Trong ngành giáo dục, ai cũng biết giáo viên muốn đạt và công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hay cấp thành phố thì phải hội đủ hai điều kiện: thứ nhất phải có thành tích nhất định trong giảng dạy, thứ hai sáng kiến kinh nghiệm phải được hội đồng cấp phòng, sở đánh giá xếp loại C trở lên.
Cái khó của giáo viên không phải ngại đầu tư, nghiên cứu các phương pháp giảng dạy mới áp dụng thực tế sao cho mang lại hiệu quả, tỉ lệ học sinh khá, giỏi và lên lớp cao, mà cái lo và mất nhiều công sức đầu tư của giáo viên là khâu viết sáng kiến kinh nghiệm.
Có giáo viên hạn chế viết lách, ngại suy nghĩ nên không thể viết sáng kiến kinh nghiệm theo các yêu cầu, tiêu chí, nội dung, cấu trúc hướng dẫn nên đầu năm chỉ đăng ký đề tài cho có để nhà trường báo cáo về phòng GD-ĐT. Đến cận thời gian nộp mới tất bật gọi điện, nhắn tin bạn bè xin thêm tư liệu hay lên mạng tải về “xào, nấu” thêm để bổ sung cho bài viết sáng kiến của mình được phong phú.
Có giáo viên làm kiểu quy trình ngược: đáng lẽ sáng kiến kinh nghiệm của mình đầu năm vạch ra và đem áp dụng trong thực tế, đánh giá hiệu quả như thế nào, trái lại giờ giáo viên ấy mới chạy đôn chạy đáo tìm kiếm tư liệu rồi lên máy tính viết 9-10 trang cho có lệ. Thử hỏi bài như vậy có phải là sáng kiến kinh nghiệm không? Đó là chưa kể nhiều giáo viên muốn sáng kiến kinh nghiệm của mình được đánh giá cao nên không ngại “mượn” thêm ý tưởng của đồng nghiệp từ nhiều nguồn. Không biết hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm có nhận ra điều này?
Thực tế, việc kèm theo điều kiện có sáng kiến kinh nghiệm để xét công nhận chiến sĩ thi đua vô tình làm bệnh thành tích sinh sôi, nảy nở, phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận