Một góc cảng Kyauk Pyu hiện nay - Ảnh: Reuters
Myanmar mới đây đã gia nhập danh sách các quốc gia cân nhắc lại việc vay vốn từ Trung Quốc.
Dự án cảng biển nước sâu Kyauk Pyu trị giá 7,3 tỉ USD, vốn từng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt ở bang bất ổn Rakhine, nay đang trở thành hồi chuông báo động chính quyền Naypyidaw sau các bài học cảnh tỉnh ở Sri Lanka và Pakistan.
Lo nợ ngập đầu
Kyauk Pyu là điểm khởi đầu cho một đường ống dài 770km dẫn dầu và khí tự nhiên về tỉnh Vân Nam của Trung Quốc - một lộ trình mới vận chuyển năng lượng nhập khẩu từ Trung Đông hoàn hảo, tránh được eo biển chiến lược nhưng dễ bị phong tỏa Malacca.
Theo kế hoạch ban đầu, Kyauk Pyu sẽ kiêm luôn chức năng của một cảng container để cạnh tranh với các cảng tại Manila của Philippines hoặc Valencia của Tây Ban Nha.
Tổng giá trị các công trình xây dựng tại dự án cộng thêm một đặc khu kinh tế gần đó dự kiến ngốn khoảng 10 tỉ USD.
Một khu công nghiệp trị giá 4,2 tỉ USD cũng được lên kế hoạch để thu hút các ngành công nghiệp lọc dầu và dệt may. Tất cả được kỳ vọng sẽ bắt đầu vào năm 2018, nhưng đến nay mọi thứ vẫn đang giậm chân tại chỗ.
Thứ trưởng Tài chính Myanmar Set Aung xác nhận quy mô dự án cảng Kyauk Pyu đã được thu hẹp đáng kể cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của Myanmar, giảm 6 tỉ USD so với kế hoạch ban đầu, xuống còn 1,3 tỉ USD.
"Thỏa thuận mới sẽ đảm bảo rằng tất cả các khoản nợ vay đều không đổ lên đầu Chính phủ Myanmar, thay vào đó là tư nhân. Ưu tiên hiện tại của tôi là đảm bảo chính phủ sẽ không có thêm bất kỳ gánh nặng nợ nần nào nữa" - ông Set Aung nhấn mạnh với hãng tin Reuters.
Các quan chức Myanmar khẳng định CITIC, tập đoàn nhà nước Trung Quốc, nhà thầu chính của dự án, đã đồng ý với thỏa thuận mới nhưng chưa ký kết. Tiến độ của dự án cũng có thể chậm lại vài tháng do Myanmar đang tìm thuê một công ty thứ ba tính toán lại chi phí.
Tuy nhiên, phía CITIC khẳng định họ không hề được báo về những việc này, nhấn mạnh 1,3 tỉ USD chỉ là số tiền cần thiết cho giai đoạn đầu tiên trong dự án bốn giai đoạn.
Doanh nghiệp Nhật sẽ nhảy vào BRI?
Phát biểu sau cuộc gặp tại Singapore ngày 2-8, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã nhất trí thành lập một ủy ban công - tư giữa hai nước để cùng thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng chung ở các quốc gia khác.
Hai bên cũng xem xét khả năng các tập đoàn xây dựng Nhật Bản sẽ tham gia các dự án trong sáng kiến của Trung Quốc.
Theo trang Nikkei Asian Review, chi tiết về khả năng này sẽ được thảo luận trong các cuộc họp cấp chuyên viên vào tháng 9 ở Bắc Kinh.
Hậu quả nhãn tiền
Các chuyên gia nhận định việc Sri Lanka chấp nhận cho Trung Quốc thuê một cảng chiến lược với thời hạn 99 năm để trả nợ các khoản vay từ Bắc Kinh đã khiến Myanmar thức tỉnh. Giới chức Myanmar lo sợ đất nước của họ có thể rơi vào cái bẫy nợ của Trung Quốc.
Trước Myanmar, chính quyền của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cũng đã ra lệnh xem xét lại một loạt dự án chục tỉ đô khác của Trung Quốc ở nước này.
Đây đều là các dự án nằm trong sáng kiến BRI của Trung Quốc. Những gập ghềnh gần đây ở Malaysia đã khiến Bắc Kinh lo ngại, song trên bình diện công khai Bắc Kinh vẫn lên tiếng ủng hộ chính phủ của ông Mahathir.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong chuyến thăm chính thức hai ngày tới Malaysia, ngày 1-8 đã nhấn mạnh rằng Bắc Kinh chấp nhận chuyện Kuala Lumpur đang đàm phán lại các thỏa thuận cơ sở hạ tầng đã ký giữa chính phủ tiền nhiệm của Malaysia với các tập đoàn nhà nước Trung Quốc.
"Đây là chuyện giữa các doanh nghiệp với nhau. Tôi hi vọng qua các cuộc đàm phán thân thiện và không thiên vị, chúng ta có thể sớm tìm thấy các giải pháp làm hài lòng tất cả các bên" - ngoại trưởng Trung Quốc giãi bày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận