09/12/2024 11:14 GMT+7

Vẫn không nhận ra tội ác sau khi truy sát, giết chết vợ chồng em họ

Hung thủ bao biện cho việc truy sát, giết vợ chồng em họ và đâm trọng thương hai người cháu gọi mình bằng bác với lý do "trả thù cho bà nội". Đến cuối cùng, bị cáo vẫn không nhận ra tội ác của mình.

Không nhận ra mình ác - Ảnh 1.

Người nhà nạn nhân tham gia phiên tòa không đòi bồi thường gì - Ảnh: TRẦN MAI

6 tháng từ ngày vụ án chấn động dư luận cả nước xảy ra khi cha mẹ bị đâm chết, hai con nhỏ bị thương nặng, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đưa vụ án ra xét xử. Cáo trạng đọc như gợi lại nỗi đau, bà ngoại hai cháu nhỏ cúi mặt khóc nức nở...

Linh hồn “ác quỷ”

Cáo trạng đọc xong, cả phiên tòa lặng thinh, chẳng ai nói được lời nào. Thẩm phán Nguyễn Văn Năm với sự dày dạn đã đặt câu hỏi "Tội ác ghê rợn trong bản cáo trạng được công bố, có đúng không bị cáo?".

Bị cáo Lê Đình Thuyết (57 tuổi, trú huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) thừa nhận cáo trạng hoàn toàn đúng. "Con vợ mở cửa ra là tôi giết, xong tôi đuổi giết thằng chồng, rồi quay vào nhà đâm hai đứa nhỏ. Tôi không đủ sức, chứ đủ sức tôi giết hết lũ chúng nó", Thuyết lạnh lùng trả lời.

Phía dưới, những người dự phiên xử là xóm làng, họ hàng của bị hại sởn gai ốc. Họ ồ lên và nhận ra kể từ khi ra tay truy sát cả nhà em họ đến giờ, chưa khi nào hung thủ cảm thấy hối hận với tội lỗi mình gây ra.

Để bao biện cho mình, bị cáo liên tục đổ lỗi nguyên nhân xảy ra tội ác là do "ông chú tôi gây ra" (cha bị hại, đã mất). "Chính ông chú tôi đã cướp đất của bà nội tôi, nên tôi mới báo thù, rửa hận cho bà".

Không chịu được những lời biện bạch của cái ác, thẩm phán Lê Thị Mỹ Giang yêu cầu dừng và nói như hét rằng: "Bà nội nào nói bị cáo giết người. Ai cho bị cáo cái quyền tước đoạt mạng sống của người khác. Chị Ph. mới về làm dâu biết gì chuyện mấy chục năm trước, hai cháu bé có tội tình gì mà bị cáo nhẫn tâm ra tay. Hai đứa nhỏ gọi bị cáo là bác kia mà".

Bà Nhạn (bà ngoại hai cháu bé, mẹ ruột của bị hại) giàn giụa nước mắt, úp mặt xuống chiếc bàn dành cho bị hại. Ông Nhi (ông ngoại hai cháu) cố trấn an vợ dù chính ông nước mắt cũng chực trào.

Bị cáo có cuộc đời rất buồn, năm 1972 mẹ mất, cha có vợ khác, ba anh em bị cáo mỗi người mỗi nơi. Năm 1973 bà nội dẫn Thuyết rời quê nhà Quảng Ngãi vào Bà Rịa - Vũng Tàu sinh sống, để lại mảnh đất cho ông Lê Hồng Tịnh (cha bị hại) canh tác.

Cuộc sống khó khăn, năm 1992 bà nội Thuyết về quê xin con trai lại một phần đất để làm nhà ở. Thực tế bà đã dựng nhà, nhưng một đêm nhà cháy, dù chẳng biết nguyên nhân nhưng nghi ngờ đổ dồn về phía ông Tịnh. Bà nội Thuyết vào lại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Nhi bảo rằng sáng nay đi dự tòa, phải nói dối hai cháu là "ông bà đi có công việc". Sự lạnh lùng của hung thủ khiến ông không chịu nổi, bước ra hành lang, ông lấy tay bịt kín mặt rồi nói: "Đời nó buồn vậy, cũng mồ côi, sao nó lại tàn nhẫn đẩy hai cháu tôi vào cảnh mồ côi".

Tội ác được nuôi dưỡng từ lòng thù hận

Không nhận ra mình ác - Ảnh 2.

Bị cáo Lê Đình Thuyết tại phiên tòa - Ảnh: TRẦN MAI

Suốt phiên xử, bị cáo không chút hối hận, chỉ duy nhất khoảnh khắc bị tòa hỏi hai đứa cháu gọi bị cáo bằng bác có tội tình gì mà cố giết, giờ hai đứa mãi mãi mồ côi, đã xao động tâm can Thuyết. Có lẽ Thuyết nghĩ về cuộc đời côi cút của mình đã trải qua.

Khoảnh khắc hiếm hoi ấy, lần đầu tiên bị cáo nói "tôi thấy tàn nhẫn chứ" khi tòa hỏi "bị cáo có thấy oán thù mà ra tay như vậy là tàn độc không?".

Nhưng rồi bị cáo vẫn đổ lỗi "Tha thì tha hết, giết thì giết hết. Tôi giết vì báo thù cho bà nội tôi. Vì chúng nó cướp đất, khiến bà nội tôi chết không nhắm mắt".

Đến lúc này, chính luật sư bào chữa cho Thuyết cũng không biết nói lời gì để bào chữa. Vị luật sư trầm ngâm một lúc rồi thống nhất với đề nghị của viện kiểm sát là tử hình bị cáo vì tội giết người.

Tự bào chữa, bị cáo Thuyết cho rằng "Tội của tôi là tội giết người, nhưng tử hình là quá đáng. Tôi giết người báo thù chứ không phải giết người cướp của, có lợi gì cho mình đâu. Đề nghị tòa xem xét lại".

Khi tòa hỏi nhân chứng và người có quyền nghĩa vụ liên quan, phần lớn đều lên án tội ác của Thuyết. Chỉ một vài người thân của bị cáo dù thừa nhận Thuyết "làm vậy là không đúng", nhưng vẫn cho rằng vì tranh chấp đất đai mấy chục năm trước mới xảy ra cớ sự này.

Chủ tọa cho rằng tội ác của bị cáo phần nào đó đã được nuôi dưỡng trong môi trường thù hận. Chính những lời "độc hại" tiêm vào đầu bị cáo như "nhà bà nội bị ông Tịnh đốt" dù chẳng có bằng chứng; cũng chẳng ai can ngăn, phân tích cho bị cáo hiểu.

Cũng không ai nói cho bị cáo biết rằng báo thù, giết người là sai. Dù không ai tiếp tay nhưng cách nghĩ đã khơi dậy lòng thù hận để dẫn tới tội ác.

Chủ tọa phân tích cho bị cáo thấy rằng đáng ra khi bà nội còn sống, nếu yêu thương bà thì lo làm lụng phụng dưỡng bà. Dẫu chẳng giàu có nhưng còn sức khỏe đủ nuôi sống mình và sống một đời bình thường.

Bị cáo vẫn chẳng nhận sai, vẫn khăng khăng "có thù phải báo". Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại "khó chịu" khi hung thủ không ăn năn, vẫn nghĩ bà nội bị mất đất nên báo thù là đúng.

Ông đã phát biểu: "Thưa chủ tọa, phiên tòa có đông người ngồi phía dưới, tôi muốn nói rõ như phổ biến pháp luật cho mọi người biết. Nếu có tranh chấp đất đai thì khiếu nại, khởi kiện để được giải quyết. Bị cáo đã lấy lý do này để bào chữa cho tội ác man rợ của mình là việc pháp luật nghiêm cấm...".

Đến phút sau cùng Thuyết vẫn không nhận ra mình sai và ác. Sau khi nghị án, tòa tuyên tử hình đối với bị cáo Lê Đình Thuyết vì tội giết người. Bởi bị cáo cố tình thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo không nhận thức được tội ác của mình, cần loại bỏ vĩnh viễn khỏi xã hội.

Phiên tòa kết thúc, ông Nhi và bà Nhạn mắt đỏ hoe. Họ chẳng đòi hỏi bồi thường thiệt hại, không bình luận đến tội ác của Thuyết. Chỉ là ông bà không hiểu tại sao tai họa lại ập đến khi con gái và cháu mình chẳng biết những chuyện của quá khứ ấy.

"Giờ hai cháu tôi mồ côi, mỗi lần nói nhớ cha mẹ, tôi với bả phải chở ra mộ. Đứa nhỏ cứ hỏi "sao ba mẹ nằm đây mà không về nhà ngủ với cháu?". Những lúc như vậy, tôi ước gì oán thù gì đó cứ đổ hết cho tôi, sao tàn độc với hai đứa nhỏ đến vậy", ông Nhi nói.

Buổi sáng kinh hoàng ở xóm nhỏ

Khoảng 6h sáng 19-6, một vụ án mạng kinh hoàng xảy ra tại đội 6, thôn 4, xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi. Lê Đình Thuyết ra tay đâm chết ông Lê Hồng T. (50 tuổi), bà Phạm Thị Ph. (42 tuổi), cùng trú thôn 4, xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi.

Không dừng lại, hung thủ quay vào nhà đâm cháu Lê Hồng Nh.Y. (6 tuổi), Lê Hồng Ch.Ng. (4 tuổi) nhiều nhát rồi lẩn trốn. May mắn hàng xóm phát hiện đưa hai cháu bé đi cấp cứu kịp thời.

Ngay sáng hôm đó, Thuyết bị công an và người dân phát hiện bắt giữ khi lẩn trốn trong vườn nhà bị hại.

Không nhận ra mình ác - Ảnh 3.Căng thẳng phiên tòa vụ 4 người trong gia đình đánh hàng xóm 'thừa sống thiếu chết' ở Củ Chi

Đến 19h ngày 18-11, phiên tòa xét xử vụ 4 người trong một gia đình đánh hàng xóm 'thừa sống thiếu chết' ở huyện Củ Chi mới kết thúc phần tranh luận căng thẳng giữa viện kiểm sát và các luật sư.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp