Phóng to |
Góc đặc biệt ở Nam Ninh
Đi cùng tôi là Dũng “trắm cỏ”. Cách nay hơn 10 năm, Dũng là một “tay to” chuyên làm bảo kê hàng từ Đông Hưng sang Móng Cái. Vướng vào cờ bạc, thất bát, Dũng dạt về Hà Nội lay lắt sống bằng đủ thứ nghề. Cái biệt danh “trắm cỏ” cũng từ thời kỳ bệ rạc, lay lắt này mà ra. Sau đó một “soái” nhớ đến tình xưa nghĩa cũ, lại cần một người vừa thạo tiếng Quảng Đông vừa sõi tiếng phổ thông đã dang tay thu Dũng về dưới trướng, chuyên làm nhiệm vụ sang Bắc Kinh đóng hàng đánh sang Đông Âu.
Tàu đưa chúng tôi đến ga Nam Ninh, vừa dừng chân ngồi xuống chiếc ghế hàng giải khát, cô bán hàng đã cười rất tươi rồi thẽ thọt bằng tiếng Việt rất sõi: “Có mua ba số Singapore không? Rẻ lắm! 20.000 thôi! Ở VN 50.000 đấy!”. Dũng quay sang xổ một tràng tiếng Quảng Đông khiến cô bán hàng cười xòa: “Ba số Quảng Châu thì có! Nhiều ông VN sang đây đi du lịch tưởng rẻ cứ cắm đầu cắm cổ mua lấy được”.
Tầm 8 giờ tối, tôi theo chân Dũng đi điểm mặt dân đánh hàng. Chiếc taxi đưa chúng tôi đến khu khách sạn Lâm Viên. Ngay dưới tầng một, Lệ Viên quán ồn ã tiếng nói cười, toàn tiếng Việt. Giọng Bắc Ninh có, Bắc Giang có... nhưng phần lớn là dân Hà Nội. Dân đánh hàng đi ngả này chủ yếu thiên về quần áo, mỹ phẩm và không được liệt vào hàng đại gia, tức là không có khả năng chi phối được thị trường.
Như tốp khách hôm nay ở đây chủ yếu đánh hàng cặp, túi xách, quần áo rẻ tiền và quần áo sida. Theo lời Dũng, quán ăn này là nơi tụ hội của gần như toàn bộ dân làm ăn VN sang Nam Ninh và Quảng Châu đánh hàng theo ngả Lạng Sơn. Thông thường dân đánh hàng xuống tàu Nam Ninh là về ngay quán này nghỉ ngơi, ăn cơm rồi 9g30 tối lên ôtô chạy một đêm là đến Quảng Châu.
|
Trung Quốc là “điểm nóng” toàn cầu về nạn sao chép và làm hàng giả. Theo ước tính của Chính phủ Trung Quốc, những giao dịch về hàng giả trong thị trường quốc nội có giá trị 19 - 24 tỉ USD mỗi năm.
(Nguồn: International Herald Tribune)
Trung tâm “xẻ” hàng nháiChợ Dân Tộc ở Nam Ninh bề thế, cao bốn tầng và mặt bằng rộng hàng ngàn mét vuông trùm lên mặt tiền của cả hai khu phố, chuyên bán buôn các mặt hàng từ đồ điện tử cho tới quần áo, giày dép... Tiếng là bán buôn nhưng chợ Dân Tộc chủ yếu làm nhiệm vụ “xẻ” những chuyến hàng lớn từ Quảng Châu về.
Đi qua tầng một bày la liệt hàng điện tử, chúng tôi lên tầng hai chuyên bán quần áo. Một góc chợ sáng bừng lên với các quầy hàng được thiết kế hiện đại, đèn sáng choang. La liệt đủ loại các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Quần áo thì có Levi’s, Nike, Adidas, Converse, Puma... Giày thì đủ các thương hiệu lớn Adidas, Nike, Converse, Puma, thậm chí có cả hàng chuyên dụng của Timberland... Rồi thắt lưng bạt chuyên dụng của Tough, bình đựng nước dùng trong thể thao của Nikkor...
Dũng mỉm cười trước vẻ mặt đờ đẫn của tôi: “Siêu nhái đấy! Hàng nhái hết!”. Để chứng minh, Dũng lôi ra một đôi giày Converse, phân tích cho tôi xem từng chi tiết của hàng siêu nhái. Quả thật không thể phân biệt nổi điểm khác biệt nào giữa đôi giày này với đôi giày tôi đã từng mua tại đại lý của Converse ở Hà Nội với giá 550.000đ.
Sau một hồi mặc cả, chúng tôi quyết định mua đôi giày đó với giá vẻn vẹn 58 tệ (tương đương 120.000đ), trong khi giá chính thức in trên mác là 225 tệ! Tôi lấy một chiếc quần bò Levi’s 502 “hàng đẹp” xuống xem, đầy đủ nhãn mác như một chiếc quần chính hiệu, chất vải quần cũng không hề có sự khác biệt nếu chỉ vuốt bằng tay và thử dựng đứng quần, rồi mua với giá 80 tệ (160.000đ). Dũng nói hàng này mà về VN rồi đưa vào shop hẳn được “hét” với giá “đứt cổ”.
Hơn 30 gian hàng san sát, gian nào cũng đầy ắp hàng nhái. Chúng tôi gặp lại ba cặp vợ chồng tối hôm qua ở Lệ Viên quán cũng đang lúi húi đi “nhặt” đồ. Đi theo một lúc, tôi thấy mỗi đôi lấy một vài chiếc áo nỉ Puma, một lố giày thể thao và vài chiếc áo thể thao của đội Arsenal và Manchester United. Họ vui cười vì mua được hàng “nhái xịn” mà giá rẻ.
Hàng nhái bay vào cửa hàng
Từ chợ Dân Tộc, chúng tôi đi bộ vào khu trung tâm thành phố Nam Ninh. Phố đi bộ Hưng Ninh nổi tiếng của Nam Ninh bạt ngàn các cửa hàng và siêu thị quần áo. Bên cạnh cửa hiệu của các hãng danh tiếng, những cửa hàng nhỏ của tư nhân cũng chen đầy.
Vào cửa hàng mỹ phẩm Di Hoa Cung, tôi không thể nào tin được những gì đang bày ở đây lại là hàng giả. Hàng trăm loại dầu gội đầu, kem dưỡng da, sữa tắm, bộ trang điểm, nước hoa bày chật các ngăn tủ với đủ xuất xứ, đủ các thương hiệu nổi tiếng của Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Đức... Dũng kéo tôi tới ngăn nước hoa, chỉ vào chai CK One Summer, tôi bất ngờ vì đây là loại nước hoa mới nhất của Calvin Klein dành riêng cho mùa hè năm nay mà bây giờ đã có hàng giả. Cô bán hàng trả lời với cái giá cũng bất ngờ là 260 tệ!
Các tour du lịch Nam Ninh ngắn ngày với khẩu hiệu “Đến thiên đường mua sắm” được các công ty du lịch liên tiếp tổ chức với các mức giá từ 85 - 99 USD cho một tour ba ngày hoặc bốn ngày ba đêm. |
Xuôi xuống mạn Hưng Ninh Tây, chúng tôi vào một vài cửa hàng chuyên bán hàng lấy ra từ chợ Dân Tộc. Trong cửa hàng Sunny và Hỉ Hoan, cũng vẫn những đôi giày ấy, vẫn những bộ quần áo ấy, dưới ánh đèn điện và cách bài trí chuyên nghiệp chúng trở nên lộng lẫy và bắt mắt hơn nhiều. Tất nhiên, giá cả cũng tăng lên tương ứng. Một đôi Nike trong chợ chỉ hơn trăm tệ, tại đây ghi giá 280 tệ.
Một chiếc áo nỉ dài tay đóng mác Puma ghi giá 250 tệ. Khác với những cửa hàng khác, hệ thống cửa hàng Like lại chuyên tập trung những mặt hàng dành cho dân “phủi”. Cái tên cửa hàng có vẻ cũng đã thấy “nhái nhái”, cái logo dưới tên cửa hàng cũng làm một vệt phết lên trông từa tựa logo của Nike, bên trong đủ các loại quần áo hip hop, quần áo, giày, mũ chuyên dành cho dân du lịch bụi...
Sau khi đi thêm mấy cửa hàng lớn bán mỹ phẩm “siêu giả” như Thảo Tư Hành, Nhuận Sắc, chui vào chợ Tân Hòa Bình để tìm hiểu các loại túi và ví “siêu giả” nhái của Louis Vuitton, Gucci... và các cửa hàng chuyên làm tem, nhãn mác theo bất kỳ mẫu nào được đặt, chúng tôi về khách sạn, đầu gối như muốn rời ra.
--------------
Bài 2: Hàng nhái từ Quảng Châu về VN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận