21/01/2015 16:16 GMT+7

​Vấn vương cụ Cầu

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Hỉ, nộ, ái, ố - những cung bậc cảm xúc của đời đã đi vào không gian đêm nghệ thuật Xẩm và đời, lúc 20h ngày 20-1, Nhà hát lớn Hà Nội, đầy ngẫu hứng, tự nhiên, đắm say của thế hệ mới.

Khán giả được thưởng thức những điệu xẩm cổ trong đêm nghệ thuật Xẩm và đời - Ảnh: Đức Triết.
Khán giả được thưởng thức những điệu xẩm cổ trong đêm nghệ thuật Xẩm và đời - Ảnh: Đức Triết

Và, giữa tiếng nhị, nhịp sênh trong không gian phố cổ Hà Nội được tái hiện với tàu điện, gánh hoa cúc vàng tươi, những dãy phố lô xô hay quán café xẩm, thoảng đâu đây ta như nghe thấy bao nỗi vấn vương cụ Cầu!

Ngay lúc mới bước vào sảnh, một cụ bà tóc bạc phơ, run run níu tay con gái hỏi: “Hôm nay có nghệ nhân Cầu hát không”. Cô con gái dịu dàng mà rằng: “Cụ Cầu mất rồi mẹ ạ. Nhưng con nghe nói hôm nay con gái của cụ sẽ hát!”. Sững chân lại, cụ bà thảng thốt: “Thế sao!” .

Thế rồi, không gian đêm nghệ thuật mở ra trong những câu xẩm tàu điện- Lỡ bước sang ngang của NSƯT Thanh Ngoan, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đã làm xốn xang bao tâm hồn những người bà, người mẹ, người chị: “Em ơi! Em ở lại nhà/ Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương/Mẹ già một nắng hai sương/ Chị đi một bước trăm đường xót xa…

Cứ thế, người người vỗ tay đánh nhịp theo sênh - qua những Anh xẩm, Mục hạ vô nhân (xẩm chợ) , Nhị tình (xẩm huê tình), Quyết chí tu thân, Sướng khổ vì chồng, Cái trống cơm (xẩm phồn huê), Ba Bậc (xẩm Xoan Chênh boong lời cổ), Cô hàng nước, Giăng sáng vườn chè (xẩm tàu điện) của các nhóm xẩm Hà Thành và nghệ sĩ khách mời như NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Thúy Ngần, Mai Tuyết Hoa, Quang Long, Khương Cường, Ngọc Anh, Ngọc Tú, Ngọc Trinh, Xuân Tú, Tiến Đô. Cũng bởi, bao cái sự đời xưa nay được giãi bày trong từng câu hát xưa sao mà vẫn gần gũi với đời nay đến thế!

Rồi thì xẩm thập ân (bài Công cha ngãi mẹ sinh thành) vang lên trong cảm xúc rưng rưng của chủ nhóm xẩm Hà Thành- Mai Tuyết Hoa: “Lần đầu tổ chức, chúng tôi có cụ Hà Thị Cầu ra hát. Lần này, không kịp nữa khi cụ đã vắng bóng gần 2 năm. Và, chỉ hôm qua thôi, chúng tôi vừa đưa tiễn GS.TS.NGND Phạm Minh Khanh- người thầy đã dắt chúng tôi đến với xẩm để rồi nặng lòng trong suốt mấy chục năm qua…”.  Tuyết Hoa hát, những tiếng thầm thì: Bài tủ của cụ Cầu. Mà cô gái trẻ này nhả chữ giống cụ lắm. Cô ấy đã theo học 20 năm chỗ cụ Cầu. Trách  nào!...

Không chỉ thế, sau Tuyết Hoa, còn có cô bé Hồng Nga năm nay mới 14 tuổi cũng hát 5 câu Thập ân trong nỗi lo âu “phập phồng” lần đầu tiên được ra sân khấu lớn để biểu diễn. Nga hát với chất giọng khỏe, âm vực rộng và cũng rất phiêu như kiểu phiêu của cụ Cầu phần nào nhóm niềm tin cho người đời nay về mạch chảy của xẩm luôn âm ỉ, lắng sâu!

“Chị Mận kìa- con gái cụ Cầu đấy!”- Bà Việt năm nay 77 tuổi đi xe buýt từ Phú Xuyên về Hà Nội trong một đêm chỉ để nghe hát xẩm reo lên. Khán phòng cũng thế.

Và, chị Mận hát Theo Đảng trọn đời – lời hát do cụ Cầu soạn - sao mà hay, sao mà say, sao mà như hình, như bóng của cụ Cầu vậy!... “Chị, có bao giờ thấy chị hát đâu? Mà em còn nghe kể, ngày thanh niên, chị trốn nhà đi lên công trường làm công nhân vì không muốn theo mẹ hát?”- Gặp lại chị sau đêm diễn, tôi hỏi.

Chị Mận cười trong nước mắt: “Mẹ mất, thế là tự dưng lòng tôi bật ra câu hát và cứ thế hát thôi. Mà tôi không hát một mình đâu. Tôi còn dạy miễn phí các cháu nhỏ ở làng  vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Nghèo thì mình đã nghèo rồi. Nhưng khi được, mẹ để lại gia tài là câu hát thì mình phải biết gửi cho người đời neo giữ lấy…”

Dự kiến ban đầu của ban tổ chức là đêm nghệ thuật kéo dài chừng một tiếng. Thế nhưng phải quá  2 giờ chương trình mới khép lại. Vậy mà, khán giả đến chật kín cả ba tầng của Nhà hát lớn vẫn chùng chình chưa muốn rời bước, trước lời sẻ chia muôn nỗi của GS Hoàng Chương: “Mấy năm qua, các em (nhóm xẩm Hà Thành-PV) đã đi hát, lấy câu hát làm rung động mạnh thường quân (là các doanh nghiệp) để đến hôm nay được mạnh thường quân tài trợ thì mới có đêm xẩm thứ hai này…”

Cuộc chơi mới

Khán giả đến Nhà hát lớn còn chờ đợi trong nỗi bán tín, bán nghi trước “cuộc chơi” mới của xẩm với beatbox, hiphop, world music, nhạc điện tử được quảng bá từ trước. Để rồi, người người ồ- à chấp thuận: lạ, thú vị và hấp dẫn đấy khi thấy Hoa Đức Công nhảy hiphop điêu luyện trên nền nhạc xẩm, Minh Kiên làm beatbox sống động và Khương Cường thì vẫn có thể hát xẩm Dứa dại không gai; khi thấy Hà Linh, Khương Cường biến hóa câu hát xẩm Anh khóa hồi sinh dựa trên những chất liệu world music kết hợp cùng vũ đạo hiện đại.

Còn nhà thơ Vũ Quần Phương thì rỉ rả chuyện trò: “Cuộc chơi này là lần “trục vớt” con tàu cổ- xẩm- đắm chìm trong lòng đại dương mênh mông. Sau khi thấy và lau chùi để gìn giữ nhiều “cổ vật” quý- các điệu xẩm cổ- thì thế hệ mới đang tiếp tục phát huy bằng cách kết hợp với những tinh hoa của âm nhạc thế giới. Vậy, xẩm- hay vốn cổ đều thế cả- cần phải mở lòng ra để đi vào được đời sống hiện đại”.

Khán giả được thưởng thức những điệu xẩm cổ trong đêm nghệ thuật Xẩm và đời - Ảnh: Đức Triết.
Khán giả được thưởng thức những điệu xẩm cổ trong đêm nghệ thuật Xẩm và đời - Ảnh: Đức Triết.
Chị Mận- con gái nghệ nhân Hà Thị Cầu- hát đấy, sao mà như hình như bóng của cụ Cầu! - Ảnh: Đức Triết.
Chị Mận- con gái nghệ nhân Hà Thị Cầu- hát đấy, sao mà như hình như bóng của cụ Cầu! - Ảnh: Đức Triết
Cũng lạ và hấp dẫn đấy khi xẩm kết hợp với hiphop, beatbox (bài Dứa dại không gai) - Ảnh: Đức Triết.
Cũng lạ và hấp dẫn đấy khi xẩm kết hợp với hiphop, beatbox (bài Dứa dại không gai) - Ảnh: Đức Triết
ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp