Hiểm họa đang hiện diện trên từng chiếc bàn ăn của người Việt Nam. Tình trạng thực phẩm độc hại, thực phẩm thiếu an toàn, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh được sản xuất kinh doanh tiêu thụ tràn lan đang phát tán mạnh mẽ hiểm họa ấy.
Đã thành phổ biến, cây gì, con gì trồng được, nuôi được, chế biến được là người ta tẩm độc vào đó.
Và rồi gần một tháng nay cá chết trắng biển 4 tỉnh miền Trung dường như đã dồn người tiêu dùng đến bước đường cùng.
Hiểm họa đang có nguy cơ trở thành thảm họa khi môi trường tự nhiên cũng đã bị tẩm độc.
Người ta đang đặt ra một câu hỏi trực tiếp, thẳng thừng: liệu chúng ta cù cưa với hiểm họa đang trở thành thảm họa này tới bao giờ? Pháp luật đã có. Chính sách do Nhà nước xây dựng. Tiếng kêu ca, than vãn đã thống thiết nhiều năm nay.
Câu trả lời chỉ còn là ai làm và ai chịu trách nhiệm, đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác định trong hội nghị giao ban trực tuyến về an toàn thực phẩm có sự tham gia của bí thư, chủ tịch 63 tỉnh thành và các bộ ngành có trách nhiệm sáng 27-4-2016.
Ai làm, ai chịu trách nhiệm về tình trạng an toàn của bữa ăn hằng ngày cho người dân? Ở góc nhìn này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đề nghị quy trách nhiệm cụ thể của bí thư, chủ tịch từng địa phương. Đồng thời ông cho rằng cần phải huy động toàn dân vào cuộc.
Huy động toàn dân vào cuộc không phải là lời hô hào suông.
Cũng cần thấy rằng hiếm có một chủ trương “quốc gia đại sự” nào được người dân quan tâm, đồng thuận, kỳ vọng như chủ trương bảo đảm bữa ăn sạch cho người tiêu dùng.
Lòng dân đang là một cơ hội lớn, cũng là một nguồn lực mạnh mẽ để không chỉ xác lập lại trật tự trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm, mà còn là tiền đề để những nhà quản lý xây dựng tầm nhìn dài hạn tiến đến Việt Nam là một đất nước sạch.
Lòng dân cũng đang tạo ra một không gian tiếp thị thuận lợi để tiếp nhận những sản phẩm thực phẩm sạch, an toàn cho những nhà sản xuất kinh doanh chính trực, lương thiện.
Đây cũng là một thời cơ lớn để các nhà đầu tư, các nhà sản xuất kinh doanh hướng trọng tâm tái cơ cấu kinh tế vào một nền nông nghiệp sạch, làm cho nó trở thành một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như lời khuyên của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.
Lòng dân cũng đang là một áp lực đòi hỏi thể chế hoạt động hiệu quả, chịu trách nhiệm rõ ràng, hành động quyết liệt, đến nơi đến chốn.
Để việc huy động toàn dân vào cuộc, Nhà nước còn cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tích cực tham gia phát hiện, giải quyết và giám sát vấn đề từ cơ sở.
Một mạng lưới xã hội tích cực hành động ngăn chặn, sẵn sàng đấu tranh trước các vi phạm và quảng bá, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh, các sản phẩm an toàn, phát triển bền vững sẽ là một trụ cột vững vàng để cuộc chiến giữ gìn sự sạch sẽ không bị đánh trống bỏ dùi.
Từ chiếc bàn ăn hiểm họa của các gia đình, thay đổi cách tiếp cận như yêu cầu quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cuộc chiến chống thực phẩm độc hại, thực phẩm mất an toàn vệ sinh có thể là một cuộc vận động kiến tạo bữa ăn sạch, một nền nếp sạch sẽ của người Việt Nam.
Nói vận nước trên chiếc bàn ăn là như thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận