Căn nhà của người dân bị đổ vùi, đằng sau là đồi núi bị sạt lở - Ảnh: LÊ TRUNG
"Quá khủng khiếp!"
Khoảng 8h sáng 18-11, xảy ra vụ sạt lở quả đồi kèm theo tiếng nổ lớn. Lượng lớn đất đá vùi lấp ngôi nhà của anh Trần Hữu Phước (tổ Trung Thị, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My). Ngoài ra, trụ điện trung thế 35kV ở đây cũng đổ sập vào nhà dân. Vụ sạt lở đã khiến anh Phước bị thương.
Chiều 18-11, Tuổi Trẻ Online có mặt tại hiện trường, triền núi bị sạt lở phía sau ngổn ngang đất đá.
Chị Lưu Thị Tình (43 tuổi) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh sạt lở kinh hoàng trên. "Lúc đó tôi cùng vài chị em đang đứng trước nhà nói chuyện thì quả đồi cách đó chừng 50m đổ ầm xuống kèm theo tiếng nổ lớn. Trụ điện trung thế ở đây cũng đổ sập do đất đá sạt xuống. Quá khủng khiếp, chúng tôi tháo chạy ra đằng xa", chị Tình nhớ lại.
Chị Tình thấy ngôi nhà gỗ của anh Trần Hữu Phước bị đống đất đá vùi xuống, sập hoàn toàn. "Lúc đó tôi la hét cho người dân xung quanh bỏ chạy, sau đó thấy anh Phước bò ra từ đống đổ nát, người đầy vết thương", chị Tình kể.
Người dân tháo chạy - Ảnh: THÚY VÂN
Đống hoang tàn sau sạt lở - Ảnh: LÊ TRUNG
Tại thời điểm xảy ra sạt lở, hai phóng viên của Trung tâm Văn hóa thể thao và truyền thanh truyền hình huyện Bắc Trà My là anh Tuấn Tú và chị Thúy Vân đang tác nghiệp tại đây. Những thước phim nóng hổi ghi lại cảnh sạt lở của hai phóng viên này nhanh chóng được đưa lên báo, đài và mạng xã hội.
Chị Thúy Vân kể lại, khi chị đang tác nghiệp cách đó khoảng 5m thì bất ngờ ngọn đồi đổ xuống, trụ điện đổ xuống bị chập điện lóe sáng, nổ ầm ầm. Chị và anh Tuấn Tú tháo chạy.
"Lúc đó hai anh em tôi quá hoảng loạn, bỏ chạy, may mắn không sao. Chắc đây là chuyến tác nghiệp nhớ đời", chị Vân kể lại.
Đoạn video mà anh Tuấn Tú và chị Thúy Vân quay lại cảnh sạt lở
Di dời khẩn cấp dân
Nhà cách vị trí sạt lở khoảng 100m, bà Lê Thị Hoa (64 tuổi) đã cùng với người nhà của mình thu dọn đồ đạc sơ tán đến nơi an toàn ngay trong chiều 18-11. Bà kể, chưa khi nào thấy cảnh tượng khủng khiếp như vậy.
"Lúc đó, tôi đang ở trong nhà thì nghe tiếng nổ lớn, chạy ra ngoài thấy đất đá tùm lum. Sợ quá, gia đình tôi thu dọn đồ đạc để đến nơi khác trú ngụ vì trời vẫn còn mưa lớn", bà Hoa nói.
Bà Hoa thu dọn đồ đạc di dời đến nơi khác - Ảnh: LÊ TRUNG
Còn chị Nguyễn Thị Nho (37 tuổi) cho biết sau khi vụ sạt lở xảy ra, chị đã đưa các con đến nhà người thân tá túc. Trong chiều hôm nay, chị về nhà thu dọn đồ đạc, di dời đến nơi khác. "Núi ở sau nhà sạt lở vậy nguy hiểm quá, chừ trời mưa không dám ở" - chị Nho nói.
Theo thông tin của UBND huyện Bắc Trà My, do mấy ngày nay mưa rất lớn, từ tối 17-11 chính quyền thị trấn Trà My đã vận động di dời hơn 10 hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở, trong ngày 18-11 tiếp tục di dời một số hộ dân nữa. Đến nay đã sơ tán 22 hộ với gần 70 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Việc sơ tán người dân tại các khu dân cư là rất cần thiết, bởi nguy cơ sạt lở luôn rình rập, có thể gây thiệt hại lớn.
Quả đồi bị sạt lở - Ảnh: LÊ TRUNG
Nhân viên điện lực khắc phục trụ điện bị hư hỏng - Ảnh: LÊ TRUNG
Trụ điện trung thế 35kV bị đổ xuống - Ảnh: LÊ TRUNG
Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng - Ảnh: LÊ TRUNG
Núi đồi ngổn ngang sau sạt lở - Ảnh: LÊ TRUNG
Trụ điện ngã đổ đè nhà dân - Ảnh: LÊ TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận