10/01/2023 08:32 GMT+7

'Vành nan hoa anh đào' của ông Kishida

Chuyến thăm châu Âu và Bắc Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từ ngày 9 đến 14-1 là một nỗ lực nhằm thống nhất chương trình nghị sự của nhóm G7 trước thềm thượng đỉnh của khối này ở Hiroshima vào tháng 5 năm nay.

'Vành nan hoa anh đào' của ông Kishida - Ảnh 1.

Dữ liệu: MINH KHÔI - Nguồn: AP, Reuters, AFP - Ảnh: AFP - Đồ họa: T.ĐẠT

Ông Kishida có xu hướng muốn tận dụng chuyến thăm này để hoàn thiện một thế trận "vành nan hoa" trong các lĩnh vực chiến lược với các đối tác xoay quanh tâm điểm Nhật Bản.

Giảm ảnh hưởng từ Mỹ ở năm cánh hoa

Tựa như năm cánh của một bông hoa anh đào, chuyến thăm này có thể định hình mô hình hợp tác chiến lược đa tuyến của riêng Nhật Bản và từng bước tách biệt khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ.

Đầu tiên và cũng là cánh quan trọng nhất chính là trục quan hệ Nhật - Pháp, được xác định là điểm đến sớm nhất trong chuyến thăm phương Tây lần này của ông Kishida.

Trục Nhật - Pháp đóng một vai trò then chốt trong việc củng cố ba "cánh hoa" quan trọng của Nhật Bản. Đó là tam giác phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) Nhật - Pháp - Đức, tam giác an ninh hàng hải Nhật - Pháp - Ấn và tam giác hải quân Nhật - Pháp - Úc. Pháp vì vậy là đối tác quan trọng giúp Tokyo trải rộng hợp tác ở cả ba châu Á - Âu - Úc.

Tiếp theo là Ý và Anh, hai quốc gia được Nhật Bản chọn làm đối tác phát triển công nghệ quốc phòng thay thế cho Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ trong dự án phát triển máy bay tiêm kích F-X thế hệ thứ sáu nhằm đạt mục tiêu được chia sẻ công nghệ nguồn.

Thêm vào đó, nhu cầu hạ thấp chi phí nghiên cứu phát triển và sản xuất (vì cả đồng yên, euro và bảng Anh đều đang bị mất giá nghiêm trọng) khiến cho sự định hình tam giác phát triển tiêm kích F-X giữa Nhật - Ý - Anh trở thành một cánh hoa giúp Tokyo đa dạng hóa đối tác quốc phòng, từ đó giảm dần ảnh hưởng độc quyền của phía Mỹ đối với khả năng tự lực công nghệ của Nhật Bản trong lĩnh vực quân sự.

Cuối cùng là định hướng đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, khi phía Nhật tiếp cận Canada - quốc gia xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai của khối G7 sau Mỹ. Ưu tiên đầu tư của Chính phủ Nhật Bản vào kho cảng xuất khẩu LNG của Canada ở Kitimat được xem là cứu cánh chiến lược giúp nước này giảm sự phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn nhập khẩu LNG từ Nga.

Cánh hợp tác này cũng giúp phía Nhật giải tỏa áp lực vào khả năng phải nhập LNG bị cáo buộc có giá cao hơn thị trường từ Mỹ. Do đó, trụ cột năng lượng cùng với việc cả Nhật và Canada đều là thành viên hiệp định thương mại tự do CPTPP cho thấy đây là một "cánh hoa" quan trọng hoàn tất các bước đệm cho chiến lược giảm ảnh hưởng từ Mỹ của Nhật.

'Vành nan hoa anh đào' của ông Kishida - Ảnh 2.

Chiến lược "Vành nan hoa anh đào" của Nhật - Dữ liệu: LỤC MINH TUẤN

Toan tính của Tokyo

Với nền tảng "trục và nan hoa" trải theo năm cánh ở trên, Thủ tướng Kishida đã có nền tảng vững chắc để tăng cường các tương tác đối với Mỹ - điểm đến sau cùng của lộ trình lần này và cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông Kishida đến Washington kể từ khi nhậm chức.

Trong đó, phía Nhật đã kiện toàn nền tảng nhận thức của chính quyền Tổng thống Joe Biden về một quốc gia "thân Mỹ" hàng đầu không chỉ với việc tham gia đầy đủ tất cả các quỹ đạo do Mỹ kiến tạo ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn vận động duy trì và mở rộng 120 căn cứ quân sự của Mỹ hoạt động trên lãnh thổ Nhật Bản (cao nhất trong số các đồng minh của Mỹ), chấp thuận tăng cường ngân sách chia sẻ chi phí đồn trú của quân Mỹ trong 5 năm từ 2022 - 2027 và đầu tư cả vào việc xây dựng các căn cứ của Mỹ ở các vùng lãnh thổ không thuộc sự kiểm soát của Nhật Bản.

Dựa trên nền tảng "thân Mỹ", ông Kishida khả năng cao sẽ tiếp tục triển khai các hợp đồng vũ khí chiến lược như mua 147 chiếc F-35 và sắp tới là 500 tên lửa Tomahawk, máy bay trực thăng Osprey, từ đó mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Washington.

Từ đó, Tokyo sẽ sớm lồng ghép các cuộc vận động nhằm "thúc ép Mỹ" nới lỏng các giới hạn mà chính quyền Biden vẫn đang áp đặt cho Nhật Bản. Điển hình nhất trong đó là chính sách hạn chế xuất khẩu cho Nhật Bản các loại vũ khí tấn công tầm xa. Mỹ đang cân nhắc cho phép xuất khẩu tên lửa Tomahawk có tầm bắn 1.250km dù trước đó từng nhiều lần không phê duyệt, cũng như hạn chế Tokyo sở hữu các loại tên lửa có khả năng đất - đối - đất/tấn công vào lãnh thổ đối phương.

Nhìn chung, Thủ tướng Kishida dường như đã có sự chuẩn bị đầy đủ với một thế trận "vành nan hoa anh đào" trong tương tác với các nước châu Âu và Bắc Mỹ.

Một nền tảng tự lực giữa các nước đồng minh của Mỹ nhưng giảm thiểu ảnh hưởng từ Mỹ đang được Nhật Bản củng cố một cách khéo léo, định hình một xu hướng gắn kết mới cần thiết trong bối cảnh thế giới vẫn chưa thoát khỏi các di sản mang tính phân cực sâu sắc từ cuộc chiến Nga - Ukraine.

LỤC MINH TUẤN

Chuyến công du của ông Kishida: Những mong muốn từ Nhật BảnChuyến công du của ông Kishida: Những mong muốn từ Nhật Bản

TTO - Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ thăm 5 nước Đông Nam Á và châu Âu trong chuyến công du 8 ngày, bắt đầu từ 29-4, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều diễn biến khó lường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp