Giá vàng liên tục "nhảy múa" trước quyết định bất ngờ của ECB về cắt giảm lãi suất - Ảnh: Reuters |
Đồng USD tăng giá và niềm lạc quan về nền kinh tế Mỹ của giới đầu tư đang thúc đẩy một đợt bán tháo vàng.
Reuters cho biết vàng giao ngay giảm 0,2% còn 1.258,30 USD/ounce, trước đó đã chạm mức thấp nhất từ ngày 10-6 với 1.256,90 USD/ounce. Trong tuần, vàng đã trượt giá 2% và thiết lập mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 30-5.
Vàng giao tháng 12-2014 trong các hợp đồng giao dịch khối lượng lớn trên sàn Comec New York Mercantile Exchange ngày 4-9 đã giảm 3,80 USD, khoảng 0,3%, còn 1.266,50 USD/ounce.
Quỹ tín dụng vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết lượng nắm giữ trong ngày 4-9 đã giảm 4,78 tấn còn 785,73 tấn - thiết lập mức giảm theo ngày lớn nhất kể từ giữa tháng 7-2014.
Trong ngày giao dịch 4-9, giá vàng liên tục "nhảy múa" trước quyết định bất ngờ của ECB về cắt giảm lãi suất, và công bố 2 chương trình mua trái phiếu bắt đầu từ tháng 10-2014.
Động thái chính sách quyết liệt trên phản ánh các quan chức châu Âu đang cực kỳ lo ngại về tình trạng lạm phát thấp trong thời gian gần đây, đe dọa làm tổn thương đến quá trình phục hồi nền kinh tế mong manh của khu vực này.
Đồng euro ngày 5-9 tiếp tục mất giá và gánh chịu mức giảm theo ngày tồi tệ nhất trong gần 3 năm qua. Trước đó 1 ngày, euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 14 tháng - còn 1,2920 USD và gia tăng áp lực lên nguồn cầu vàng.
Trong khi đó, palladium ngày 4-9 ghi nhận mức tăng ấn tượng nhất trong vòng 90 ngày qua, do lo ngại căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine. Giá palladium tăng trở lại từ mức thấp nhất 2 tuần của ngày 3-9.
Hôm 4-9, Ngoại trưởng Nga nói tham vọng của Ukraine được gia nhập vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - đang gây nguy hiểm cho những nỗ lực hướng đến một lệnh ngừng bắn giữa Kiev và quân ly khai thân Nga ở Đông Âu.
Người đứng đầu bộ phận dân sự của NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết lực lượng của Nga tiếp tục gây bất ổn cho Ukraine, ngay cả khi các bên đang chuẩn bị đàm phán trong ngày 5-9 như một bước đầu hướng tới tiến trình hòa bình.
Một số nhà đầu tư lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt thương mại của phương Tây chống lại Nga - quốc gia sản xuất palladium lớn nhất thế giới, hoặc đòn trả đũa kiềm chế thương mại của điện Kremlin sẽ làm gián đoạn nguồn cung kim loại này ra thị trường.
Nga chiếm khoảng 40% nguồn cung palladium toàn cầu, và phần lớn palladium được sử dụng trong các bộ lọc khí thải thuộc ngành công nghiệp ôtô.
Các hợp đồng giao dịch khối lượng lớn palladium kỳ hạn tháng 12-2014 trên sàn Nymex tăng 15,05 USD, khoảng 1,7%, lên 891 USD/ounce.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận