Trong vài ngày gần đây, vàng trong nước đã liên tục tăng giá, có lúc giá vàng miếng SJC ở mức 52,9 triệu đồng/lượng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Vì sao như vậy? Các chuyên gia cảnh báo người dân thận trọng khi mua vàng thời điểm này do thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tăng 1,1 triệu đồng/lượng mỗi ngày
Giá vàng thế giới lẫn trong nước liên tục tăng trong những ngày qua, nhưng chỉ trong hai ngày 21 và 22-7 tăng đột biến tổng cộng 2,2 triệu đồng/lượng so với ngày 20-7, tương đương mức tăng 1,1 triệu đồng/lượng/ngày trong hai ngày gần đây.
Cụ thể, sau một thời gian dao động ở mức 1.810 USD/ounce, trong ngày 22-7 giá vàng thế giới đã vọt từ mức 1.820 USD/ounce lên 1.860 USD/ounce, kéo giá vàng trong nước tăng theo. Chỉ trong vòng một giờ từ thời điểm mở cửa hôm qua 22-7, các cửa hàng vàng đã thay đổi giá hàng chục lần, mức cao nhất lên 53 triệu đồng/lượng.
Dù đến cuối ngày, giá vàng thế giới giảm về mức 1.850 USD/ounce (tương đương 51,9 triệu đồng/lượng) nhưng giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mức 53,05 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới khoảng 1,15 triệu đồng/lượng.
Không chỉ vàng miếng, giá vàng nhẫn bốn số 9 SJC cũng tăng lên mức cao nhất là 52,05 triệu đồng/lượng, tăng hơn 1,06 triệu đồng/lượng so với cuối ngày trước đó. Tuy nhiên, khi giá vàng thế giới đảo chiều vào cuối ngày, giá vàng nhẫn bốn số 9 SJC giảm về mức 52 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá mua - bán vàng miếng trong ngày cũng giãn rộng, lên mức xấp xỉ 1 triệu đồng/lượng, gấp gần 3 lần so với mức vênh của những ngày trước đó. Với vàng nhẫn, mức chênh lên 800.000-900.000 đồng/lượng.
Thị trường sôi động trở lại
Việc giá vàng tăng quá mạnh trong hai ngày gần đây khiến thị trường bắt đầu có dấu hiệu sôi động trở lại. Theo ghi nhận tại Công ty SJC vào sáng 22-7, lượng người đến giao dịch có tăng lên, kể cả người bán lẫn người mua vàng. Tuy nhiên, lượng giao dịch đa số là nhỏ lẻ, không có cảnh xách cả bao tiền đi mua vàng như những đợt sốt giá vàng 9-10 năm trước.
Trong khi đó, ghi nhận tại các cửa hàng vàng ở Hà Nội cho thấy khách giao dịch không nhiều, chủ yếu đến tham khảo diễn biến giá vàng. Bà Nguyễn Thị Ngân (Phan Kế Bính, Hà Nội) cho biết vẫn chưa bán 2 lượng vàng được cất giữ vài năm nay vì hi vọng giá có thể lên trong thời gian tới.
Anh Trần Văn Minh (Lê Văn Lương, Hà Nội) cho biết đang cần tiền để hoàn thiện căn hộ nên sẽ bán vàng trong tuần này, dù có tăng thêm hay không, do giá vàng được các cửa hàng mua vào cũng đã lên đến 52 triệu đồng/lượng - một mức giá khá cao.
Theo bà Nguyễn Luyến - phó giám đốc kinh doanh Công ty vàng Bảo Tín - Minh Châu, giao dịch vàng trong ngày 22-7 sôi động hơn, lượng khách mua bán nhiều hơn những ngày trước nhưng không đột biến, trong đó số khách mua vào chiếm 60-65% tổng lượng khách giao dịch. "Tuy nhiên, việc lướt sóng vàng tại thời điểm hiện nay sẽ gặp nhiều rủi ro do giá vàng đang đứng ở mức khá cao. Ngược lại, đây là cơ hội để bán vàng chốt lời" - bà Luyến nói.
Nhiều rủi ro nếu rót vốn vào vàng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng giá vàng thế giới bất ngờ tăng vọt có nguyên nhân từ việc Liên minh châu Âu (EU) công bố gói ngân sách và gói cứu trợ trị giá 1.800 tỉ EUR (tương đương 2.100 tỉ USD) nhằm bảo vệ các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch COVID-19. Việc các ngân hàng trung ương liên tục bơm tiền kích thích kinh tế đồng thời tăng mua vàng dự trữ đã kích hoạt giá vàng thế giới tăng phi mã.
Các quỹ đầu tư lớn cũng liên tục đổ vào vàng. Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, sau khi mua vào một số lượng lớn vàng trong năm 2019, các tổ chức tiếp tục đẩy mạnh mua vàng trong nửa đầu năm nay. Do vậy, dự báo về dài hạn giá vàng thế giới sẽ còn tăng và có khả năng vượt mức kỷ lục cũ là 1.900 USD/ounce.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, rất khó kiếm lời từ vàng lúc này do cách biệt giá mua - bán vàng lên đến 1 triệu đồng/lượng. Mặt khác, giá vàng trong nước cũng bị kìm bởi chính sách quản lý thị trường vàng khiến dòng vốn vào thị trường vàng yếu hơn rất nhiều so với năm 2010-2011. Ngân hàng không còn được huy động và cho vay vàng, nên giới đầu tư không thể sử dụng được đòn bẩy tài chính như trước.
"Có thể thấy rằng dù thị trường vàng sôi động chút ít trong ngày 22-7 nhưng giao dịch chỉ tăng so với hôm trước, tuần trước chứ không thể nào so với thời điểm năm 2011. Tôi cho rằng lịch sử sẽ không lặp lại. Người dân mua vàng lúc này chỉ có thể cất giữ chứ không gửi tiết kiệm được, vàng cũng không còn là phương tiện thanh toán phổ biến như mấy chục năm trước nên vàng tăng rất ít tác động đến kinh tế", ông Khánh nói.
Ông Trần Thanh Hải, chủ tịch HĐQT Công ty SJC Phú Thọ, cũng cho rằng thị trường vàng đã xuất hiện dấu hiệu rủi ro rất rõ trong ngày 22-7. "Lúc này mua vàng để lướt sóng hay đầu cơ đều không nên vì giá vàng đã ở mức quá cao. Hơn nữa, với mức chênh lệch giá mua - bán cả triệu đồng/lượng có nghĩa là rủi ro đã đẩy về phía người mua vì vừa mua xong đã lỗ ngay 1 triệu đồng/lượng", ông Hải cảnh báo.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, với giá vàng tăng phi mã những ngày gần đây, người dân thận trọng trước khi quyết định rót vốn vào vàng lúc này là điều cần thiết bởi chênh lệch giá mua - bán quá cao, người mua rất rủi ro vì mua cao bán thấp. "Các đơn vị kinh doanh vàng kéo giãn khoảng cách giữa giá mua - bán để phòng ngừa rủi ro, đẩy rủi ro về phía người mua nên giao dịch mua không nhiều là điều dễ hiểu", ông Long nói.
Giá USD vẫn "bình chân như vại"
Dù giá vàng trong nước tăng và chênh lệch đến 1 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới nhưng giá USD tại thị trường tự do vẫn bình lặng và thấp hơn cả giá bán USD tại ngân hàng. Theo báo giá của các tiệm vàng chiều 22-7, giá bán USD ở mức 23.190 đồng/USD, mua vào 23.140 đồng/USD. Trong khi đó, giá bán USD tại các ngân hàng cùng thời điểm phổ biến ở mức 23.270 đồng/USD, mua vào 23.060 đồng/USD.
Trước đây, ở những thời điểm chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới ở mức hấp dẫn, giá USD tại thị trường tự do thường tăng rất mạnh do giới kinh doanh gom USD để nhập vàng theo đường biên mậu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước đang quản chặt việc sản xuất vàng miếng tại Công ty SJC nên vàng lậu không có cửa biến thành vàng miếng. Trong khi nếu bán dưới dạng vàng nhẫn sẽ không có lời do giá vàng nhẫn ngang ngửa với giá vàng thế giới, nên giá USD tự do vẫn đứng im.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng (giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Đối tác mới):
Nên bán vàng để chốt lời
Dự báo về việc giá vàng thế giới quay lại cột mốc 1.900 USD/ounce mà các tổ chức tài chính đưa ra gần sắp thành hiện thực. Nguyên nhân là do đồng USD suy yếu, bất ổn địa chính trị, đặc biệt là căng thẳng Mỹ - Trung, nhiều quốc gia đồng loạt tung ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ. Các quỹ đầu tư gia tăng lượng dự trữ vàng, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng cường mua vàng dự trữ và trong vòng 5 tháng đã mua 150 tấn vàng.
Những yếu tố trên củng cố cho đà đi lên của giá vàng. Tại thị trường trong nước, người dân chủ yếu bán vàng chốt lời từ sau tết đến nay. Nhiều người bán ra khi vàng ở vùng giá 44 - 45 triệu đồng/lượng, tỉ lệ bán lên đến 70%, trong khi xu hướng mua chưa rõ ràng. Với người đang nắm giữ vàng lúc này, tôi cho rằng có thể bán ra một phần để hiện thực hóa lợi nhuận.
TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính ngân hàng):
Không tác động đến kinh tế Việt Nam
Việc giá vàng tăng trong thời gian qua không tác động đến nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm này. Vì chính sách chống vàng hóa của Ngân hàng Nhà nước đã có hiệu quả trong nhiều năm. Không có chuyện người dân ào ào đến mua vàng nên dù giá vàng lên nhưng không có hiện tượng đầu cơ, không tạo ra cơn sóng vàng.
Tuy nhiên, vàng là tài sản không sinh lời nhưng lại được tăng giá trị khi giá lên. Do đó, nếu bán ra thì nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận. Còn việc mua vào lúc này, các nhà đầu tư cần phải tính toán chặt chẽ về tỉ lệ lợi nhuận và không nên đầu tư vội vã. Bởi thị trường vàng có tính trồi sụt rất nhanh. Trong khi đó, mặc dù lãi suất tiền gửi ngân hàng đang có chiều hướng đi xuống nhưng vẫn là kênh đầu tư an toàn và có lãi trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận