Phóng to |
Trong căn nhà chưa đầy 30m2 nằm sâu trong hẻm 302 Nguyễn Duy, P.9, Q.8, TP.HCM, bà Trương Thị Dư tiếp chúng tôi trong nước mắt. Bà kể: cách nay vài tháng có người đến đòi xiết nhà bà, nếu muốn giữ lại nhà phải trả cho họ 350 triệu đồng.
Bị “mua” nhà mà không biết
Chị Nguyễn Thị Tám, con gái của bà Dư, làm nghề lột cua, sụt sùi cho biết chính chị là người đã đưa cả gia đình vào bi kịch trên. “Tháng 8-2008 đến hạn trả nợ vay, do muốn có thêm ít tiền làm ăn nên tôi đã năn nỉ ba má cho mượn giấy tờ nhà để đi vay tiền và tìm đến đường dây cho vay của bà Lương Thị Mai, Dương Ngọc Phượng. Bên cho vay đồng ý nhưng với điều kiện là ba má tôi phải ký giấy nhận cọc bán nhà cho họ”. Theo chị Tám, hôm bà Mai, Phượng đến nhà nói ký giấy, chị không dám đọc lên cho ba má nghe mà cứ hối hai người ký đại. Còn chị cũng ký tên vào giấy xác nhận là đã đọc cho ba má nghe và đồng ý ký tên. Vay 60 triệu, nhưng chị Tám chỉ nhận 53,5 triệu đồng vì bà Mai nói trừ 5 triệu tiền “cò” và lấy trước tiền lời một tháng là 1,25 triệu đồng.
Theo giấy tờ mà gia đình bà Dư còn lưu giữ, ông bà Dư đồng ý nhận cọc 60 triệu đồng để bán nhà cho một người tên Lê Mai Thị Hiền, ngụ cư xá Bùi Minh Trực, Q.8. Khi góp được 47 ngày (9,4 triệu đồng), gia đình bà Dư cảm thấy nghi ngờ vì đòi lại hộ khẩu hoài mà bà Mai, bà Phượng không trả. Sau đó ông bà mới biết nhà của mình đã được ký hợp đồng công chứng bán sang tên người khác và người này đã đem giấy tờ nhà đi thế chấp ngân hàng vay 200 triệu đồng.
Cả nhà nháo nhào tới phòng công chứng số 2 (nơi chứng hợp đồng mua bán nhà) đề nghị trích lục hồ sơ mới biết căn nhà đã bán cho bà Nguyễn Thị Hồng Đào, ngụ Q.4 với giá 150 triệu đồng. Bà Mai, bà Phượng chỉ đồng ý trả nhà lại cho bà Dư (bằng cách ký giấy bán lại nhà) với điều kiện bà Dư phải trả lại 350 triệu đồng. Chị Tám bức xúc: “Tổng cộng trước sau tôi chỉ vay có 60 triệu, đã trả góp 9,4 triệu rồi, họ nói chỉ lấy lãi 2,5%/tháng mà giờ lại bắt trả 350 triệu đồng”. Gia đình chị Tám đã làm đơn tố cáo vụ việc lên Công an Q.8 nhưng nhận được “phiếu hướng dẫn” liên hệ tòa án để giải quyết. Tuy nhiên tòa án cũng từ chối thụ lý vụ kiện vì gia đình chị không có bằng chứng gì về việc vay mượn với bà Mai, bà Phượng.
Lấy độc trị độc
Một trường hợp tương tự nhưng may mắn hơn là bà L., ngụ Q.8. Tháng 5 năm ngoái, do cần tiền làm ăn nên bà L. hỏi vay 70 triệu đồng của nhóm bà Mai, bà Phượng. Bà L. được yêu cầu ký vào hợp đồng đặt cọc (đánh máy sẵn) đề ngày 21-5-2008, nhận tiền cọc 70 triệu đồng của bà Lương Thị Mai. Trong ba năm, nếu bà L. trả nợ thì hai bên sẽ hủy hợp đồng đặt cọc này.
Bà L. cho biết chỉ ký giấy trên tại nhà và giao toàn bộ bản chính giấy tờ căn nhà cho bà Mai, bà Phượng. Góp khoảng 10 tháng thì nghe một số người quen kể về chuyện người đi vay có thể bị sang tên nhà cho người khác, các con của bà L. đến cơ quan công chứng, đăng bộ để tìm hiểu. Họ bất ngờ khi biết căn nhà của mình đã được ký công chứng bán theo hợp đồng ngày 22-5-2008 (tức chỉ một ngày sau khi ký hợp đồng đặt cọc) với giá 70 triệu đồng cho một người tên Nguyễn Thị Thu Vân, ngụ Q.4 và đã được bà Vân đăng bộ, sang tên, đem thế chấp ngân hàng để vay tiền.
Lập tức gia đình bà L. tìm bà Mai, bà Phượng để đòi lại giấy tờ nhà. Bị gia đình bà L. gây áp lực căng thẳng, bà Phượng, bà Mai mới đồng ý trả lại nhà bằng cách đến phòng công chứng để ký hợp đồng bán ngược lại nhà, với giá 150 triệu đồng cho bà L.. Đây chỉ là trường hợp hiếm hoi mà nạn nhân lấy lại được nhà. Theo thông tin từ một số cơ quan công chứng và chính quyền địa phương, có khá nhiều đơn khiếu nại của những người lao động tại quận 4, quận 8 về việc bỗng dưng họ bị mất nhà. Có những người chỉ ký giấy nhận cọc (tương tự hai trường hợp trên), cũng có người mù chữ, không đọc được hoặc đọc không kỹ hợp đồng, đặt bút ký đại.
Công chứng đúng hay dân đúng?
Chúng tôi đã liên hệ với bà Lương Thị Mai và Dương Ngọc Phượng nhưng cả hai đều từ chối gặp mặt, chỉ trao đổi qua điện thoại. Bà Mai thừa nhận có tham gia các vụ trên nhưng chỉ là “cò” môi giới cho vay thôi, không biết người cho vay, người vay thỏa thuận gì. Còn bà Phượng cũng nói mình chỉ là “cò”. Điều quan trọng là bà Phượng thừa nhận bà Dư và bà L. không bán nhà mà chỉ vay tiền nóng.
Theo bà Phượng, việc cho vay tiền nhưng các bên ký giấy mua bán nhà là bình thường vì “nếu như không ra công chứng làm hợp đồng bán nhà, khi người vay không trả nợ thì làm sao tụi này đi thưa? Chỉ có giấy tay cho nhau mượn nợ thì tòa giải quyết trả lại theo lãi suất ngân hàng, tháng trả triệu, dăm ba trăm gì đó. Tự nhiên người ta bỏ một khoản tiền lớn rồi đi lấy bạc cắc, đâu chịu? Bước ra làm ăn thì thuận mua vừa bán” - bà Phượng nói. Bà Phượng cũng giải thích do người vay không trả được nợ nên chủ nợ mới phải đăng bộ sang tên để “đảm bảo quyền lợi của mình”.
Mặc dù các nạn nhân nói trên khẳng định họ không hề đến phòng công chứng ký hợp đồng mua bán nhà, nhưng công chứng viên lại nói ngược lại. Ông Hoàng Xuân Hoan, trưởng phòng công chứng số 2, cho biết ngay khi tiếp nhận khiếu nại của khách hàng về các hợp đồng do công chứng viên ký, trong đó có hai trường hợp của bà Dư, bà L., ông đã đề nghị công chứng viên này giải trình và cho kiểm tra ngay quy trình công chứng. Tuy nhiên, công chứng viên giải trình đã làm đúng quy trình, cho các bên mua bán ký tên trước mặt công chứng viên tại phòng công chứng.
Theo hồ sơ lưu trữ tại phòng thì các đương sự đều có chữ ký, dấu lăn tay đúng với bản sao chứng minh nhân dân lưu trong hồ sơ nên phòng không có cơ sở để giải quyết. Ông Hoan giải thích thêm: “Chúng tôi đã tổ chức làm việc giữa bên mua, bên bán và ghi nhận ý kiến của hai bên. Bên mua nói có tìm hiểu, thỏa thuận việc mua bán nhà, còn bên bán cho rằng không biết người mua là ai và không hiểu sao có chữ ký, dấu lăn tay của mình tại các văn bản công chứng. Vấn đề này thẩm quyền của chúng tôi không làm được mà phải do cơ quan điều tra giải quyết”.
Ông Võ Văn Hùng - chủ tịch UBND P.9, Q.8 - cho biết UBND phường đã tiếp nhận được một số đơn thư tố cáo của người dân đối với hành vi của hai bà Mai, Phượng và đã mời các bên lên làm việc, lấy thông tin ban đầu. Nhưng theo nội dung tố cáo, đây là vụ việc bị lừa đảo nên tháng 1-2009 phường đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra Công an Q.8 xem xét giải quyết. Từ đó đến nay phường chưa nhận được phản hồi từ cơ quan điều tra.
Cần cơ quan điều tra vào cuộc Theo luật sư Trương Xuân Tám - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều người nghèo lâm vào cảnh túng quẫn nên buộc phải tìm đến đường dây cho vay nóng. Do không hiểu biết, thậm chí không biết chữ nên họ rất dễ bị lừa ký vào các giấy tờ mua bán. “Trong khi đó, nhiều nạn nhân tố cáo mà cơ quan điều tra không thụ lý, còn kiện ra tòa dân sự thì người vay nắm chắc phần thua, rất đau xót. Tôi cũng đang nhận bảo vệ cho nhiều trường hợp vay nóng tương tự mà khả năng bị tòa tuyên thua kiện rất cao” - luật sư Tám băn khoăn. Theo ông, đối với những vụ việc có dấu hiệu bị lừa đảo, rất cần sự vào cuộc của cơ quan điều tra để làm rõ thủ đoạn của các đường dây chuyên cho vay nóng. Luật sư Lê Đình Phạt, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng với cách cho vay tiền mà làm hợp đồng bán nhà như trên thì người cho vay đã nắm chắc “phần cán”. Cho dù người vay có kêu rằng mình bị oan và chỉ nhận tiền cọc bằng giấy tay thì hợp đồng mua bán nhà, có xác nhận của cơ quan công chứng, vẫn có giá trị pháp lý cao hơn. Để được trả lại nhà, người vay tiền phải chứng minh rằng có sự nhầm lẫn khi công chứng hoặc bị người cho vay lừa ký vào giấy bán nhà nhưng sẽ rất khó vì lúc cần tiền, người vay ít chú ý đến các nội dung mình ký ra sao. Luật sư Phạt khuyên người vay không nên làm hợp đồng mua bán nhà mà chỉ nên làm hợp đồng thế chấp nhà để vay vốn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận