02/07/2019 07:20 GMT+7

Vấn nạn rác quảng cáo: Giải quyết đâu có khó!

MINH VŨ (TP.HCM)
MINH VŨ (TP.HCM)

TTO - Từ việc xử lý nghiêm việc rải tờ rơi trên đường phố ở Huế, hai bạn đọc đã gửi ý kiến của mình cho báo Tuổi Trẻ về giải quyết vấn nạn rác quảng cáo ở TP.HCM.

Vấn nạn rác quảng cáo: Giải quyết đâu có khó! - Ảnh 1.

Phát tờ rơi quảng cáo trên đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: NGUYỆT NHI

Mới đây, cơ quan chức năng ở TP Huế (Thừa Thiên Huế) đã ra quyết định xử phạt hơn 15 triệu đồng đối với một nhóm người rải tờ rơi quảng cáo cho vay trên đường phố. Đáng hoan nghênh là vụ việc trên được chính người dân dùng điện thoại quay video clip gửi cho cơ quan chức năng. 

Trước đó, hình ảnh một số người đốt vàng mã rải xuống sông Hương cũng được người dân dùng điện thoại ghi lại. 

Các cơ quan chức năng của TP Huế đã ban hành nhiều văn bản nhằm lập lại trật tự mỹ quan đô thị bằng việc vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh. Cán bộ công chức cũng không đứng ngoài cuộc khi cơ quan, công sở không dùng nước uống trong chai nhựa sử dụng một lần, không dùng túi nilông, khăn lau một lần trong hội họp.

Trở lại với việc phạt nặng nhóm người rải tờ rơi quảng cáo, cho thấy việc xử lý nghiêm là để hình ảnh cố đô đẹp hơn trong mắt người dân và du khách. Việc kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trật tự mỹ quan đô thị của TP Huế rất đáng hoan nghênh và để các địa phương khác làm theo.

Tại TP.HCM trong nhiều năm qua, chính quyền và cơ quan chức năng rất "đau đầu" với các hành vi vi phạm trật tự mỹ quan đô thị, trong đó có nạn rác quảng cáo. 

Đã có nhiều đợt ra quân dọn dẹp loại rác này nhưng rồi đâu lại hoàn đấy. Việc xử lý được ví như "bắt cóc bỏ đĩa", tờ rơi quảng cáo này vừa lột xuống, tờ khác lại chồng lên như là một hành động thách thức. 

Nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM với hơn chục triệu dân, trong đó có hơn phân nửa là dân nhập cư, nên việc xử lý rác quảng cáo phức tạp hơn ở các tỉnh thành khác. Vả lại, hành vi "xả rác" quảng cáo thường diễn ra vào ban đêm nên rất khó bắt quả tang, xử lý. 

Thế nhưng, vẫn có các hành vi mỗi ngày diễn ra trước mặt mọi người như phát tờ rơi quảng cáo tại các ngã ba, ngã tư hay trong các hẻm phố, vẫn có thể "bắt tận tay, day tận mặt" và xử lý rốt ráo được. Thiển nghĩ, không có gì là không làm được, nếu chính quyền và cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền vận động và xử lý quyết liệt.

Được biết, TP Nha Trang cũng là địa phương từng "đau đầu" với rác quảng cáo. Thế nhưng trong vài năm trở lại đây, mỗi khi có dịp đi du lịch TP Nha Trang, nhiều du khách như tôi thấy trên các đường phố, con hẻm khá sạch sẽ và vắng bóng rác quảng cáo. Để làm được điều đó, chính quyền đã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn trật tự mỹ quan đô thị, giữ gìn vẻ đẹp của thành phố du lịch.

Nghị định 28/2017/NĐ-CP đã có những điều khoản quy định và chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm mỹ quan, trật tự an toàn giao thông. 

Theo đó, "phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội...". 

Đã đến lúc cơ quan chức năng TP.HCM phải quyết liệt đối với rác quảng cáo vì một thành phố văn minh, hiện đại. Hơn thế, chúng ta đang tiến tới xây dựng một đô thị thông minh thì càng không thể "đầu hàng" với rác quảng cáo.

Lời nhắc từ cộng đồng

Nhân câu chuyện ghi hình và xử phạt người phát tờ rơi ở Huế, một lần nữa chúng ta hãy thử nhìn về nghề phát tờ rơi và những phiền phức từ việc phát tờ rơi ngoài đường.

Tôi không ác cảm với những người này, ngược lại, với tôi đó là nghề đàng hoàng. Xã hội cũng đang thật sự cần dịch vụ phát tờ rơi. Dạo một vòng trên mạng sẽ tìm được rất nhiều thông tin từ việc in tờ rơi giá rẻ nhất đến phát tờ rơi uy tín nhất, rất nhiều quảng cáo tìm người phát tờ rơi và tự quảng cáo dịch vụ phát tờ rơi.

Nghề phát tờ rơi được nâng chất hơn khi có nhiều công ty chuyên làm dịch vụ này. Nhân viên ở đây được tập huấn, có đồng phục, nhiều khi còn yêu cầu ngoại hình đẹp, giao tiếp tốt...

Thế nhưng, những tờ rơi rồi thành rác bôi bẩn đường phố, người phát tờ rơi làm phiền người đi đường, cản trở giao thông... vẫn là thực tế xấu ở mọi lúc mọi nơi. Những tờ rơi cứ chìa trước mặt người đi đường, kẹp vào xe máy, gắn hờ lên kính ôtô.

Người phát tờ rơi lạnh lùng không nói cười, có khi còn đeo kính đen và bịt khẩu trang kín mít mặt mũi. Không cần biết người nhận có muốn nhận tờ rơi hay không, có vẻ như họ phát cho hết xấp tờ rơi trên tay càng nhanh càng tốt. Những tờ rơi không có mấy ai đọc mà đa phần bị vứt lại thành rác trên đường ngay sau đó.

Đây là một thực tế ai cũng thấy. Vậy tại sao vẫn cứ mang tờ rơi phát vô tội vạ ngoài đường? Thiết nghĩ mỗi người đi phát tờ rơi, mỗi đơn vị quảng cáo bằng hình thức này cần lưu tâm hơn nữa chuyện ứng xử với người nhận tờ rơi và cả ứng xử với môi trường.

Người dân Huế đã quay cảnh người rải tờ rơi ngoài đường, đó là sự lên tiếng từ cộng đồng về hành vi phản cảm khi rải tờ rơi thành rác trên đường. Hoan nghênh TP Huế đã xử lý nhanh, phạt theo quy định. Đó là lời nhắc chung cho cộng đồng.

Qua chuyện này, tôi cũng góp lời bày tỏ mong muốn người phát tờ rơi cần chuyên nghiệp hơn, văn minh hơn. Có như vậy, xã hội mới có thiện cảm hơn với từng tờ rơi được gửi và nhận một cách có văn hóa nhất. (NAM GIAO)

Rải tờ rơi cho vay tiền giữa đường, 3 người bị phạt hơn 15 triệu

TTO - Cơ quan công an vừa xử phạt hơn 15 triệu đồng nhóm người vừa chạy xe máy vừa rải tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay tiền trên nhiều tuyến đường ở TP Huế.

MINH VŨ (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp