Câu chuyện buồn bã của chủ tịch FIFA Sepp Blatter và của FIFA... Ảnh: Reuters |
Thế nhưng, như mọi định chế khác trên thế gian này, FIFA cũng không đứng ngoài vòng xoáy của lòng tham quyền lực và tiền bạc, hai tội nghiệt nguyên thủy của loài người.
“Bi kịch FIFA”, có thể gọi như thế thay vì gọi là bi kịch của FIFA, khi mà cái thòng lọng pháp luật đã siết đến tận cổ người lãnh đạo cao nhất tổ chức này. Tất nhiên, nổ ra trong thời điểm này có thể nhằm những mục tiêu chính trị nào đó, song không thể bịt kín mãi được.
Những khai báo đầu tiên của những nhân vật từng lãnh đạo tổ chức này như Chuck Blazer về những món hối lộ đã nhận từ việc bầu chọn Cúp bóng đá thế giới năm 1998 là những bằng chứng đầu tiên của “bi kịch FIFA”.
Tất nhiên “bi kịch FIFA” không chỉ là riêng của FIFA, thực thể mang tính lành mạnh, thậm chí lý tưởng là môn bóng đá, mà còn là của các định chế, tổ chức cũng như của mọi thực thể mang tính lý tưởng khác.
Có thể đó là y tế, giáo dục, xây dựng... thậm chí cả quốc phòng vốn được xem là thiêng liêng tối thượng của một quốc gia, dân tộc! Một bệnh viện, một trường học, một cây cầu, một sân vận động, một trụ sở, một sân bay, thậm chí một phi đội máy bay nhập khẩu... ở mặt này của tấm mề đay là những gì tốt lành, cao quý vì liên quan đến phúc lợi xã hội hay sự tồn vong của đất nước, song cũng có thể có một mặt khác của tấm mề đay ấy.
Một viên thuốc trúng thầu cũng có thể là một vật tham nhũng! “Cẩm nang hướng dẫn chống tham nhũng trong việc mua sắm công và trong quản lý tài chính công nhằm đáp ứng điều 9 Công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc” (UNODC, 9/2013) chỉ rõ: “Các nghiên cứu khác nhau gợi ý rằng bình quân từ 10 đến 25% giá trị của một hợp đồng có thể bị mất do tham nhũng. Áp tỉ lệ này vào tổng chi của một chính phủ cho các hợp đồng mua sắm công, rõ ràng mỗi năm hàng trăm tỉ đôla có thể bị mất do tham nhũng trong mua sắm công”.
Mua sắm vũ khí để bảo vệ tổ quốc là thiêng liêng đến thế nhưng cũng không thoát khỏi vòng xoáy tham nhũng. SIPRI, tổ chức chuyên theo dõi binh bị toàn cầu có trụ sở ở Thụy Điển, trong báo cáo “Tại sao việc mua sắm vũ khí lại trở thành sai trái?”, nêu ra 13 trường hợp mua sắm bị quy kết tham nhũng gần đây.
Trường hợp thứ 13 là của Ấn Độ: “Năm 2005, Cơ quan chống tham nhũng trung ương (CBI) đã điều tra 47 vụ mua vũ khí. Đáng kể nhất là hợp đồng trị giá 269 triệu USD ký kết năm 2000 với Tập đoàn Israel Aircraft Industries (IAI) mua các hệ thống tên lửa đất đối không hiệu Rafael. Bộ trưởng quốc phòng vào thời đó là George Fernandes, tư lệnh hải quân Sushil Kamar và Jaya Jaitley (chủ tịch đảng của bộ trưởng Fernandes) đã bị cáo buộc nhận hối lộ”.
Ngay cả chính phủ một nước vào hàng ngũ “sạch” như Canada (hạng 10/175) cũng bị quốc hội nêu vấn đề khai man giá khi đặt mua máy bay F-35 của Mỹ với chi phí “trọn đời” (gồm cả việc duy tu, nâng cấp...) từ 16,5 đến 18,6 tỉ USD, song ủy ban ngân sách của quốc hội nước này tính ra rằng chi phí đó thật sự lên đến 29,3 tỉ USD.
Câu chuyện buồn bã của chủ tịch FIFA Sepp Blatter và của FIFA không chỉ là một tin tò mò mà là một nốt lặng đáng suy ngẫm về tính mong manh của những gì ngỡ là lành mạnh nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận