Người dân Kathmandu chờ lấy nước - Ảnh: Reuters |
Binh sĩ Nepal đưa một em bé vừa được cứu khỏi đống đổ nát ở Sindhupalchowk ra trực thăng - Ảnh: Reuters |
Tối qua, phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt ở thủ đô Kathmandu chuẩn bị cho quá trình đi vào tâm chấn để tận mắt chứng kiến những gì mà thế giới mấy ngày qua thật sự bị sốc. Xuất phát từ TP.HCM chiều 27-4 nhưng mãi đến tối 28-4, phóng viên Tuổi Trẻ mới đáp chân xuống được đất nước Nepal.
Theo bình thường, chuyến bay quá cảnh từ Kuala Lumpur có thể hạ cánh xuống Kathamandu, nhưng trong hôm qua phải quá cảnh thêm lần nữa tại thủ đô Dhaka của Bangladesh để chờ đợi quyền hạ cánh xuống Nepal.
“Mọi thứ thật hỗn loạn dù đó là sân bay quốc tế”, phóng viên Tuổi Trẻ thuật lại. Chuyến bay MH170 mà phóng viên Tuổi Trẻ có mặt đã phải bay lòng vòng trên bầu trời Kathmandu suốt hai giờ mới có thể hạ cánh. Lý do chính là sân bay Kathmandu cũng bị ảnh hưởng bởi trận động đất và các chuyến bay cứu trợ quốc tế lúc này được ưu tiên hơn cả.
Theo ghi nhận bước đầu của phóng viên Tuổi Trẻ tại sân bay quốc tế ở Kathmandu, tình hình hỗn loạn vì số người chờ rời khỏi Nepal quá đông trong khi lực lượng cứu trợ quốc tế đổ đến. Cũng khó có thể tránh được tình trạng này ở một đất nước có hạ tầng phục vụ chủ yếu cho các du khách đi leo núi...
Theo các số liệu mới nhất của Bộ Nội vụ Nepal, trận động đất 7,9 độ Richter đã làm thiệt mạng 5.057 người và làm bị thương hơn 10.000 người. Đó chỉ là những số liệu thống kê bước đầu do những khu vực hẻo lánh vẫn chưa tiếp cận được.
Hôm qua, lại thêm một tin buồn khi chính quyền quận Rasuwa ở phía bắc Kathmandu thông báo có thêm 250 người ở làng Ghodatabela bị xem là mất tích sau một trận lở tuyết mới.
Các con số cứ tiếp tục làm chùng lòng mọi người. Theo AFP, hơn 400.000 căn nhà đã sụp đổ sau trận động đất cùng nhiều dư chấn tiếp đó. Thậm chí Thủ tướng Nepal Shri Sushil Koirala nói với Hãng tin Reuters rằng số người chết có thể lên đến 10.000 người. Đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong điều kiện thời tiết xấu tại nhiều địa phương ở Nepal.
Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố hôm qua cho biết hiện tại khoảng 1,4 triệu người dân Nepal đang cần trợ giúp lương thực và trận động đất đã ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 8 triệu người ở đất nước có 28 triệu dân này.
Theo Tân Hoa xã, đại sứ Trung Quốc tại Nepal Wu Chuntai cho biết thậm chí nhiều quan chức cấp cao của chính quyền Nepal cũng gặp vấn đề về chỗ ở. Đối với thường dân càng tệ hại hơn nhiều khi tình hình nơi trú ngụ và lương thực thực phẩm là vấn đề cực lớn.
Thủ tướng Koirala đã phải một lần nữa kêu gọi sự giúp đỡ của thế giới. Ông thậm chí dẫn chứng câu chuyện của cố vấn ngoại giao Nepal là ông Bhatharai đã phải ở ngoài trời sau trận động đất. Ông cũng cho biết Chính phủ Nepal đã tiến hành một phiên họp khẩn vào hôm qua để bàn về việc đưa hàng cứu trợ đến các vùng sâu vùng xa.
Ngay từ ngày 27-4, chính quyền Nepal đã mời các đại sứ và nhà ngoại giao tại Kathmandu để trực tiếp kêu gọi sự hỗ trợ. Trước tình hình căng thẳng của Nepal, nhiều quốc gia đã nhanh chóng tuyên bố hỗ trợ nhân đạo về nhân lực, vật lực nhưng thực tế đáng buồn là sân bay quốc tế của Nepal nhiều lần đóng cửa trong những ngày qua do mất điện hoặc do các dư chấn gây nguy cơ với các trường hợp hạ cánh.
Cả khi đồ đạc cứu trợ tiếp cận được sân bay quốc tế ở Kathmandu thì việc đưa các hỗ trợ đó đến những nơi đang cần cũng gặp nhiều khó khăn do các tuyến đường từ thủ đô của Nepal đi các tỉnh gần như bị tắc nghẽn do phần lớn bị chặn vì đất đá.
Chánh văn phòng Chính phủ Nepal Leela Mani Paudyal thừa nhận trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi vẫn chưa thể phân phát được nhiều nước uống, thực phẩm khô, chăn mền và thuốc men đến cho các nạn nhân động đất trong tình huống khó khăn như thế này”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận