Theo nguồn tin này, tại Đồng Tháp, nhóm người nhập heo lậu chủ yếu ở ba cửa khẩu của hai huyện Tân Hồng và Hồng Ngự.
Nhóm đầu nậu heo không cần cân heo mà cứ "ước lượng", thỏa thuận giá cả rồi đưa heo đi các tỉnh.
Hàng ngàn con heo vượt biên
Nguồn tin Tuổi Trẻ cho biết tình trạng nhập lậu heo tại miền Tây diễn ra thời gian gần đây tập trung chủ yếu là tỉnh Đồng Tháp.
Đáng chú ý, cửa khẩu Tân Hồng được nhóm đầu nậu heo đưa heo xuống hằng đêm khoảng 2.000 con, có trọng lượng từ 110 - 125kg/con với giá cân tại bãi 52.500 đồng/kg.
Cửa khẩu Dinh Bà và cửa khẩu Hồng Ngự cách 2-3 ngày mới có heo nhập lậu.
"Cách thức giao dịch rất đơn giản là cho người bên kia biên giới quay cảnh heo đang trên xe rồi gửi qua bên Việt Nam.
Hai bên sẽ ước lượng trọng lượng của từng con rồi mua với giá đã thỏa thuận. Nếu chấp nhận thì họ ước lượng số heo rồi trả tiền.
Có đôi khi thương lái mua heo bên Việt Nam cho người sang sông xem heo và ước lượng số con, trọng lượng rồi trả tiền", vị này tiết lộ.
Với cách thức nêu trên, hoạt động nhập lậu heo diễn ra rất nhanh chóng, từ 22h đến 6h sáng hôm sau.
Cũng theo vị này, khu vực cửa khẩu ở Hồng Ngự có sông nhỏ nên các thương lái tự thỏa thuận giá và số lượng rồi xe vận chuyển heo từ bên kia đưa heo sang rồi lên xe đi thẳng về TP.HCM và các tỉnh.
Với giá heo hơi nhập lậu mua như vậy chênh lệch từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với heo trong nước.
"Người đứng thu mua heo từ Campuchia về Việt Nam là ông C.R. (người ở huyện Tân Hồng), được xem là "trùm heo lậu" của Đồng Tháp.
Sau khi nhập lậu heo, ông này bán lại cho các thương lái mua heo về bán thịt. Việc nhập heo lậu như vậy về giết mổ cung ứng thịt cho người dân dịp Tết rất nguy hiểm. Vì không biết heo có bệnh hay không và việc giết mổ cũng không kiểm soát được nữa", vị này nói thêm.
Sẽ mạnh tay ngăn nhập lậu
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định: "Chúng tôi có nghe được thông tin heo nhập lậu qua đường Đồng Tháp nên đã cho các anh em kiểm tra thông tin này. Tôi sẽ chỉ đạo lực lượng Ban chỉ đạo 389 khẩn trương xử lý và có chỉ đạo nhanh trong vụ việc này".
Đại tá Nguyễn Thanh Hòa - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đồng Tháp - cho biết chưa nắm thông tin này. "Nếu xảy ra tình trạng này, tôi sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm. Tôi sẽ cho lực lượng kiểm tra lại thông tin này và sẽ cương quyết xử lý nghiêm", ông Hòa khẳng định.
Trong khi đó, một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho rằng thông tin hàng ngàn con heo lậu qua biên giới tỉnh này hằng ngày là không chính xác bởi vùng biên giới Long An có nhiều đồng rộng, việc lùa heo lậu chạy qua biên giới gần như là không thể.
"Khoảng giữa năm qua, khu vực biên giới Long An gần với địa bàn tỉnh Đồng Tháp có một số vụ vận chuyển heo nhỏ lẻ qua biên giới. Trong ba quý đầu năm 2023, có năm vụ vận chuyển heo lậu bị phát hiện và đã tiêu hủy 68 con heo. Việc heo lậu tràn qua biên giới Long An hàng ngàn con mỗi ngày không biết thông tin từ đâu ra", vị này nói.
Trước đó, UBND tỉnh Long An cũng đã có văn bản chỉ đạo chính quyền cấp xã, cấp huyện phải tổ chức thống kê số liệu, kiểm soát đàn heo, đặc biệt tại các địa phương có chung biên giới với Campuchia để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc hợp thức hóa nguồn gốc heo nhập lậu...
Các lực lượng chức năng của địa phương, đặc biệt lực lượng bộ đội biên phòng, cũng được chỉ đạo tổ chức tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, vận chuyển trái phép heo vào Việt Nam.
* Ông Nguyễn Văn Ngọc (phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ):
Phải truy xuất nguồn gốc với thịt nhập
Muốn kiểm soát tốt hoạt động nhập khẩu thịt các loại, cần tổ chức truy xuất nguồn gốc thật nghiêm. Trong thực tế, sản phẩm trong nước bắt buộc phải truy xuất nguồn gốc nhưng sản phẩm nhập khẩu thì không.
Trong khi hàng Việt muốn xuất khẩu phải đáp ứng hàng loạt điều kiện ràng buộc nhưng thịt heo, bò nhập khẩu vào VN quá đơn giản nên chưa kiểm soát tốt.
Do vậy theo tôi, truy xuất nguồn gốc với hàng nhập nữa mới công bằng. Hơn nữa, các quốc gia khác muốn kiểm soát hàng nhập khẩu cũng đòi hỏi giấy truy xuất nguồn gốc.
Chứ sản phẩm nhập chính ngạch nhưng lại không công khai nguồn gốc, kiểm tra theo tỉ lệ sẽ rất dễ xảy ra tình trạng gian dối, thông đồng để đưa hàng kém chất lượng vào VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận