13/01/2024 06:18 GMT+7

Vẫn khóc khi nhớ lại 20 năm trước bị bắt cóc bên kia biên giới

HÀ THANH
và 1 tác giả khác

Đúng 20 năm trước, ba người phụ nữ ở khu vực biên giới đi chợ sắm Tết bị bắt cóc và lừa bán sang Trung Quốc. Họ đã vượt qua những ngày tháng đau thương, vươn lên trong cuộc sống.

20 năm kể từ ngày vợ bị lừa bán, người chồng luôn nắm tay vợ vượt qua khó khăn, gian khó - Ảnh: VŨ TUẤN

20 năm kể từ ngày vợ bị lừa bán, người chồng luôn nắm tay vợ vượt qua khó khăn, gian khó - Ảnh: VŨ TUẤN

Ký ức về cái Tết kinh hoàng trong "trại nô lệ" của nhóm buôn người vẫn còn đó. Nhưng nhờ tình yêu thương của chồng và gia đình, sự giúp đỡ của những người lính biên phòng đã giúp ba phụ nữ có nghị lực vượt qua cú sốc cuộc đời.

Tết kinh hoàng trong "trại nô lệ"

Sùng Thị Dớ (để tránh ảnh hưởng cuộc sống hiện tại, tên nhân vật được thay đổi) ở Bản Lầu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai), bật khóc nhớ lại cái Tết kinh hoàng 20 năm trước. Đúng 27 tháng chạp, Dớ và hai người bạn đi chợ sắm Tết.

Ngày ấy ở biên giới Việt - Trung không có hàng rào thép gai như bây giờ. Người dân ở Việt Nam, Trung Quốc lội qua lại con suối đi chợ, đi làm nương với nhau. 

Vừa lội qua suối để sang bên kia biên giới, một nhóm người từ đâu đến gần. Chúng bất ngờ ập đánh, trói cả ba người phụ nữ rồi bịt mắt đưa đi.

Sau khi bị bắt cóc, Dớ tỉnh dậy, thấy mình bị nhốt trong một căn phòng lụp xụp, u tối. Trong nhà có hai ông bà đã già yếu, phía ngoài hai gã đàn ông canh gác. 

Gã đàn ông sặc sụa mùi ghét bẩn lâu ngày không tắm gườm gườm cái mắt trông coi các chị. Dớ lạy lục van xin bằng tiếng Mông, nhưng gã vẫn thẳng tay tát vào mặt những người phụ nữ tội nghiệp. Gã nói tiếng gì chị không hiểu.

"Chúng nhốt mình như con lợn trong chuồng, không cho mình ra ngoài. Mình khóc đòi về với chồng, với con thì bị chúng đánh đập" - chị Dớ sụt sùi chỉ vào phía bắp chân trái. Vết thương ngày đó vẫn còn đau như mới bị khúc củi của gã đàn ông kia đập vào.

Ở quê nhà, Thào Phó - chồng Dớ - đi xẻ gỗ trên rừng về chẳng thấy vợ đâu. Đến tối mịt cũng chẳng thấy Dớ về, đứa con gái khóc đòi mẹ vì đói ăn, Phó lập cập chạy sang hàng xóm hỏi thăm. 

Mãi mới có người kể lúc sáng nhìn thấy Dớ và hai người nữa lội suối đi chợ. Phó tìm đến hai nhà kia, họ cũng hốt hoảng đi tìm vợ.

Cái Tết năm ấy cả nhà Phó ăn cơm chan nước mắt. Ba con lợn để dành ăn Tết, anh đành bán đứt để lấy tiền đi tìm vợ. 

Đứa con gái khóc nhớ mẹ, Phó khóc theo. Sáng sớm, lúc con gà gáy gọi người dậy là người chồng bế con sang gửi nhà anh em rồi một mình băng suối, băng rừng sang Trung Quốc tìm vợ.

Tìm mãi chẳng thấy đâu, Phó lại bị công an Trung Quốc bắt vì không có giấy tờ hợp pháp. Người đàn ông dân tộc Mông thật thà, chất phác chỉ biết mếu máo kể chuyện vợ bị bắt. Họ thông báo cho biên phòng Việt Nam, hướng dẫn Phó về in 12 bức ảnh của vợ gửi cho các cửa khẩu.

"Mình biết đi không có giấy tờ là sai rồi, nhưng mà báo cáo cán bộ thông cảm, mình phải đi tìm vợ. Mình cứ đi đi về về như thế, về đến nhà thì con khóc vì nhớ mẹ" - Phó nói, đôi mắt hoe hoe đỏ.

Phó kể đến một ngày công an Trung Quốc gọi anh đến, chỉ cho xem một đoạn video trích xuất được từ camera trên đường quốc lộ. 

Đúng 28 ngày kể từ khi bặt tin vợ, Phó đi cùng bộ đội biên phòng ra bờ suối đón vợ về. Phía bên kia, biên phòng trao trả hai người phụ nữ, một người nữa đến bây giờ vẫn chưa có tin tức gì.

Người phụ nữ bật khóc khi nhắc lại ký ức bị lừa bán qua biên giới - Ảnh: VŨ TUẤN

Người phụ nữ bật khóc khi nhắc lại ký ức bị lừa bán qua biên giới - Ảnh: VŨ TUẤN

"Cho nó về với chồng, với con"

Dớ nhớ lúc được công an Trung Quốc giải cứu, chị được đưa về trụ sở. Ở đó người ta hỏi chị sang Trung Quốc lấy chồng à. Người phụ nữ Mông kiên quyết: "Không, nó (mình) có gia đình hết rồi, có chồng, có một đứa con gái hai tuổi, cho nó về với chồng, với con. Nó muốn đi về nhưng người ta đánh đập". 

Rồi người ta đưa cho Dớ tấm hình của chồng, chị mừng đến bật khóc nức nở: "Phải chồng mà, chồng nó đấy".

28 ngày bị lừa bán, bị nhốt, bị đánh đập, chuỗi ngày cơ cực nơi xứ người tưởng chừng ngắn ngủi nhưng đeo đuổi mãi trong ký ức của chị. Nhưng chị Dớ nói bản thân còn may mắn vì được chồng tìm thấy, còn nhiều người khác bị lừa bán mấy chục năm đến nay vẫn bặt tin.

"Nghĩ đi nghĩ lại, lúc trẻ nó (mình) đỏ thế. Ai bảo thích đi Trung Quốc nhưng nó thì không đâu, đi Trung Quốc làm gì, khổ mà. Nó ở Việt Nam, lấy chồng Việt Nam thôi. Khi nào không có tiền, nó đi làm thuê trong thôn cũng được 200.000 đồng/ngày, mua tí muối, mì chính ăn. Bây giờ hai vợ chồng nó làm thế này thôi, không phải đi đâu nữa" - Dớ hướng ánh mắt về phía chồng.

20 năm kể từ ngày bị lừa bán sang Trung Quốc, đến nay cuộc sống gia đình chị đã khấm khá hơn. Ở nhà vợ chồng bảo nhau chăm chỉ làm lụng, ngày ngày nuôi gà nuôi lợn, chăm đồi dứa, nương chuối, nay trồng thêm đồi quế với 30.000 cây. Đứa con gái 2 tuổi ngày nào khát sữa mẹ nay đã bước sang tuổi 22, sau này vợ chồng anh chị còn sinh thêm hai người con nữa.

Các cô gái cảnh giác để không bị lừa bán

Căn nhà nhỏ trước kia đã được xây to đẹp, đàng hoàng hơn. Bên cạnh chăm sóc, nuôi dạy các con nên người, mỗi ngày chị đều nhắc nhở con gái, con dâu phải cảnh giác để không bị lừa bán. Dớ bảo kể từ ngày đó hai vợ chồng đã không đặt chân sang bên kia biên giới nữa.

Dịp Tết này, hai vợ chồng đã có đủ lợn gà, rau xanh trong nương. Vợ chồng dự định sẽ xúng xính bộ váy áo người Mông rồi xuống chợ Lào Cai để mua sắm thêm bánh kẹo, quần áo mới cho các con.

Nước mắt ngày trùng phùng sau 30 năm bị lừa bán sang Trung QuốcNước mắt ngày trùng phùng sau 30 năm bị lừa bán sang Trung Quốc

TTO - Chiều 2-2 là một ngày nhiều nước mắt ở Trung tâm Phụ nữ và phát triển tại Hà Nội. Bốn người phụ nữ đã bị lừa bán sang Trung Quốc từ những năm 1985 - 1990 lần đầu tiên được trở về quê nhà.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp