Nơi làng quê tôi ngày ấy, cách đây năm năm, khi hay tin một học sinh thi đỗ đại học là cả làng, cả xã biết mặt, gọi tên. Lúc ấy, khi anh trai tôi đang là sinh viên năm thứ 2 thì tôi cũng nhận được giấy báo trúng tuyển vào đại học một trường hạng tốp 2 thủ đô.
Khỏi phải nói những lời tán dương dành cho anh em tôi và ba mẹ tôi làm gia đình nở mày nở mặt đến mức nào. Ngày hội nghị tuyên dương khen thưởng ở xã, bố tôi ngồi ở ghế mời danh dự, ngày đó tôi cứ ngỡ rằng: “Vào đại học, tương lai tươi sáng đang ở phía trước đây!”.
Sau bốn năm đèn sách trên giảng đường, ngoài chuyện đạt học bổng liên tục, anh trai tôi từng đoạt giải ba kỳ thi Olympic hóa học sinh viên toàn quốc. Tôi cũng từng đoạt giải nhì nghiên cứu đề tài khoa học ở khoa, đạt học bổng. Hai anh em được cấp bằng tốt nghiệp loại khá. Như vậy chắc đã tương đối cho những nỗ lực về sách vở trên giảng đường.
Và xin nói tiếp về “cái kết” của anh em tôi, đây cũng là một cái kết tạm thời thôi. Anh tôi dự phỏng vấn và trúng tuyển vào một công ty nước ngoài với mức lương khá, nhưng họ không quan tâm bằng cấp, bằng khen của anh tôi.
Vì sao? Vì họ đang đào tạo lại từ đầu và giờ đã bước sang năm thứ 3 anh tôi vẫn đang trong chế độ “đào tạo”. Còn tôi thì có người quen giới thiệu vào một doanh nghiệp tư nhân với đồng lương cọc cạch, phải gói ghém lắm mới sống lay lắt được qua ngày!
Có lẽ may mắn đã mỉm cười với chúng tôi khi sử dụng tấm bằng tốt nghiệp đại học như “tờ giấy thông hành” vào đời và được nhà tuyển dụng tạm giữ mảnh giấy ấy. Vậy hàng ngàn sinh viên khác ra trường sẽ ra sao nếu kém may mắn hơn anh em tôi?
Bạn hãy thử tưởng tượng, đặt mình vào vị trí một sinh viên mới ra trường đang “rải” hồ sơ khắp các trang tuyển dụng. Một ngày bạn sẽ nhận được vài cuộc gọi của nhà tuyển dụng; mưa gió, nắng nôi bạn lặn lội đi dự phỏng vấn và nhận được cái lắc đầu khi người ta hỏi bạn về kinh nghiệm, ngay cả khi bạn nói có thời gian là sinh viên bạn đã làm thêm công việc a, b, c...
Nhưng nhà tuyển dụng cần một người làm việc chứ không phải cần những người tập sự. Như vậy, chúng tôi học hành nghiêm túc 4 - 5 năm ở trường để làm gì? Chả lẽ chúng tôi phải trả một khoản phí không nhỏ, tốn bao nhiêu thời gian để thu về cái thứ mà sau này không thể sử dụng được? Nếu cần kiến thức thực tế như vậy thì tại sao không đào tạo luôn ở trường...
Và cứ thế, ngày này qua ngày khác, hai chữ “thất nghiệp” đè nặng lên đôi vai những công dân trí thức cùng với gánh nặng tiền bạc, áp lực xã hội... Xin vài dòng cuối để nói về bố mẹ chúng tôi, những bậc sinh thành vẫn đang miệt mài khuya sớm để kiếm tiền và xem có “cửa” nào “chạy” việc cho chúng tôi...
“Hãy để cháu làm gì cháu thích!” Chúng ta, những bậc phụ huynh chỉ hướng cho các cháu đi đúng đường. Thực tế đã ghi nhận con số hơn 100.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, thạc sĩ thất nghiệp. Thực tế cũng cho thấy nhiều em có bằng đại học đã đăng ký học nghề tại các trường trung cấp, các em này với kiến thức đại học đã học nghề rất nhanh và có nhiều cơ hội để có việc làm! Nếu con bạn thích ngành kỹ thuật và với kiến thức lớp 12, cháu có thể đi làm trải nghiệm để xác định mình thật sự thích gì trong ngành kỹ thuật. Khi đó cháu đi học (cao đẳng hoặc đại học) cũng không muộn. Hiện tại, theo tôi biết, thị trường xuất khẩu lao động rất cần công nhân kỹ thuật, kỹ sư đã có tay nghề, chỉ cần có trình độ N5 tiếng Nhật là có thể đi làm. Sau ba hoặc năm năm, trở về nước họ sẽ có một số vốn kha khá và được làm việc trong các công ty Nhật tại Việt Nam. Nếu con bạn đam mê ngành ẩm thực thì xin vào làm trong nhà hàng để trải nghiệm, sau đó tích lũy được số vốn đi học nghề nấu ăn cùng ngoại ngữ để nắm bắt cơ hội làm việc tại các khách sạn, khu du lịch hoặc các du thuyền quốc tế. Lúc đi học, tôi giải bài toán phải hội đủ điều kiện cần và đủ. Nay tôi xin chia sẻ: đại học chỉ là điều kiện “cần”, còn “đủ” thì các bạn trẻ phải trải nghiệm cuộc sống, phải có kỹ năng mềm và phải có ngoại ngữ thì mới hội nhập thế giới được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận