho vay một phần và công nhân sẽ bỏ tiền túi một phần. WSF sẽ vận động doanh nghiệp tạo môi trường thuận lợi để những công nhân học xong trở lại làm việc có điều kiện thăng tiến, cải thiện thu nhập. Như vậy doanh nghiệp sẽ không lo bị mất lao động khi công nhân đi học. Ngành học cũng sẽ được tư vấn cho phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Ông Trần Minh Trọng cho biết nhiều công nhân đi học ngành phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của công ty đang làm việc, được doanh nghiệp sẵn sàng bố trí công việc mới sau khi tốt nghiệp. Hiện nay tại Công ty CP Quạt VN đang làm khá tốt chuyện này. “Việc chọn ngành nghề để học không thể theo phong trào mà cần hợp với tính cách, năng lực, ước mơ của mình” - ông Trọng lưu ý.

NGUYỄN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp