Phóng to |
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Với hình thức này, người vay nóng khó thoát khỏi cái thòng lọng cho vay cắt cổ.
“Cắt” dịch vụ, “chặt” lãi nóng
Nhà anh H. (cuối đường Bùi Hữu Diên, khu cư xá An Lạc, phường An Lạc A, quận Bình Tân) xây trệt, còn mới, diện tích khoảng 30m2, gồm một phòng nhỏ và chút không gian còn lại đủ sinh hoạt chung cho cả gia đình gồm bốn người. Cách nay vài tháng, anh H. đem giấy chủ quyền nhà thế chấp ở ngân hàng A, quận 11 nhưng nhân viên ngân hàng chê nhà quá nhỏ. Vậy là anh đi vay nóng.
Thông qua cò L. ở quận 6, anh H. vay nóng của bà T. 200 triệu đồng, lãi suất 4%/tháng. Tiền cầm chưa nóng tay thì đã bị bà L. ngắt 20 triệu đồng (10%), gọi là tiền dịch vụ. Với số tiền nợ như vậy, mỗi tháng anh H. phải trả 8 triệu tiền lãi. Ba tháng liên tục, không chịu nổi nữa, anh H. phải xoay đủ kiểu để thoát ra khỏi nạn vay nóng...
Với hình thức hợp đồng mua bán nhà, tiền cho vay nóng là... tiền đặt cọc mua nhà, hai bên có ký tên, thậm chí lăn dấu tay, các chủ nợ nghiễm nhiên “nắm đằng cán”. Hình thức này áp dụng cho cả vay nóng và vay ngắn hạn. Con nợ khó lòng lật lọng. Không đủ khả năng trả nợ, chủ nợ sẽ “xử lý” căn nhà. Cách làm ăn của chủ nợ cũng khá bài bản: khảo sát giá cả khu vực để thẩm định nhà, sau đó chỉ cho vay ở mức vay không quá 50% giá trị căn nhà.
Theo chân “cò”, chúng tôi tìm đến Công ty TT bề thế nằm trên đường Lý Thái Tổ, quận 10. Bên ngoài đây là dịch vụ môi giới địa ốc và là đại lý cho một hãng điện thoại di động. Với sự “hậu thuẫn” của hai khách hàng ở quận 8, chúng tôi lọt lên tầng một nhưng vẫn bị dò xét bởi nhân viên bảo vệ và trực tổng đài. Sau phần “thẩm vấn” của nhân viên, chúng tôi được mời ngồi ở một góc phòng.
Cùng đến với chúng tôi, một khách hàng mang theo bộ hồ sơ photocopy căn nhà và khu đất 210m2, ở một con hẻm thuộc quận 8, muốn giải chấp giấy chủ quyền tại một chi nhánh ngân hàng ở quận 8, số tiền nợ là 83 triệu đồng. Sau đó vay tiếp 300 triệu để nâng nền nhà, còn lại để chút vốn làm ăn. Ba nhân viên thẩm định hồ sơ thay phiên nhau khai thác thông tin về tài sản thế chấp như tình trạng căn nhà, nhu cầu vay, công việc làm ăn, khả năng thanh toán...
Một nhân viên ghi chép cẩn thận từng chi tiết một. Lật qua lật lại hồ sơ, nhân viên này nói do cận tết nên việc giải chấp, vay lại khó làm kịp. “Cò” dắt mối gợi ý vay nóng đỡ một tháng, qua tết sẽ làm thủ tục giải chấp. Cuối cùng khách hàng được trả lời bằng cái hẹn “sẽ cố gắng xem xét, giải quyết sớm”.
“Cò” vay nóng
Trong vai một cò dịch vụ, chúng tôi cho biết có khách hàng muốn thế chấp vay nóng ba căn nhà ở quận 5 và quận 6, có vị trí đẹp, giá rẻ. Bà đưa danh thiếp Công ty TNHH XD-TM-DV HP và hẹn đến nhà riêng.
Khi chúng tôi đến, bà T.A. ngồi ngả người trên chiếc ghế bành đón khách. Xung quanh bàn nào là báo quảng cáo, là giấy chủ quyền nhà. Bà đề nghị đưa trước hồ sơ ở quận 5 (diện tích 54m2, ba lầu, hẻm 3m, vay 450 triệu đồng). Còn hai hồ sơ ở quận 6 từ từ xem sau cũng được. “Vậy chị cắt dịch vụ mấy “lai”? (phần trăm)”, chúng tôi đặt vấn đề. Từ 1-2%, tùy theo hồ sơ dễ hay khó, bà cho biết. Chúng tôi đề nghị tăng thêm tiền dịch vụ, bà T.A. đồng ý nhưng ra điều kiện: phải thu tiền dịch vụ của khách hàng cao hơn, lên 11-12%.
Những người làm cò như bà T.A. chỉ là cò trung gian của cò “cấp trên” (quan hệ với chủ tiền) và cò “cấp dưới” (quan hệ với khách hàng). Phí dịch vụ cũng được chia ra nhiều phần khác nhau, hiếm khi “cò” trung gian được ăn trọn. Một nửa cắt cho chủ nợ “chi phí” cho công chứng hoặc làm các bước “thủ tục” liên quan. Thậm chí là để dự phòng cho việc xử lý sau này nếu phải tranh chấp, kiện ra tòa.
Phân nửa còn lại, “cò” trung gian hưởng 2-3%, sau đó tiếp tục chia cho những “cò” dắt mối. Thỉnh thoảng vẫn xảy ra sự cố là “cò” dắt mối bắt tay trực tiếp với các dịch vụ, hớt phần trăm của “cò” trung gian. Mức lãi suất phổ biến mà các dịch vụ vay nóng được thỏa thuận ngầm với nhau là 0,5%/ngày. Vì vậy tiền lãi cứ nhân theo số ngày. Ở khu vực ngoại thành, đi xa hơn thì chi phí sẽ cao hơn, là 0,6%/ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận