Các tác giả trẻ vào chung khảo Văn học tuổi 20 lần 7, từ trái qua: Hoàng Khánh Duy, Yang Phan, Phã Nguyện, Nguyễn Dương Quỳnh - Ảnh: L.ĐIỀN
Xin được tổng kết Văn học tuổi 20 bằng mấy con số "một - hai - ba": một lực lượng các cây bút trẻ sung sức viết và giàu sức sáng tạo; hai thế giới hiện thực được phản ánh đồng thời, song song; và ba phương thức biểu đạt: bằng những suy tưởng có tính triết lý, những ám ảnh có tính hình tượng, những chất liệu từ khoa học và nghệ thuật!
Ông DƯƠNG THÀNH TRUYỀN (nguyên trưởng ban tổ chức giải thưởng Văn học tuổi 20)
Tín hiệu đáng mừng là các tác phẩm đều mang dấu ấn của những cây bút nghiêm túc với văn chương. Bốn trong số 12 tác giả này gồm Phã Nguyện, Hoàng Khánh Duy, Yang Phan, Nguyễn Dương Quỳnh có mặt tại buổi giao lưu giới thiệu tác phẩm - bước chuẩn bị trước kỳ trao giải.
Thế giới nội tâm và những ám ảnh môi trường sống
Văn học tuổi 20 như một pha tuyển trạch trên diện rộng với chủ đề "góc nhìn và cuộc sống của tuổi 20 hôm nay", nên phần thu được là sự đa thanh sắc từ các cây bút của nhiều vùng miền. Trội lên trong số đó là cảm giác nhanh nhạy trước những hơi thở còn ấm nóng của cuộc sống đương đại.
Hoàng Khánh Duy kỳ vọng xây dựng một không gian truyện không chỉ để chuyển tải nỗi ám ảnh về sự suy thoái của môi trường sống nơi vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà hạn mặn đang là sợi thòng lọng hiện ra mỗi lúc một rõ trước bao cảnh đời.
Không chỉ thế, những cuộc rong ruổi của nhân vật chính trong Cõi người mắc cạn còn để lộ những phân khúc nội tâm phức tạp với ít nhiều cảm thức tâm linh như một phản xạ ám ảnh mỗi khi cuộc đời bất như ý.
Môi trường sống trong Văn học tuổi 20 lần này có khi là những tệ trạng đã thành thói quen khó bỏ trong một cộng đồng xã hội. Chỉ với một truyện ngắn viết về nạn rượu chè be bét của đàn ông vùng sông nước miền Tây, Lê Quang Trạng như muốn gửi đến người đọc hôm nay một tâm sự khác, rằng chính những người trong cộng đồng đang còn nhiều tệ trạng ấy phải tự nhấc mình lên, đổi thái độ sống đi...
Vệt sáng của bụi cũng chính là ánh nhìn nhân cảm của tác giả về những đề tài gần gũi bên mình.
Tác giả Yang Phan tự nhận mình có những suy tư về ký ức, rằng ký ức về ai đó có thể là cái còn sống dài lâu sau khi người đó chết. Nhưng "hiện thực cũng có thể giết chết ký ức chứ không phải ký ức là thứ sẽ sống mãi", anh chia sẻ về tác phẩm Vụn ký ức tại buổi giao lưu.
Hé lộ những khả năng đường dài
Không chỉ đơn thuần phản ánh thực tại, người làm nghệ thuật bằng chính thủ pháp của mình tái tạo thực tại riêng biệt để nhân lên sự cảm thấu và chia sẻ. Trong nhiều trường hợp, dùng nghệ thuật văn chương để nhận chân giá trị và vai trò của các ngành nghệ thuật khác đòi hỏi người viết phải thực sự có nội lực và đủ công phu.
Nguyễn Dương Quỳnh trong Ngủ ngon nhé, nàng thơ đang dấn bước vào chỗ khắc nghiệt đó. Thật đáng mừng là chúng ta có những trang văn đẹp, có một câu chuyện khó dứt ra và sau đó còn nhiều dư vị đủ để trầm tư về hội họa và những giá trị siêu hình đã tác động vào người làm nghệ thuật ở tầm siêu thức như thế nào.
"Nghệ thuật không chỉ là nghề nghiệp mà đôi khi nó là lý do để mình tồn tại. Trong những hoàn cảnh đặc biệt nhất, nghệ thuật bộc lộ giá trị độc đáo mà mình tin tưởng", Dương Quỳnh chia sẻ.
Cũng hướng vào đề tài cái đẹp và nghệ thuật, Hiền Trang mang những ám ảnh về âm nhạc vào không gian truyện, khiến cho Chopin biến mất đầy những biến động nội tâm của nhân vật. Qua đó, một thế giới hiện thực được nhìn qua lăng kính nghệ thuật có khả năng đem lại sự hiểu biết và chia sẻ cho những ai có cùng mối quan tâm.
Một tác giả đến từ Cẩm Giàng (Hải Dương) với một tập truyện ngắn, nhưng thật thú vị khi bắt gặp ở đó thủ pháp tảng băng trôi: Nguyễn Thu Hằng khéo léo biến nghệ thuật thành một loại men xúc tác, một sợi chỉ đỏ nhỏ nhoi để kết nối các mảng miếng trong câu chuyện mình kể ra.
Điều kỳ vọng nhất của một giải thưởng văn chương vẫn là tìm được những tác giả có khả năng và tâm, chí để đi đến cùng trên con đường nghệ thuật ấy.
Và thật may, lần này đã có những hé lộ cho thấy trong đội ngũ cầm bút chừng như còn đang còn khởi sự kia vẫn có những tầm mức, những nội lực, sự gia công gắng sức và nhất là ý thức nghệ thuật thật nghiêm túc đủ để người đọc gửi gắm niềm tin và chờ đợi.
Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 có 511 tác phẩm dự thi, số lượng vượt hẳn lần 6 (458 tác phẩm). Ban tổ chức cho biết lễ trao giải dự kiến diễn ra vào trong trung tuần tháng 5 tới đây.
12 tác phẩm vào chung khảo gồm: Chopin biến mất (truyện dài) - Hiền Trang, Cõi người mắc cạn (truyện dài) - Hoàng Khánh Duy, Kẻ săn chuột (truyện dài) - Phã Nguyện, Ngủ ngon nhé, nàng thơ (truyện dài) - Nguyễn Dương Quỳnh, Bảy bảy bốn chín (truyện dài) - Hoàng Công Danh, Vụn ký ức (truyện dài) - Yang Phan, Chuồng cọp trên cao (truyện ngắn) - Nguyễn Thu Hằng, Bí mật của bóng tối (truyện ngắn) - Đinh Thành Trung, Nửa lời chưa nói (truyện ngắn) - Duy Ân, Vệt sáng của bụi (truyện ngắn) - Lê Quang Trạng, Lũ chim thích chọn cành khô (truyện ngắn) - Mai Thanh Nga và Có thú dữ trong thành phố (truyện ngắn) - Nguyên Nguyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận