
Hội thảo 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước - Ảnh: TTXVN
Hội thảo khoa học quốc gia 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) - Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển nhận được những ý kiến đóng góp tâm huyết của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong cả nước.
Hội thảo do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam tổ chức chiều 18-4 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá thực trạng, dự báo xu hướng phát triển; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
50 năm kế tục xứng đáng
Trong phát biểu đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc - phó giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến văn học nghệ thuật.
Các văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội đều nhấn mạnh vai trò to lớn của văn học, nghệ thuật. Đảng luôn trân trọng, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo, đồng thời đặt yêu cầu cao về tính tư tưởng, tính nhân văn, tính dân tộc và tính nhân loại trong mỗi tác phẩm.
Ông Bắc đánh giá nhìn lại chặng đường 50 năm qua, có thể thấy nền văn học, nghệ thuật nước nhà đã kế thừa xứng đáng truyền thống "yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc".
Giai đoạn 1975-1986, văn học nghệ thuật đã góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, hun đúc niềm tin và khơi dậy khát vọng kiến thiết cuộc sống mới.
Bước sang giai đoạn 1986-2000, cùng với công cuộc Đổi mới toàn diện của đất nước, văn học, nghệ thuật thực sự có sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nội dung và phương thức biểu đạt.
Từ cảm hứng sử thi và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, văn học, nghệ thuật chuyển hướng khám phá toàn diện đời sống xã hội, đời sống cá nhân, thân phận con người trong tính đa chiều và phức tạp của nó. Diện mạo văn học, nghệ thuật phong phú về đề tài, chủ đề, về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện.
Nhiều tác phẩm mang tính phản biện sâu sắc, thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp, ý thức công dân và sự đổi mới trong tư duy nghệ thuật, đa dạng về khuynh hướng, bút pháp, phong cách và giọng điệu.
Từ năm 2000 đến nay, văn học nghệ thuật không chỉ mở rộng không gian sáng tạo mà còn thay đổi về bản chất phương thức thể hiện.
Bên cạnh các sáng tạo nghệ thuật truyền thống được bảo tồn và phát huy, đã xuất hiện nhiều hình thức nghệ thuật mới. Văn học mạng, phim ảnh trực tuyến, nghệ thuật đa phương tiện... cho thấy hình thức biểu đạt mới mẻ, phản ánh tinh thần của thời đại số, văn hóa số, xã hội số.
Trong dòng chảy ấy, đã xuất hiện những tác phẩm mang tính khám phá, thể nghiệm, được công chúng trong và ngoài nước đón nhận và hưởng ứng.
Về thành tựu của văn học, nghệ thuật 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, nhà phê bình Ngô Thảo dẫn ra trường hợp sách của Nguyễn Nhật Ánh và vài tác giả khác mỗi lần phát hành hàng trăm nghìn bản, mấy bộ phim của Trấn Thành thu 400 - 500 tỉ đồng, một số ca sĩ mỗi lần tổ chức show có cả vạn người xem... Ông tiếc là số đó còn quá hiếm.

Mắt biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vào top 10 đề cử tác phẩm văn học nổi bật của TP.HCM trong cuộc bình chọn top 50 tác phẩm nổi bật thuộc nhiều lĩnh vực của TP.HCM
Văn nghệ sĩ phải tìm đến nhân dân
Hội thảo cũng chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế của văn học, nghệ thuật sau 50 năm ngày đất nước thống nhất, đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cho công tác quản lý, sáng tạo, lý luận, phê bình và phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Văn học, nghệ thuật đương đại vẫn thiếu vắng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, tương xứng với tầm vóc công cuộc Đổi mới, chưa tương xứng với chiều sâu văn hóa - lịch sử của dân tộc.
Về đội ngũ văn nghệ sĩ, hiện nay đang tồn tại khoảng cách thế hệ rõ rệt. Thế hệ văn nghệ sĩ thành danh chưa có lực lượng kế tục tốt. Lực lượng trẻ tuy năng động, sáng tạo, tiếp cận nhanh với cái mới nhưng lại thiếu chiều sâu trải nghiệm.
Về cơ chế, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật, thực tiễn cho thấy có độ trễ đáng kể giữa các chủ trương, chính sách và thực tiễn phát triển mạnh mẽ của văn học, nghệ thuật.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TTXVN
Giải pháp khắc phục, theo TS Nguyễn Duy Bắc là phải phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ giàu tài năng, tâm huyết và bản lĩnh. Đồng thời đảm bảo môi trường sáng tạo tự do, dân chủ, lành mạnh, khuyến khích tinh thần đổi mới, thể nghiệm, gắn bó với chế độ, cuộc sống và nhân dân.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trong phát biểu kết luận hội thảo đã một lần nữa khẳng định phải tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, sứ mệnh của văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên mới.
Xác định rõ văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam...
Trong quản lý, cần chú trọng tính đặc thù của văn học, nghệ thuật; tôn trọng và bảo đảm quyền tự do sáng tạo, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến và năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Quan tâm định hướng, nâng cao trình độ, năng lực cảm thụ thẩm mỹ của công chúng, nhất là thế hệ trẻ.
Về phía đội ngũ văn nghệ sĩ, cần bám sát hơn nữa, đắm mình vào thực tiễn sinh động của đất nước, lý giải và cắt nghĩa sâu sắc những vấn đề mới, quan trọng của đời sống, phấn đấu sáng tạo nhiều hơn nữa những tác phẩm hấp dẫn, sâu sắc về nội dung tư tưởng, mới mẻ về hình thức.
Ông Nghĩa nhấn mạnh văn nghệ sĩ cần phải tìm đến nhân dân, phải chủ động phục vụ nhân dân trong các sáng tác của mình. Bởi chính nhân dân quyết định sức sống lâu bền của các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Nhiều giá trị được khôi phục
Nhà phê bình Ngô Thảo ghi nhận một trong những thành tựu của quản lý văn học, nghệ thuật 50 năm sau ngày đất nước thống nhất đó là khôi phục nhiều giá trị từng bị cấm đoán.
Mấy chục năm qua, cùng với việc mở cửa, mở lòng tiếp nhận những giá trị khác nhau của quốc tế, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hay những tác phẩm trong lòng Hà Nội thời Pháp tạm chiếm, sáng tác của người Việt ở nước ngoài, nhiều loại hình thuộc văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh được khôi phục, thậm chí phát triển.
50 năm qua, chúng ta cũng đã bảo tồn tài sản đa dạng của các hệ sinh thái văn hóa của các dân tộc trong cộng đồng.
Giữ "cái tôi" nhà văn trong máu thịt với nhân dân
GS Phong Lê cho biết ngày nay nền văn học, nghệ thuật đang chuyển trách nhiệm lịch sử sang thế hệ 8X và 9X. Đó là thế hệ mà chiến tranh, bao cấp chỉ còn là một hồi quang qua ký ức của người thân và sách vở.
Họ được hưởng một bầu khí quyển khác, để có thể tuyệt đối yên tâm đi tìm cái riêng, cái cá nhân, cái khác biệt cho mình. Họ đã hết bị vướng víu bởi cái "ta" hoặc cái "chúng ta" như bao thế hệ cha ông, thỏa sức sáng tạo.
Nhưng theo GS Phong Lê, những người trẻ phải giữ được cái riêng ấy không va chạm, xung khắc hoặc đối nghịch gì với cộng đồng. Những cộng đồng như Tổ quốc, như nhân dân, những người mang danh hoặc nhân danh là nhà văn, nghệ sĩ vẫn cần và càng cần sự gắn bó.
"Là người chứng kiến và có tham gia ít nhiều vào hành trình văn học của thế kỷ XX đã qua, tôi rất khao khát được thấy sự xuất hiện của họ trong tư cách một đội ngũ vừa tinh anh, vừa hùng hậu, rất khác nhau trong phong cách mà vẫn không nhòa mờ một khát vọng chung của nhân dân, của dân tộc...", GS Phong Lê bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận