Phóng to |
Thương hiệu LiOA (được ghi rõ là Made in Vietnam) trên xe buýt ở Yangon - Ảnh: minh phúc |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Chu Công Phùng cho biết từ năm 2010 trở về trước, Myanmar chỉ thu hút được 16 tỉ USD đầu tư nước ngoài nhưng chỉ hai năm gần đây con số này đã tăng 100%. Và đầu tư Việt Nam sang Myanmar hiện đạt xấp xỉ 500 triệu USD so với con số 22 triệu USD năm 2009. Có thể nói Myanmar đang là địa chỉ thu hút mạnh các dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
* Những hình ảnh nào ông cho là ấn tượng nhất về sự chuyển biến kinh tế Myanmar trong giai đoạn này, thưa ông?
- Khi tôi nhận nhiệm sở tại Myanmar vào năm 2009, TP Yangon rất thưa thớt xe cộ, phần lớn là xe cũ và đường phố trở nên vắng ngắt sau 8g tối. Nhưng ấn tượng nhất là tại hội chợ hàng Việt Nam tổ chức lần đầu tiên tại TP Yangon vào tháng 4-2010, người dân Myanmar xếp từng hàng dài để tranh nhau mua các mặt hàng bột giặt, màn chống muỗi, giỏ đi chợ, quần áo, giày dép... do các doanh nghiệp Việt Nam đem qua. Những gói bột ngọt cũng là một món quà quý dành cho các bạn bên đấy.
Thế nhưng đến TP Yangon vào thời điểm này, bạn sẽ thường xuyên chứng kiến cảnh kẹt xe với rất nhiều ôtô mới, đường phố luôn sôi động kể cả ban đêm. Tôi được biết chỉ trong năm 2012, số lượng ôtô nhập khẩu tại TP Yangon lên tới 70.000 chiếc. Tương tự, hàng hóa tại những thành phố lớn ở Myanmar đã phong phú hơn rất nhiều, không còn cảnh xếp hàng hay chen nhau giành mua như trước. Đặc biệt giá bất động sản Myanmar tăng vọt. Cách nay hai năm, giá thuê phòng tại một khách sạn năm sao ở Yangon chỉ có 60-70 USD/đêm thì nay tăng lên 250-300 USD/đêm nhưng không phải lúc nào cũng có chỗ.
Người Myanmar có đặc tính rất đáng quý là trung thực và hiền hòa. Ý thức chấp hành luật pháp cực kỳ nghiêm chỉnh. Suốt bốn năm làm việc tại Myanmar, tôi cũng chỉ thấy doanh nghiệp Myanmar kiện doanh nghiệp Việt Nam chứ chưa thấy ngược lại về vấn đề công nợ, thanh toán...
Người Myanmar rất thích hàng Việt Nam. Điều họ phiền lòng là có hiện tượng doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng tốt đi quảng cáo nhưng khi ký hợp đồng rồi thì giao hàng kém, hàng xấu. Đặc biệt, có doanh nghiệp điện tử Việt Nam đưa hàng sang bán với thương hiệu Việt Nam, nhưng họ mua về kiểm tra trong ruột là “made in China”.
* Luôn tích cực kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam sang Myanmar làm ăn, theo ông, những mặt hàng nào của Việt Nam có khả năng cạnh tranh với hàng Trung Quốc và Thái Lan đang chiếm lĩnh tại thị trường này?
- Tất cả các loại hàng Việt Nam vào Myanmar đều được chào đón do nhu cầu tại thị trường Myanmar phù hợp với khả năng đáp ứng của Việt Nam, từ công nghệ, mẫu mã, chất lượng. Tôi lấy ví dụ như mặt hàng điện lạnh, điện máy, thực phẩm khô, hàng nông sản chế biến, các loại máy công cụ Việt Nam... đều được tiêu thụ rất tốt tại Myanmar.
Cũng đừng quá lo ngại với hàng Trung Quốc và Thái Lan, bởi nhiều sản phẩm Việt Nam đã đánh bật hàng Trung Quốc và Thái Lan tại thị trường này nhờ chất lượng tốt hơn và giá cả phù hợp, như sản phẩm gốm sứ và các mặt hàng nhựa gia dụng Việt Nam. Hơn nữa, với dân số 60 triệu dân trong khi ngành sản xuất trong nước của Myanmar chỉ mới đáp ứng 15% nhu cầu tiêu dùng, dư địa tại thị trường này còn rất lớn.
* Còn về đầu tư, thưa ông?
- Do quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Myanmar rất tốt, những dự án của Việt Nam phù hợp với Myanmar đều được hoan nghênh. Đây là một lợi thế vì nhà đầu tư một số nước vào đây gặp khó khăn hơn do không được hoan nghênh. Về lĩnh vực đầu tư, tôi cho rằng nông nghiệp (trồng lúa, xay xát, chế biến...) và thủy sản (nuôi trồng, chế biến xuất khẩu) là những lĩnh vực tiềm năng nhất và đang được khuyến khích đầu tư. Với hơn 3.100km bờ biển cùng hơn 8 triệu ha mặt nước trong đất liền chưa được khai thác, ngành thủy sản Myanmar đang rất khát vốn và kinh nghiệm của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Ngoài ra, hàng loạt lĩnh vực như vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, gạch, kính công nghiệp và đặc biệt là ximăng... đang có nhu cầu rất lớn tại Myanmar do hoạt động xây dựng đang nóng lên. Chẳng hạn với mặt hàng ximăng, hiện sản xuất nội địa của Myanmar chỉ đạt 1,5 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu của thị trường này hiện lên tới 6 triệu tấn/năm.
* Như ông khẳng định, tiềm năng thị trường Myanmar rất lớn nhưng vì sao trao đổi thương mại Việt Nam - Myanmar hiện nay vẫn rất thấp, số lượng dự án Việt Nam đầu tư vào Myanmar có thể đếm trên đầu ngón tay, thưa ông?
- Một trong những cái khó đối với doanh nghiệp Việt Nam là hàng hóa Trung Quốc và Thái Lan đang chiếm lĩnh tại thị trường Myanmar, họ có lợi thế vận chuyển gần, chưa kể trốn thuế, nhập lậu... Đặc biệt, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Myanmar chủ yếu là tư nhân, họ không được vay vốn nên rất hạn chế về tiền mặt. Do vậy khi nhập hàng họ thường đòi trả chậm hoặc đổi hàng trong khi doanh nghiệp Việt Nam cũng đang khó khăn nên đòi tiền ngay.
Hệ thống ngân hàng Myanmar còn rất yếu. Hoạt động cho vay, thanh toán điện tử chưa phát triển, chuyển tiền khó khăn... Các thủ tục xuất nhập hàng, xin giấy phép đầu tư vào Myanmar dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn rất nhiêu khê, không thể nhanh như Việt Nam hiện nay. Vận chuyển hàng hóa Việt Nam sang Myanmar có chi phí cao do đường bộ chưa vận chuyển được, còn đường biển thì xa.
Về phía Việt Nam, thủ tục xin giấy phép đầu tư ra nước ngoài tại Việt Nam còn nhiêu khê, chưa kể giấy phép chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư cực kỳ khó khăn do chủ trương hạn chế chuyển tiền ra nước ngoài.
* Là người sống và làm việc tại Myanmar nhiều năm, có những am hiểu nhất định về con người và đất nước này, ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp Việt Nam?
- Tôi tin rằng với quyết tâm rất lớn từ Chính phủ Myanmar, chỉ một thời gian ngắn nữa những khó khăn hiện nay của bạn sẽ được giải quyết. Chẳng hạn, hiện đã có sáu ngân hàng Myanmar được kết nối ra bên ngoài, BIDV của Việt Nam cũng bắt đầu đặt văn phòng tại đây, nên hoạt động thanh toán chẳng bao lâu nữa sẽ thông suốt hơn. Những chệch choạc ban đầu về thủ tục hành chính chủ yếu là do tình trạng “trên thoáng, dưới chưa thông” hoặc các cơ quan công quyền chưa bắt kịp nhịp thay đổi của chính sách.
Tóm lại, tôi cho rằng đây là thời cơ có một không hai để doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn ra bên ngoài, mở rộng quy mô, phát triển thương hiệu... Nếu chờ mọi thứ ổn định đâu vào đó, nhà đầu tư các nước vào chiếm lĩnh thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
-----------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: “ Kỳ 5:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận