09/07/2004 06:10 GMT+7

Vào Đại học trót lọt nhờ đường dây thi thuê

THANH HÀ 
THANH HÀ 

TT - Dấu vết về một đường dây gian lận tiêu cực trong thi cử khá qui mô đã được cơ quan an ninh điều tra ghi nhận từ tháng 2-2004.

ummvozko.jpgPhóng to
Đinh Đức Thịnh
TT - Dấu vết về một đường dây gian lận tiêu cực trong thi cử khá qui mô đã được cơ quan an ninh điều tra ghi nhận từ tháng 2-2004.

Các cán bộ điều tra đã thực hiện hàng loạt biện pháp nghiệp vụ, kết hợp với Thanh tra Giáo dục để phát hiện một đường dây chuyên tổ chức thi thuê, “chạy” trường liên quan đến 27 trường ĐH, CĐ và THCN với nhiều đối tượng thuộc địa bàn 10 tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ, Hải Dương...

Nhân vật “bốn không”

Đứng đầu đường dây liên tỉnh này là Đinh Đức Thịnh (sinh 1953), trú tại số nhà 36 ngõ 226 phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân - Hà Nội (HN). Ngày 10-6, cơ quan an ninh điều tra đã ra lệnh bắt khẩn cấp và khám xét chỗ ở đối với Đinh Đức Thịnh. Tại đây, công an đã thu giữ được nhiều giấy biên nhận tiền của các “khách hàng”, nhiều hồ sơ đăng ký dự thi vào cả hệ chính qui và tại chức một số trường ĐH, học viện trên địa bàn HN và các tỉnh phía Bắc...

Trong nhiều bộ hồ sơ, ảnh TS đóng dấu giáp lai đã bị bóc rời. Tại nhà Thịnh, công an cũng thu giữ nhiều bộ “phao” chuẩn bị cho các “gà” (người thi thuê) khi cần. Cơ quan an ninh điều tra đã quyết định khởi tố Đinh Đức Thịnh với tội danh “làm giả giấy tờ của cơ quan và tổ chức”.

Sau khi mở rộng vụ án, công an đã tiếp tục bắt giữ thêm hai đối tượng là trợ thủ đắc lực của Thịnh: một... nữ phóng viên tên H. và một SV năm cuối Trường ĐH Xây dựng HN tên T.. Trong đó H. đứng đầu một nhánh tại HN và cũng là nhánh lớn nhất của đường dây. Còn T. có nhiệm vụ chuyên săn các SV giỏi tại các trường ĐH lôi kéo làm “gà” thi thuê.

Để tự đánh bóng hình ảnh và thu hút lòng tin của những người thừa tiền nhưng thiếu tri thức, muốn vào ĐH, CĐ qua những con đường gian lận, Thịnh tự xưng là giảng viên ĐH, đã từng làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô (cũ), trước đây công tác tại ĐH Y HN, nay đang làm giảng viên tại ĐH Bách khoa HN. Có lúc Thịnh lại nhận là cán bộ của Trường trung học

Cảnh sát trong khi trên thực tế Thịnh chỉ là một nhân vật “bốn không”: không nghề nghiệp, không bằng cấp, không học vấn và không làm việc ở đâu cả. Lật lại hồ sơ của Thịnh, cơ quan công an phát hiện bản thân Thịnh đã từng có tiền sử gian lận trong thi cử. Năm 1972, khi đang còn sống tại Phú Thọ, Thịnh đã chiếm đoạt giấy gọi nhập học ĐH Bách khoa HN của một người cùng làng trùng hệt họ tên, chỉ khác năm sinh.

Để có thể trót lọt, Thịnh đi đường vòng: nhập ngũ đi bộ đội, đến năm 1976 mới xuất ngũ trở về ĐH Bách khoa xuất trình giấy gọi để được nhập học. Suýt chút nữa sự gian lận của y đã thành công nếu như không vì tình cờ, chủ nhân thật sự của tấm giấy gọi nhập học nghi ngờ, làm đơn khiếu nại, Trường ĐH Bách khoa đối chiếu hồ sơ, phát hiện và đã đuổi học Thịnh.

Vào trường công an: 5.000 USD!

Nhìn vào “thành tích” của Thịnh, các cán bộ an ninh điều tra cũng phải lắc đầu về khả năng khoa trương “uy tín” bản thân, lôi kéo “khách hàng”, tổ chức mạng lưới làm ăn của y. Tuy Thịnh mới chỉ khai nhận bắt đầu hoạt động từ năm 2002 và đã nhận 50 bộ hồ sơ, “giúp” cho 25 người trong số đó trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ và THCN, thu được 200 triệu đồng; nhưng trên thực tế, phạm vi, qui mô hoạt động của đường dây này lớn hơn thế nhiều. Chỉ riêng qua nhánh do H. phụ trách trên địa bàn HN trong mùa thi này đã gom cho Thịnh 93 khách hàng có nhu cầu thuê người thi.

Trước đó, qua xác minh hồ sơ, đối chiếu ảnh trong hồ sơ, thẻ dự thi, đối chiếu chữ viết trong bài thi... với người hiện đang học, cơ quan công an xác định hàng loạt trường hợp trúng tuyển nhờ thi hộ. Chỉ riêng tại chương trình liên kết đào tạo CĐ kỹ thuật của ĐH Bách khoa HN đã phát hiện sáu SV do Thịnh tổ chức “chạy” được trúng tuyển. Và để trúng tuyển vào một chương trình đào tạo liên kết, đào tạo theo địa chỉ của một trường ĐH như ĐH Bách khoa kể trên, TS phải chi cho Thịnh và các “cầu” môi giới 17-20 triệu đồng.

“Dịch vụ” do Thịnh cung cấp, chỉ riêng liên quan đến thi cử đã rất đa dạng, trong đó với mức chi phí thấp nhất 4 triệu đồng, “khách hàng” có thể thuê Thịnh làm một tấm bằng tốt nghiệp THPT giả. Còn để mua một chỗ trong giảng đường, Thịnh và các chân rết chào giá thi thuê với nhiều mức tùy theo giá trị của trường: 10 triệu có thể thuê người thi hộ vào trường THCN, riêng Trung học Dược Hải Dương giá cao hơn, phải là 15 triệu, thi CĐ 20 triệu.

Giá thuê thi vào ĐH Bách khoa HN còn cao đến 60 triệu; thi thuê tại các trường Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng... có thể thấp hơn nhưng cũng phải ở mức 50 triệu trở lên. Cá biệt, Thịnh còn chào giá 5.000 USD, với cam kết có thể lo được cho “khách hàng” vào trường của… công an, quân đội.

Đối với hệ tại chức, Thịnh áp dụng cách tính khác: nếu chọn dịch vụ, đường dây sẽ lo từ A-Z thì trọn gói là 10-15 triệu tùy từng trường ĐH. Nếu “chạy” cho đủ điểm cũng OK. Nhưng TS thi được từ 10 điểm trở lên mới “nói chuyện”, 2 triệu đồng/điểm, cứ thế mà thực hiện!

Tại sao Thịnh và đường dây của y có thể hoạt động với mức độ trắng trợn và“hiệu quả” trong mấy năm qua, đã đưa hàng chục TS bước vào giảng đường bằng con đường gian lận? Theo cơ quan công an, đường dây này đã có sự tiếp tay của không ít cán bộ ở các cơ sở đào tạo có liên quan.

Một cán bộ điều tra cũng cho biết đối với nhiều vụ, Thịnh chỉ là đầu mối nhận hồ sơ, nhận tiền rồi bàn giao cho khâu khác lo nốt với khách hàng. Những ai tham gia vào các khâu đó, đảm nhiệm vai trò gì, cơ quan công an đang tiếp tục làm rõ.

THANH HÀ 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp