21/06/2018 13:33 GMT+7

Vàng - thau trong thế giới hàng xách tay

HỒNG PHƯƠNG
HỒNG PHƯƠNG

TTO - Nhiều khách hàng thích mua hàng xách tay do giá bán rẻ hơn hàng nhập khẩu vì được đưa vào Việt Nam dưới danh nghĩa đồ dùng cá nhân, không phải đóng thuế. Nhưng khi nhận hàng, nhiều người mua lắm phen dở khóc dở cười.

Vàng - thau trong thế giới hàng xách tay - Ảnh 1.

Một cửa hàng hàng xách tay trên đường Trường Sơn, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vừa có văn bản khẩn chỉ đạo các bộ Tài chính, Công thương, Công an, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường quản lý đối với trước tình trạng quá bát nháo của loại hàng này.

Nhưng từ trên mạng đến ngoài phố, đâu cũng nhan nhản hàng xách tay bán công khai.

Kỳ 1: Xách tay nhưng thứ gì cũng có

Ở chợ Tân Định (TP.HCM), vừa gửi xe, tôi đã được bà H., nhân viên giữ xe, sốt sắng chỉ nơi mua hàng xách tay (HXT) giá sỉ. Người này cầm điện thoại gọi ngay cho bà D., được quảng cáo là một trong những người buôn bán HXT lớn của chợ.

Ở đâu cũng có

HXT ở chỗ bà D. đủ chủng loại, từ thời trang như túi xách, giày dép, quần áo tới mỹ phẩm là nước hoa, son phấn, kem sữa dưỡng da hoặc hàng trăm loại thực phẩm chức năng đủ nhãn hiệu, đủ xuất xứ: Mỹ, Pháp, Úc, Nhật, Hàn... Đủ hết.

"Bên chị bán đa dạng các mặt hàng của Mỹ, Đức, Pháp... Nước nào cũng có. Em lấy sỉ thì chị lấy giá gốc cho em. Chẳng hạn một chai nước hoa trên mạng bán hơn 3 triệu đồng, chỗ chị chỉ bán 1,6 triệu đồng. Chị bán hàng chính hãng uy tín nhưng lời ít, chủ yếu nhờ số lượng" - bà D. tư vấn.

"Mua nhiêu cũng có" - bà cam đoan. Bà D. khẳng định mối hàng của bà là HXT xịn, chứ nhiều nơi HXT có pha trộn với hàng dỏm: cứ 5 chai nước hoa chính hãng sẽ biến thành 10 hay 15 chai khác, khách phải tinh tường mới biết được.

Còn tại chợ An Đông, chủ một cửa hàng chuyên bán HXT quảng cáo: "Ở đây toàn HXT xịn, giá cả bao em luôn. Hàng nước nào cũng có, Mỹ, Nga, Úc...".

Hỏi về hóa đơn mua hàng và làm sao mang được hàng xịn về, bà H., chủ cửa hàng, nhíu mày: "Bill (hóa đơn) gì ở đây? Mua của tui, biết của tui thôi, không cần biết ai hết.

Dưới tỉnh người ta mua hàng một lần mấy trăm triệu đồng, chỉ nhận hàng và lấy hóa đơn của cửa hàng thôi, chứ hóa đơn gốc đâu ra!". Bà cho biết doanh thu của cửa hàng trung bình đạt 200-300 triệu đồng/tháng.

Cửa hàng M trên đường Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM) chuyên bán chủ yếu là nhu yếu phẩm, bao gồm đồ ăn, sữa, bánh kẹo, xà phòng... Hàng được công khai bày trong tủ kính, để trên kệ, treo trên tường, ken dày giữa các lối đi...

Ở đây bán nhiều hàng xuất xứ từ Hàn Quốc. Thông tin về sản phẩm in trên vỏ hộp đều nhì nhằng tiếng Hàn, không có dòng nào bằng tiếng Việt.

Hàng xách tay rầm rộ trên mạng

Gõ từ khóa "hàng xách tay" trên mạng là tràn ngập kết quả, không thiếu thứ gì, giá cả đủ hết. Nếu các cửa hàng trên phố có nơi công khai, có nơi có chút kín đáo thì trên mạng lại chào bán công khai.

Tính sơ sơ thấy có đủ các loại hàng từ mỹ phẩm, túi xách thời trang, các thiết bị điện tử đến thực phẩm chức năng... của trên 120 quốc gia, trong đó các mặt hàng của Mỹ, Nhật, Đức, Hàn Quốc... được khách hàng ưa chuộng nhất.

Tất cả đều được bảo đảm là "hàng xịn, giá rẻ", "không đúng HXT có quyền trả lại", "dùng hàng thử rồi trả tiền"...Một trang tên "Hàng xách tay Mỹ, châu Âu..." cam kết bán với giá thấp hơn giá thị trường gần 20-40%.

Tại đây, túi xách nữ Michael Kors có giá 2-3 triệu đồng/cái tùy cỡ, tùy kiểu. Chủ nhân trang cung cấp hàng này tên T.T. khẳng định: "Muốn mua bao nhiêu cũng có. Chỉ cần đặt trước chậm nhất một tuần là có hàng".

HXT mà sao dễ dàng đem về nhiều vậy? Bà T.T. giảng giải: "Thật ra là hàng mình gửi vận chuyển từ các nước về, chớ ai đâu xách hoài cho? Gọi HXT cho oai thôi. Hàng xịn giá rẻ là được rồi".

Bà T. cho biết gia đình bà có người thân ở nước ngoài, chuyên canh các đợt giảm giá để mua hàng theo yêu cầu từ trong nước gửi qua rồi nhờ các dịch vụ vận chuyển đưa về Việt Nam.

Còn chủ trang "Hàng Mỹ xách tay - rẻ nhất" cho biết mình bán tại nhà trên đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Nơi này chỉ bán online, "bạn muốn mua hàng cứ đặt online, rồi sau đó đến nhà mình lấy" - người chủ nói.

Người này cam kết hàng của chị rẻ hơn hàng chính hãng mua qua đường chính thống khoảng 30%, nếu lấy số lượng hàng lớn sẽ giảm 50%. Khi tôi đề nghị đến trực tiếp xem hàng, chị này lập tức từ chối: "Không được, dạo này bên quản lý thị trường kiểm tra gắt lắm".

Hàng xách tay "3 không"

Theo ước đoán của những người am hiểu, hiện có trên 300.000 tài khoản Facebook chuyên kinh doanh HXT.HXT cũng được kinh doanh công khai qua các trang bán hàng trung gian như Lazada, Shopee...

Tại đây cũng bán đủ các mặt hàng, tuy nhiên khi so sánh giá tiền của sản phẩm so với một số trang bán hàng khác lại có sự chênh lệch khá lớn.

Trên trang bán hàng Shopee, loại sữa Pediasure Úc 850g với lời giới thiệu là HXT được bán với giá 745.000 đồng, trong khi tra khảo giá mặt hàng này tại trang "Chuyên hàng Úc xách tay" thì lại có giá lên đến 950.000 đồng.

Như vậy, cùng một mặt hàng với mác "HXT", giá cả có sự khác biệt đến hơn 200.000 đồng. Thật chẳng thể biết loại nào là vàng, loại nào là đá, đâu giả đâu thật.

Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, hầu hết HXT bán trên thị trường vi phạm quy định của pháp luật. Và HXT khi bán ra thị trường là hàng "3 không": không có hóa đơn chứng từ, không có thuế (trốn thuế), không được kiểm tra về chất lượng...

"Do vậy, những mặt hàng này có thể bị làm giả ngay từ nước ngoài hay trong nước, rồi gắn mác HXT để lừa khách hàng" - vị này nói.

Phần lớn là hàng trôi nổi

Quyết định 31/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định định mức hành lý được miễn thuế của người nhập cảnh có tổng trị giá không quá 10 triệu đồng.

Ngoài ra, những người thường xuyên xuất nhập cảnh không được hưởng định mức trên cho mỗi lần nhập cảnh, mà phải sau 90 ngày mới được tính một lần hưởng định mức miễn thuế.

Bên cạnh đó, các mặt hàng như mỹ phẩm, sữa, nước hoa, thực phẩm... cũng không nằm trong danh mục các mặt hàng định mức nêu trên.

Như vậy, HXT đúng nghĩa thật sự rất ít ỏi. Theo lãnh đạo Hải quan TP.HCM, HXT tràn ngập thị trường có xuất xứ như sau: do những người thường xuyên xuất nhập cảnh (phi công, tiếp viên, hướng dẫn viên du lịch...) xách tay về; hàng do những người sinh sống, học tập ở nước ngoài mua và gửi về nhưng số này rất ít, chừng 5%.

Số lượng lớn hơn là hàng được các công ty xuất nhập khẩu nhập về, sau đó bán ra thị trường dưới mác HXT.

Cuối cùng là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc được người bán gom về và rao bán dưới mác HXT.

Nguồn hàng này thường được rao bán với giá rẻ, thấp hơn cả giá gốc của nhà sản xuất và thường được giải thích với lý do gom được đợt hàng sale, hàng dùng thử hoặc hàng xuất dư...

Gặp hàng dỏm chẳng biết kêu vào đâu

Theo nhiều khách hàng, họ thích mua HXT do giá bán rẻ hơn hàng nhập khẩu vì được đưa vào Việt Nam dưới danh nghĩa đồ dùng cá nhân, không phải đóng thuế.

Tuy nhiên, khi nhận hàng, nhiều người mua lắm phen dở khóc dở cười vì chất lượng khác nhau một trời một vực.

"Tôi từng mua một cái điện thoại iPhone 8S được quảng cáo là HXT, rẻ hơn giá thị trường đến 8 triệu đồng. Nhưng sử dụng đúng 3 tháng là phải quăng luôn vì không thể sửa được. Giờ mới biết chỉ có hàng dỏm mới có mức giá chênh lệch như thế" - anh Lê Hoài Sơn, "fan" HXT, than thở.

Cẩn thận

TTO - 'Thần dược' không có nhãn mác, uống vô thì bị tiêu chảy, ăn gì xổ nấy, ngủ mê mệt huyết áp tăng, đầu óc không tỉnh táo... Và những viên 'thần dược' này đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội.

Kỳ tới: Muôn nẻo hàng xách tay

HỒNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp