Hàng chục công nhân của Công ty Dệt kim Đông Xuân tất bật sản xuất khẩu trang - Ảnh: MAI THƯƠNG
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, chiều 4-2, hàng chục công nhân trong nhà máy ở tỉnh Hưng Yên của Công ty Dệt kim Đông Xuân đang tất bật sản xuất khẩu trang.
Bên trong nhà máy, hơn 20 công nhân được chia thành hai dây chuyền liên tục cắt, may, cho ra lò khoảng 50.000 chiếc khẩu trang mỗi ngày.
Khẩu trang được sản xuất từ loại vải có chức năng kháng khuẩn - Ảnh: MAI THƯƠNG
Loại vải có chức năng kháng khuẩn từ nhà máy vải trong cùng chuỗi sản xuất của công ty được chuyển về đây để cắt và may thành từng chiếc khẩu trang theo một quy trình khép kín.
Do nhu cầu khách hàng sử dụng khẩu trang gần đây tăng rất nhiều, những ngày này công nhân của công ty phải tăng ca, tăng giờ làm.
Chị Phan Thị Duyến (24 tuổi, ngụ tỉnh Hưng Yên), công nhân may tại nhà máy, cho biết: "Từ khi có dịch corona, những công nhân làm mặt hàng này phải tăng ca gấp rưỡi thời gian để kịp sản xuất khẩu trang cho mọi người dùng.
Buổi trưa ăn cơm xong là chúng tôi phải tranh thủ vào làm việc luôn để kịp xuất hàng ra thị trường".
Nhiều công nhân phải tăng ca để đảm bảo lượng khẩu trang đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong đợt dịch virus corona - Ảnh: MAI THƯƠNG
Ông Trần Việt - tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân - cho biết mặc dù công ty không phải đơn vị chuyên về y tế, nhưng trong bối cảnh tình hình dịch viêm phổi cấp đang diễn biến phức tạp và ở Việt Nam mặt hàng khẩu trang có dấu hiệu khan hiếm, công ty đã ứng dụng công nghệ sản xuất vải kháng khuẩn theo công nghệ Nhật Bản để làm khẩu trang.
Thông thường sản phẩm khẩu trang của Dệt kim Đông Xuân được xuất sang Nhật Bản, tuân thủ theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, đảm bảo khi vi khuẩn, vi trùng tiếp xúc khẩu trang bị vô hiệu hóa.
Với lượng vải sản xuất và cung ứng 7-8 tấn/ngày, doanh nghiệp có thể sản xuất tương ứng trên dưới 300.000 khẩu trang mỗi ngày.
Công nhân được chia làm nhiều tổ sản xuất theo quy trình khép kín: cắt, may viền, may dây đeo... - Ảnh: MAI THƯƠNG
Tuy nhiên, năng lực sản xuất của công ty hiện chỉ được 50.000 sản phẩm/ngày nên công ty đang tính đến việc phối hợp với nhiều doanh nghiệp sản xuất khác để đáp ứng nhu cầu thị trường. Để sản xuất được 300.000 khẩu trang thì cần phải huy động tới 600 công nhân.
Về thủ tục, ông Việt cho biết đã trao đổi với Bộ Y tế, do đơn hàng nhiều, bối cảnh khẩn cấp sản xuất để nhằm bình ổn thị trường và giá cả, nên tới đây sẽ làm thủ tục hợp chuẩn hợp quy đáp ứng yêu cầu.
Hiện nay, giá của một chiếc khẩu trang thành phẩm của Dệt kim Đông Xuân là 7.000 đồng, đã bao gồm VAT. Công ty cam kết giữ nguyên mức giá này và không thay đổi chất lượng.
Các công nhân phải đeo khẩu trang, găng tay khi làm việc - Ảnh: MAI THƯƠNG
Mặc dù phải tăng ca nhưng những công nhân ở đây vẫn nhiệt tình làm việc vì nghĩ đây là sản phẩm phục vụ cho cộng đồng trong thời điểm dịch bệnh đang lên cao - Ảnh: MAI THƯƠNG
Chị Trần Lê Giang, công nhân khâu may vá, chia sẻ đây là công việc không đòi hỏi quá nhiều kinh nghiệm nhưng vì làm việc với thời gian quá lâu nên cũng cần sự tập trung - Ảnh: MAI THƯƠNG
Công nhân Nguyễn Thị Duyên tuy đang mang bầu nhưng vẫn chủ động tham gia sản xuất cùng mọi người để đảm bảo kịp tiến độ - Ảnh: MAI THƯƠNG
Công đoạn đáp viền cho khẩu trang sau khi cắt - Ảnh: MAI THƯƠNG
Hơn 20 công nhân được chia thành hai dây chuyền đang sản xuất liên tục khoảng 50.000 chiếc khẩu trang/ngày - Ảnh: MAI THƯƠNG
Giá của 1 chiếc khẩu trang thành phẩm là 7.000 đồng đã bao gồm VAT - Ảnh: MAI THƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận