Phóng to |
Bệnh nhi tiêu chảy được điều trị tại khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM (ảnh chụp chiều 6-1) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Bác sĩ Tăng Chí Thượng, giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết hiện đã vào mùa bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus.
Dễ lây lan
Theo bác sĩ Hoàng Lê Phúc, trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, bệnh tiêu chảy do rotavirus thường được chẩn đoán dựa trên lâm sàng. Việc điều trị bệnh này cũng như nhiều bệnh tiêu chảy khác không cần thiết phải làm xét nghiệm. Năm nay số bệnh nhi mắc bệnh tiêu chảy (nhiều khả năng do rotavirus) vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, chỉ trong tháng 12-2009 đã có 720 trẻ nhập viện do mắc bệnh tiêu chảy cấp, trong khi đó vào tháng 12-2008 chỉ có 600 ca.
Khi trẻ có những dấu hiệu nặng như đi tiêu phân có máu, sốt cao, khó hạ sốt, khát nước nhiều (đòi uống nước liên tục), ói liên tục, ói tất cả mọi thứ đã ăn uống, ói xong thấy mệt hơn, co giật, hôn mê, cần cho trẻ nhập viện ngay. |
Bác sĩ Hoàng Lê Phúc cho biết rotavirus là tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp nặng thường gặp nhất trong mùa này, chủ yếu lây lan qua đường phân - miệng. Tiêu chảy cấp do rotavirus dễ lây lan vì lượng virus thải ra trong phân rất lớn, hơn nữa rotavirus lại sống được trong môi trường tự nhiên như trên các bề mặt tiếp xúc của đồ chơi, mặt bàn ghế, trong nước và trên da...
Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm rotavirus, tuy nhiên bệnh thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Khi mắc bệnh lần đầu trẻ thường bị rất nặng và nhẹ dần ở các lần sau. Trong năm năm đầu đời, tất cả trẻ đều bị nhiễm virus này.
Những triệu chứng chính
Trẻ mắc bệnh tiêu chảy trong thời gian này thường bị ói, sau đó tiêu chảy, sốt vừa phải. Trẻ ói rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu lỏng. Phân lúc đó sẽ toàn nước, có thể có màu xanh, đàm nhớt nhưng không có máu. Do bị ói và đi tiêu lỏng nhiều (có thể đi tiêu phân lỏng hơn 20 lần trong ngày) nên trẻ rất dễ bị mất nước, nhanh chóng khô kiệt nếu không được chăm sóc kịp thời.
Đa số trẻ sẽ hết tiêu chảy sau 4-8 ngày, tuy nhiên vẫn có trẻ kéo dài tiêu lỏng đến hai tuần dù đã chơi và ăn trở lại.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh tiêu chảy là gây mất nước, nặng nhất là tử vong. Di chứng thường gặp sau thời gian mắc bệnh là trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng. Do vậy, sau khi trẻ khỏi bệnh, các bậc phụ huynh nên cho trẻ ăn thêm bữa để tăng cân.
Điều trị khó
Bác sĩ Hoàng Lê Phúc nhấn mạnh bù nước là phương pháp điều trị cơ bản cho các bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy. Trong đó bù nước bằng đường miệng vẫn là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất (vì truyền dịch thì trẻ phải nhập viện, có nguy cơ sốc do truyền dịch). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chứng minh bù nước bằng đường miệng và truyền dịch đều có hiệu quả như nhau.
Tiêu chảy do rotavirus thường gây ói, vì vậy việc điều trị cho trẻ gặp khó khăn hơn các loại bệnh tiêu chảy khác. Khi trẻ ói, các bà mẹ cần bình tĩnh và vẫn tiếp tục cho trẻ uống nước. Tuy nhiên, trước khi cho trẻ ăn uống cần thay đồ mới, lau sạch các vết bẩn cho trẻ vì những vết dơ bám trên người, quần áo trẻ cũng có thể làm trẻ ngửi thấy mùi, ói tiếp. Cho trẻ nằm đầu cao hoặc ngồi, sau đó đút từng muỗng nước tránh cho trẻ bị ói. Nếu trẻ vẫn tiếp tục ói thì đút chậm hơn.
Theo nhiều bác sĩ, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus là uống văcxin. Đây là văcxin loại uống, dùng cho trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi.
Bệnh tiêu chảy do nhiều tác nhân gây ra, do vậy uống văcxin chỉ phòng được rotavirus nhưng vẫn có thể mắc các bệnh tiêu chảy do các tác nhân khác. Vì vậy, dù trẻ đã được uống loại văcxin này, các bậc cha mẹ vẫn cần tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh cho trẻ (ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh...), riêng người lớn cần duy trì thói quen rửa tay trước khi chế biến món ăn cho trẻ...
Theo bác sĩ Hoàng Lê Phúc, dù trẻ mắc bệnh tiêu chảy các bà mẹ cũng không nên bắt trẻ kiêng cữ các loại thức ăn, ngoại trừ đồ ngọt. Nên cho trẻ ăn các món dễ tiêu, ăn làm nhiều bữa, mỗi bữa ăn một ít. Bù nước cho trẻ bằng tất cả các loại nước trừ nước ngọt, vì khi trẻ bị tiêu chảy mà cho uống các loại nước ngọt sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu, rút nước từ trong người đi ra ruột, sau đó ra ngoài sẽ càng làm trẻ khát nước, tiêu chảy nặng hơn. Trong một số trường hợp, trẻ được bác sĩ cho uống gói nước biển khô (dung dịch uống bù nước), các bà mẹ nhớ phải pha đúng hướng dẫn ghi trên bao bì hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ, và chỉ cho trẻ uống sau khi trẻ đi tiêu lỏng chứ không dùng thay nước lọc để uống cả ngày. Hiện nay trên thị trường có hai dạng nước biển khô đóng gói để pha với 1.000ml và 200ml nước thành dung dịch uống bù nước. Các bà mẹ cần phân biệt rõ hai loại này vì nếu pha nhầm sẽ rất nguy hiểm. Trong trường hợp pha đặc, trẻ sẽ có nguy cơ ngộ độc muối, phù, hôn mê, co giật; còn nếu pha loãng quá lại không đủ chất (kali, natri...) trẻ có thể bị trướng bụng, nặng hơn sẽ gây rối loạn nhịp tim, hôn mê. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận