Phóng to |
Ảnh minh họa |
Mới sử dụng 23,5% vốn được giao
Chỉ trừ một vài huyện ngoại thành không bị áp lực tăng dân số, còn lại hầu như lãnh đạo UBND và Phòng GD-ĐT của quận - huyện nào cũng luôn đau đầu trước tình trạng thiếu chỗ học trong năm học mới. Bà Hoàng Thị Hồng Hải, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú, cho biết, sĩ số học sinh các bậc học phổ thông năm học 2005-2006 sẽ tăng trên 2.000 em, tương ứng với trên 50.000 dân nhập cư tăng lên từ khi tách quận.
Nhưng năm học mới, Tân Phú sẽ không có được một ngôi trường mới nào được đưa vào sử dụng. Cũng như năm học vừa qua, dự đoán năm nay trên 1.000 HS lớp 10 của Tân Phú vẫn lập lại tình trạng chạy tứ tán tìm chỗ học. Tương tự, hệ thống trường lớp cho giáo dục của quận Bình Tân vẫn khá nan giải trước tình hình tăng dân cơ học.
Phường Bình Hưng Hòa hầu như chưa có trường mầm non và trường tiểu học. 6/10 phường chưa có trường THCS, 4 phường còn lại tuy có trường nhưng chỉ đáp ứng được 32% cho số HS địa phương tại chỗ; các trường cấp 3 cũng chỉ đáp ứng được 31% con em nhân dân trong quận ở độ tuổi đến trường…
Hàng loạt địa phương như quận 8, 6, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp… cũng rơi vào tình trạng thiếu trường lớp khiến cho mong muốn giảm sĩ số lớp học không thể thực hiện được.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch-Đầu tư trong 4 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước chỉ cấp phát hơn 163 tỉ đồng trên tổng số kế hoạch giao là 693,15 tỉ đồng, đạt 23,5% kế hoạch vốn được giao.
Tại cuộc họp giao ban tình hình thực hiện các công trình xây dựng, sửa chữa trường lớp, quy hoạch mạng lưới giáo dục đào tạo 5 tháng đầu năm 2005 vào ngày 17-6, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Thị Hữu Hòa, nhận định:
“Do chỉ có 11 quận - huyện có báo cáo tình hình sử dụng vốn TP phân cấp cho quận - huyện nên Sở KH-ĐT chưa thể tổng kết được. Tuy nhiên tiến độ cấp phát vốn cho thấy việc thực hiện các công trình xây dựng sửa chữa trường học như vậy là quá chậm”.
Nhiêu khê thủ tục đầu tư
Ý kiến từ phía các quận - huyện cho thấy, một trong những lý do quan trọng làm cho công trình chậm được thực hiện là các thủ tục đầu tư. Bà Đổng Thị Kim Vui, Chủ tịch UBND quận Tân Phú, than thở: “Các công trình trường học có tổng vốn trên 5 tỉ đồng đều phải được TP phê duyệt.
Nếu làm giỏi không phải trả đi trả về thì quy trình làm thủ tục cho một công trình phải mất tối thiểu 21 tháng. Chúng tôi đang bức xúc về chỗ học cho con em nhân dân nhưng vẫn cứ phải chờ xong thủ tục”.
Dẫn chứng nỗi khổ thủ tục đầu tư, đại diện Ban Quản lý dự án huyện Hóc Môn cho biết: Công trình Trường Đông Thạnh có thiết kế ban đầu là mái tôn, cột kèo nhưng sau đó lại bị ghi nhầm là mái ngói, phải tốn nhiều thời gian, công sức điều chỉnh lại. Công trình Trường Xuân Thới Thượng của Hóc Môn bị trượt giá lên 8 tỉ đồng, cũng phải điều chỉnh lại.
Ông nói: “Thoạt đầu tôi còn mạnh dạn hứa với lãnh đạo nhưng đến nay tôi không còn dám hứa thời gian nào hoàn thành ngôi trường nữa”. Công trình chậm sẽ phát sinh nhiều vướng mắc nhiêu khê mà hậu quả dễ thấy nhất là trượt giá, tăng mức dự toán so với ban đầu, phải làm lại dự án từ A đến Z.
Theo Sở KH-ĐT, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, UBND TP có chủ trương cho phép ngành GD thực hiện phương thức thi công ứng vốn nhưng rất ít nhà thầu chịu bỏ vốn thực hiện do thủ tục thanh quyết toán không hề đơn giản.
Đại diện Ban Quản lý dự án huyện Hóc Môn phân tích: “Theo quy định chỉ được thanh toán vốn sau 1 tháng quyết toán, nhưng trong 1 dự án có đến 3 gói thầu không đồng hành nên rất khó quyết toán cùng lúc. Đề nghị nên ứng vốn một phần khi công trình đạt 50% khối lượng xây dựng”.
Bên cạnh việc đẩy nhanh xây dựng các công trình, thì cách giải quyết tình trạng thiếu chỗ học căn cơ nhất vẫn là thực hiện mạng lưới quy hoạch trường lớp đến năm 2020 theo QĐ 02/2003/QĐ-UB của UBND TP.
Theo Sở KH-ĐT, tiến độ thực hiện quyết định này quá chậm vì cho đến nay, mới chỉ có 2 quận là Thủ Đức và Phú Nhuận đã trình được quy hoạch lên UBND TP, 6 quận đã thông qua Sở GD-ĐT, 16 quận - huyện còn lại vẫn còn đang thực hiện.
Thế nhưng, có đất xây trường không đồng nghĩa với việc giải tỏa được áp lực trường lớp bởi còn lệ thuộc khá nhiều vào giải tỏa đền bù. Bà Thái Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, nêu bức xúc: “Đã có quy định buộc doanh nghiệp ô nhiễm phải di dời nhưng chúng tôi đã chờ nhiều năm. Nếu không có biện pháp giải quyết tích cực thì cho đến năm 2006 chúng tôi vẫn phải chờ”.
Không riêng Phú Nhuận, nhiều quận như quận 4, quận 8, quận 11, Tân Phú cũng đang gặp tình trạng vị trí quy hoạch trường học là những doanh nghiệp của trung ương đóng trên địa bàn không dễ dàng thu hồi đất. Trong khi lãnh đạo các quận - huyện luôn phải đối diện với bức xúc của người dân về áp lực trường lớp.
Đại diện quận 8 khẳng định: Khâu giải tỏa đền bù là bức thiết nhất vì không giải tỏa được làm sao xây! Đặc biệt, ở những công trình công cộng càng khó khăn hơn, giá đền bù không sao bằng giá của thị trường. Chưa kể, đền bù chậm là số lượng dân tăng gấp 2-3 lần so với trước khi lập dự toán dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận