13/04/2025 07:57 GMT+7

Vật lộn với lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông

Mỗi chuyến ghe trên dòng sông Vàm Cỏ Đông giờ đây trở thành một cuộc vật lộn giữa người và nước, giữa máy và cỏ dại.

Vàm Cỏ Đông - Ảnh 1.

Lục bình trải dài, phủ kín như khoác lên dòng sông Vàm Cỏ Đông một chiếc áo xanh biếc

Lục bình, loài thực vật trôi nổi tưởng như vô hại, bất ngờ trở thành một "bức tường xanh" chắn ngang con nước khiến mọi hành trình đều gián đoạn. Mỗi chuyến ghe trên dòng sông Vàm Cỏ Đông giờ đây trở thành một cuộc vật lộn giữa người và nước, giữa máy và cỏ dại.

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi ngược dòng Vàm Cỏ Đông khi mặt trời còn ẩn hiện sau màn sương mỏng.

Từ trên cầu Gò Dầu - nối đôi bờ huyện Bến Cầu và Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh) nhìn xuống là một màu xanh bạt ngàn của lục bình, thoạt nhìn rất dễ nhầm với một thảo nguyên hơn là một dòng sông nước chảy quanh năm.

Bị kẹt giữa lục bình không chỉ gây hư hại máy móc, trễ công việc, hao xăng mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đến an toàn của người dân. Mong mỏi lớn nhất của bà con mưu sinh trên dòng Vàm Cỏ Đông là có một lối đi thông thoáng giữa sông, không còn chịu cảnh vật lộn với lục bình.

Một người dân mưu sinh trên dòng sông Vàm Cỏ Đông chia sẻ

Mắc kẹt giữa biển lục bình

Trên khúc sông đoạn qua huyện Gò Dầu, bà Phạm Thị Ngọc Nhị (61 tuổi, ngụ huyện Trảng Bàng) vẫn còn ngán ngẩm khi nhắc lại hành trình ra chợ buôn bán cách đây ít ngày.

Như thường lệ, bà chất rau củ lên chiếc ghe nhỏ rồi rời nhà từ lúc còn sớm tinh mơ. Chiếc ghe băng băng lao đi được nửa quãng đường liền khựng lại, mắc kẹt giữa một đám lục bình dày đến mức "không thể cọ quậy". Trước mắt bà lúc bấy giờ là một màu xanh trải dài, nhìn không còn thấy mặt nước đâu nữa.

Bà càng rồ máy, lục bình lại cuốn vô chân vịt, kẹt cứng. Nước sông sủi bọt trắng xóa trộn lẫn những mảnh lục bình bị cắt nhỏ văng tung tóe. Dồn hết sức bà lấy cây chèo bằng gỗ khó nhọc đẩy những tán lục bình chen chúc, rễ tua tủa đan vào nhau như một tấm lưới lớn.

Cùng lúc ấy, may mắn có một chiếc ghe lớn đi ngang tạo sóng đẩy bè lục bình xô lệch, bà nhanh trí nổ máy bám theo dòng nước mới thoát được vòng vây. "Tưởng đâu nằm ngủ luôn ngoài sông", bà nói, giọng nửa đùa nửa thật.

"Lục bình chặn lối mưu sinh" là chuyện xảy ra như cơm bữa không riêng gì với bà Nhị, cũng không còn là điều bất ngờ với bất kỳ ai bám vào con sông này mưu sinh. Nhiều người dân dọc tuyến sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua Tây Ninh và Long An đều đang oằn mình chống chọi với tình trạng lục bình bủa vây.

Đây vốn là tuyến đường thủy nội địa quan trọng, người dân dùng ghe, xuồng để đi làm ruộng, buôn bán, vận chuyển hàng hóa hoặc đơn giản chỉ là di chuyển giữa hai bờ. Giờ đây, những chuyến đi ấy chẳng khác nào "cuộc chiến" giữa dòng sông bị phủ kín bởi lục bình kéo dài nhiều cây số.

Anh Lê Văn Lành (49 tuổi, quê Đồng Tháp), làm nghề đánh bắt cá bán ở chợ Gò Dầu, cho biết vào mùa này năm nào lục bình cũng dày đặc. Chiếc ghe anh chở được khoảng 3 tấn cá, nếu gặp lục bình là phải dừng lại, gỡ từng mảng, canh từng chút để tránh hư máy.

Còn chị Nguyễn Thị Thùy Trang (45 tuổi) chia sẻ việc bị cản trở vì lục bình gần như diễn ra mỗi ngày. "Từ nhà ra ruộng chưa tới 2 cây số mà có khi đi mất một tiếng. Ngặt nỗi đâu có đường bộ, chỉ có đường sông, đành chịu", chị Trang thở dài nói.

Có những hôm, người đi ghe phải lênh đênh giữa sông suốt nhiều giờ liền, chỉ biết phó mặc cho con nước vì lục bình quá dày.

Bà Lê Ngọc Hằng (51 tuổi), chủ tiệm tạp hóa ven sông Vàm Cỏ Đông, là mối quen của nhiều người buôn bán bằng ghe, kể có lần khách ghé mua nước đá, lúc quay về thì bị kẹt giữa đám lục bình, ghe đứng yên một chỗ không nhúc nhích nổi.

Thậm chí, có hôm ghe chỉ còn cách tiệm bà vài mét nhưng cũng không thể vào được.

"Có người ném dây nhờ chị kéo phụ vào bờ nhưng cũng đành chịu thua. Từ những trải nghiệm nhớ đời đó, nhiều người rút kinh nghiệm ghé tiệm từ chiều hôm trước, xin ngủ nhờ một đêm để sáng sớm hôm sau ra chợ sớm, tránh bị kẹt giữa biển lục bình khi trời vừa hửng sáng" - bà Hằng ngao ngán.

Vàm Cỏ Đông - Ảnh 2.

Lục bình dày đặc cản trở việc đi lại trên sông của người dân - Ảnh: P.NHI

Nỗ lực xử lý

Tưởng đơn giản nhưng việc lục bình đến hẹn lại lên bủa vây trên dòng sông Vàm Cỏ Đông đang làm đảo lộn cuộc sống của rất nhiều người dân, các địa phương và cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực xử lý.

Ông Lê Hùng Dũng - giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa (Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh) - cho biết qua công tác kiểm tra thường xuyên, hiện tượng lục bình dày đặc trên sông Vàm Cỏ Đông xuất hiện cục bộ vào một số thời điểm nhất định trong ngày. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Cụ thể theo ông, sông Vàm Cỏ Đông qua Tây Ninh dài khoảng 105km, với nhiều đoạn cong, khúc cua; thượng nguồn sông giáp Campuchia, hạ lưu nối với tỉnh Long An. "Vào mùa khô dòng chảy yếu, lục bình sinh trưởng nhanh và thường bị tích tụ ở các khúc cua.

Ngoài ra, khi người dân tháo chà để đánh bắt cá, lục bình bị cuốn trôi ra sông, khiến mật độ lục bình càng cao hơn. Những đám lục bình này gây khó khăn cho các phương tiện thủy nhỏ - vốn là phương tiện chính của người dân đi lại, canh tác hai bên bờ sông" - ông Dũng phân tích.

Và từ tháng 12-2022, tỉnh Tây Ninh đã giao cho một đơn vị đảm nhiệm việc trục vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông và các kênh rạch liên quan. Qua thời gian thực hiện, công tác xử lý bước đầu được đánh giá là khá hiệu quả - lượng lục bình giảm đáng kể so với những năm trước.

Trong năm 2024 đơn vị thi công đã thử nghiệm sử dụng một loại gầu lớn bằng lưới sắt và cho kết quả tích cực. Đặc biệt năm 2025, đơn vị này tiếp tục đầu tư thêm 2 thiết bị trục vớt loại này cùng với một băng chuyền để hỗ trợ việc thu gom.

Điều này nâng tổng số phương tiện lên thành 3 máy vớt, 3 máy băm và thêm các thiết bị mới bổ sung. Đồng thời, nhân lực cũng được tăng cường làm việc tăng ca từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, máy móc vận hành liên tục để đảm bảo tiến độ xử lý lục bình.

Trong thời gian tới, Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh cho biết sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với đơn vị thi công để nghiên cứu các giải pháp mới, kể cả việc đầu tư thêm thiết bị, phương tiện, nhân lực nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý lục bình.

Song song đó, công tác kiểm tra mật độ lục bình sẽ được tăng cường tại các huyện, thị xã để điều động phương tiện kịp thời, hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc và đảm bảo giao thông thủy thông suốt, an toàn.

Diện tích lục bình phải xử lý rất lớn

Theo Cảng vụ đường thủy nội địa (Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh), hiện diện tích lục bình cần xử lý rất lớn với chiều dài sông khoảng 105km, rộng từ 80 đến 160m. Lượng phương tiện hiện tại không đủ để xử lý dứt điểm, do trước đây phương án được duyệt chỉ tập trung trục vớt tại các điểm ùn ứ cục bộ.

Thêm vào đó, việc vận chuyển lục bình sau khi vớt tốn nhiều thời gian, công sức và kinh phí. Dù đơn vị thi công đã tăng cường ca làm việc và huy động hết công suất, vẫn có những thời điểm xảy ra ùn ứ, đặc biệt tại các khúc cua - nơi lục bình dễ tắc lại nếu việc điều động phương tiện không kịp thời.

Đề xuất giải pháp trình Bộ Xây dựng

Theo Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, sông Vàm Cỏ chảy qua tỉnh Tây Ninh và Long An là tuyến đường thủy nội địa quốc gia quan trọng. Tuy nhiên, vào mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 5), tình trạng lục bình phát triển mạnh, kết thành từng bè lớn gây cản trở giao thông.

Dù có nhiều giải pháp trục vớt nhưng đến nay vẫn còn tình trạng lục bình dày đặc, nhiều đoạn sông bị phủ kín.

Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam cũng đã yêu cầu Chi cục Hàng hải và Đường thủy phía Nam xây dựng phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đồng thời đề xuất giải pháp xử lý trình Bộ Xây dựng xem xét.

Vật lộn với lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông - Ảnh 3.Đang tìm giải pháp xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông

Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam chỉ đạo đơn vị liên quan xây dựng, triển khai phương án xử lý lục bình để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trên sông Vàm Cỏ Đông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp