Lấy hết khả năng kiên nhẫn, tôi cố gắng chép ra đây nguyên văn một đoạn tả cô giáo (sách lớp 5): “Cái mũi dọc dừa thanh tú trông đã tây tây, lại cộng thêm đôi mắt to và hơi sâu nữa nhìn chẳng khác nào một cô gái Tây, đẹp và sắc sảo", "Đôi mắt ấy biết nói, biết xoa dịu, vỗ về, biết khơi dậy niềm vui, biết hướng chúng tôi đến với những ước mơ, hoài bão, đến với cái thiện cái mỹ của cuộc đời". Thật ngô nghê và sáo rỗng!
Trong cuốn văn mẫu lớp 9, có những bài bình luận mà viết như văn chứng minh, nghèo lý lẽ mà lỗi nặng nhất là ở phần diễn đạt. Hầu như trang nào tôi cũng bắt gặp những hạt sạn. "Tóm lại nghệ thuật tả cảnh của Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã rất chủ quan. Chủ quan về bối cảnh, về màu sắc... Thêm vào đó tác giả đã dùng nghệ thuật phóng khoáng, hàm súc và mang nhiều sắc thái dân tộc”.Lần đầu tiên tôi biết đến thuật ngữ “nghệ thuật tả cảnh chủ quan” và “nghệ thuật phóng khoáng”... (!?).
Bài làm đề 51: “Hình ảnh bà Tú trong bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương” là điển hình cho lối suy diễn, áp đặt, lấy cái cá biệt làm cái phổ biến, ca ngợi người này bằng cách hạ thấp người kia: “Đã là một thời - nhưng thời đó xa lắm rồi - các ông chồng nho sĩ chỉ việc nằm dài, dùi mài kinh sử để chờ ngày đỗ đạt làm quan, còn bao nhiêu công việc, mưu sinh trong gia đình đều phó mặc trong tay người vợ. Không những đầy đủ, người vợ nhiều khi còn phải lo tiền cho chồng ăn chơi đánh bài, đánh bạc, vui thú với bạn bè, nhiều khi chịu cực nhọc, cay đắng buôn sông bán chợ, chân lấm tay bùn (...)”.
Thực tình tôi không đủ sức kể hết ra đây những gì tôi thấy cần phải kể. Càng đọc càng thấy buồn vì sự cẩu thả của người viết sách. Chao ôi, cái gọi là “khuôn mẫu” mà như vậy ư? Những bài văn như thế gieo vào đầu học sinh những gì?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận