Một chủ nhà hàng Việt ở Melbourne trả lời về chuyện trả lương: "Nếu cứ hỏi về lương thì anh không thuê em đâu!" - Ảnh chụp lại màn hình |
Cô gõ cửa nhiều nhà hàng tại phía tây và đông nam thành phố Melbourne, thuộc bang Victoria của Úc.
Cô hỏi chuyện và bí mật ghi hình các quản lý và chủ người Việt để tìm hiểu “mức giá thị trường” cho tiền lương mà du học sinh Việt Nam được trả khi làm việc ở khu vực này.
Lương bèo bọt trả cho đồng hương
Trong số gần 20 chủ nhà hàng và nhân viên mà phóng viên đài SBS Australia đã hỏi chuyện, không ai trả mức lương trên 10 AUD/giờ (1 AUD = 17.000 đồng VN), trong khi mức lương tối thiểu theo quy định của Úc là 17,70 AUD/giờ.
Đoạn phim ghi hình bí mật của SBS Australia cho thấy nhiều nhân viên được yêu cầu phải làm việc 12 giờ mỗi ngày với mức lương 100 -130 AUD cho một ngày làm việc đó.
Theo các phóng viên SBS Australia, các cô thường được chủ lao động đồng hương đưa ra điều kiện là “trả tiền mặt” và “10 đồng (AUD) một giờ”.
Một quản lý nhà hàng ở St Albans tỏ ra ngạc nhiên khi nghe “người xin việc” cho biết cô có mức lương 17 AUD/giờ (mức lương tối thiểu theo luật định của Úc) ở những chỗ làm khác.
“17 đồng hả? 17 đồng mà lương phục vụ anh đâu trả nổi 17 đồng”, người quản lý này nói thẳng.
Một chủ nhà hàng Việt khác ở Sunshine đòi giữ một tuần lương của nhân viên như "tiền thế chân".
“Chú sẽ giữ lương con một tuần, tuần sau sẽ trả lương cho tuần trước đó, để tránh tình trạng làm vài bữa nghỉ”, ông chủ nêu giải pháp của nơi mình quản lý.
Một nhà hàng Việt ở TP Melbourne. Ảnh chỉ có tính chất minh họa - Ảnh: Olivia Nguyen |
Hỏi tiền lương - chuyện kỳ lạ với chủ!
Rồi ông thẳng thừng từ chối nói ra mức lương, đến khi người đi xin việc tiếp tục hỏi về tiền lương, ông nổi giận từ chối không thuê cô nữa: “Nếu mà con hỏi thì chú không nhận đâu. Tại vì chú chưa biết con làm ra sao mà con hỏi lương thì chú không nhận!”
Hỏi mức lương khi đi xin việc bỗng trở thành một điều gì đó... có phần kỳ lạ ở đây!
“Người xin việc” của đài SBS Australia tiếp tục hỏi lương một chủ nhà hàng Việt khác trong khu vực thì nhận được phản ứng: “Trời đất ơi, vô làm thử trước đi, con thử việc cái đi đã”.
Theo nhóm phóng viên điều tra của SBS, cách trả lời về lương của chủ nhà hàng hoặc người quản lý luôn theo kiểu mập mờ vì hẳn họ biết nhiều người cần việc.
Một quản lý đại diện nhà hàng “trấn an” người xin việc khi hỏi lương “em đừng có lo, cứ làm”. Còn “chân thành” hơn, một nhân viên ở một cửa hàng khác còn nhắc khéo “người xin việc” của SBS Australia rằng: “Ở đây, đi xin việc cấm kỵ nhất là hỏi lương!”.
Khi đài SBS quay trở lại với máy quay phim và phóng viên xin tác nghiệp công khai, câu trả lời của những chủ nhà hàng được hỏi xin việc trước đó hoàn toàn thay đổi.
Họ cho biết “chưa bao giờ nghe đến mức lương 10 AUD một giờ” hay là “không chắc nữa”. Thậm chí có chủ nhà hàng giờ đây khẳng định chỉ nhờ người trong gia đình làm việc, chứ không thuê mướn nhân viên từ bên ngoài.
Đặc biệt, một chủ nhà hàng thừa nhận đang trả cho nhân viên 9 AUD một giờ trước ống kính của ghi hình của đài SBS Australia và cố giải thích vì sao chỉ trả nhân viên được mức thù lao đó.
Muôn cách đối phó
Sunny Ng, một du học sinh (đã thay đổi họ tên trên bài điều tra), cho biết chủ nhà hàng của anh dặn dò một cách kỹ lưỡng về cách đối phó với nhân viên sở thuế ở Úc khi anh làm việc tại nhà hàng.
“Theo kinh nghiệm bản thân thì mình thấy để qua mặt cơ quan chức năng, họ sẽ không nói bạn điền vào đơn xin việc, giấy tờ khai thuế. Họ chỉ coi bạn như một người gia đình, phụ giúp trong nhà thôi. Bạn không có quyền lợi gì hết khi đi làm ngoài tiền lương theo giờ. Đó là cách họ giảm chi tiêu cho doanh nghiệp", Sunny Ng. giải thích.
"Mình đi làm, chủ nhà hàng dặn nếu có ai vào hỏi, thì mình nói mình là người trong nhà, phụ giúp anh chị trông coi hàng quán thôi chứ không phải nhân viên", Sunny Ng chia sẻ về những gì anh quan sát được khi đi làm.
Trong khi đó, Lộc Lâm, một du học sinh Việt Nam khác tiết lộ sâu hơn về chiêu thức mà chủ nhà hàng nơi anh từng làm việc đã áp dụng.
"Khi tôi làm nhà hàng thấy họ có hai cuốn sổ. Một cuốn sổ chính thức, ghi tên rất ít nhân viên. Ví dụ nhà hàng có 10 nhân viên một ca thì họ chỉ ghi 4 người thôi. Còn với sổ phụ sẽ phân công thời gian làm của 10 người đó". Lộc Lâm giải thích.
"Khi mà tổng hợp nộp thuế, họ chỉ cần nộp sổ chính thôi. Có những người chủ có trí nhớ tốt thì họ còn không cần ghi lại (số giờ làm của những lao động không vào sổ sách) nữa", theo lời của Lộc Lâm.
Điều tra của SBS cho thấy nhiều nhà hàng thuê mướn nhân viên có cùng nguồn gốc văn hoá hay sắc tộc với họ. Chẳng hạn hầu hết các nhân viên trong các nhà hàng Việt Nam tại Footscray, Richmond, St Albans, Sunshine, và Springvale đều nói tiếng Việt.
"Tôi ơi, đừng sợ!": có được không?
Một trong những lý do rất khó để tìm ra số nhân viên "không vào sổ sách" vì hiện nay có quá nhiều sinh viên quốc tế cảm thấy sợ hãi khi tìm đến sự giúp đỡ.
Theo định nghĩa của tổ chức Salvation Army, “nô lệ thời hiện đại” được định nghĩa “là tình trạng bị bóc lột mà một người không thể từ chối, trong đó nạn nhân bị đe dọa, bị ép buộc bằng bạo lực, lạm dụng sức lao động hay bị lừa gạt”.
Bà Jenny Stanger, Giám đốc Quốc gia của dự án “End Modern Slavery” (Chấm dứt Nô lệ hiện đại) thuộc tổ chức Salvation Army cho biết việc bóc lột sinh viên quốc tế là ngưỡng rất gần với tình trạng nô lệ hiện đại.
“Nhiều nạn nhân đang ở Úc với các loại visa ngắn hạn và tạm thời có liên lạc với Salvation Army nhờ giúp đỡ. Họ phải làm việc trong điều kiện tồi tệ và nhận tiền mặt. Tuy những trường hợp này chưa phải là nạn nhân của vấn đề 'nô lệ thời hiện đại' nhưng là ngưỡng rất gần với nạn nô lệ”, bà Stanger phân tích.
Trả lời câu hỏi của đài SBS Australia về việc tại sao người sử dụng lao động Việt Nam lại thích thuê nhân viên Việt Nam hơn những nhân viên thuộc nguồn gốc khác, ông Meca Ho - Chủ tịch Hiệp hội Thương gia Victoria St tại Richmond, cho rằng do "việc giao tiếp thuận lợi hơn".
Không biết được số người bị bóc lột
Trả lời câu hỏi của SBS Australia về số lượng du học sinh quốc tế hiện đang bị bóc lột ở Úc, bà Jenny Stanger cho biết rất khó để đo lường được con số này.
"Một trong những lý do rất khó để tìm ra con số này vì hiện nay có quá nhiều sinh viên quốc tế cảm thấy sợ hãi khi tìm đến sự giúp đỡ. Họ không biết họ có thể tin tưởng ai, họ không biết điều gì sẽ xảy ra nếu họ tiếp cận các dịch vụ trợ giúp", bà Stanger lý giải.
Những gì chúng ta biết được là sự bóc lột trong nền kinh tế của Úc đang bùng nổ, từ ngành nghề lau dọn đến lĩnh vực nhà hàng, và cả trong ngành xây dựng” |
Bà Jenny Stanger, Giám đốc Quốc gia của dự án “End Modern Slavery” thuộc tổ chức Salvation Army |
"Lời khuyên của tôi là ngay cả khi các em sinh viên cảm thấy sợ hãi và không biết nên tin tưởng vào ai, các em không nên chịu đựng trong im lặng nữa mà hãy tìm kiếm sự giúp đỡ" bà Jenny Stanger kêu gọi và cũng nêu mong muốn chính quyền Úc làm việc nhiều hơn để bảo vệ “nguồn lực của nền kinh tế Úc”.
“Sinh viên quốc tế mang lại lợi tức cho ngành giáo dục của Úc, thúc đẩy ngành du lịch. Họ đóng góp rất nhiều vào nền kinh tế của chúng ta. Đây là đối tượng cần phải được tôn trọng và ủng hộ”, bà Stanger giải thích.
(Còn tiếp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận