Một số cuốn sách thành công về mặt thị trường trong thời gian qua - Ảnh tư liệu |
Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học, đại diện đơn vị xuất bản sách văn chương nhưng lại thiếu vắng những nhà văn trẻ và các NXB, các đơn vị làm sách - những người đang tham gia định hình thị trường văn học VN hiện nay.
Vài năm trở lại đây, tác giả Anh Khang (sinh năm 1987) có hơn 200.000 bản in ra thị trường cho bốn đầu sách: Ngày trôi về phía cũ (45.000 bản), Đường hai ngả người thương thành lạ (55.000 bản), Buồn làm sao buông (70.000 bản), Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em…
Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng phát biểu: “Có một thực tế là sách hay thường không bán chạy, trái lại sách bán chạy thường không phải là sách hay. Nhưng thực tế cho thấy không loại trừ hiện tượng sách hay là sách bán chạy cũng như sách bán chạy là sách hay. Nhưng những trường hợp như thế tỏ ra hiếm hoi trên văn đàn và thị trường sách hiện nay” |
Cuối năm 2015, tác giả Gào phát hành cuốn sách viết chung với Minh Nhật (Chúng ta rồi sẽ ổn thôi). Buổi ra mắt sách của Gào ở Hà Nội chật kín một hội trường rộng, độc giả trẻ “bao vây” xin chữ ký nhiều tới mức sau một hồi ký tặng, tác giả phải tạm nghỉ ngơi lấy sức để ký tiếp. Vậy mà ngày thứ hai Gào xuất hiện ở hội sách công viên Thống Nhất, cô vẫn thu hút một đám đông tới xin chữ ký.
Anh Khang và Gào là hai trong số những gương mặt viết văn thành công về mặt thị trường. Bên cạnh họ là những tác giả viết tác phẩm đáp ứng nhu cầu người đọc như Hamlet Trương, Iris Cao, Phong Việt… Đội ngũ những cây bút đại chúng ngày càng đông đảo và được trẻ hóa. Tuy nhiên, tác phẩm của họ lại được giới văn chương đón nhận với sự dè dặt.
Theo PGS Nguyễn Đăng Điệp - viện trưởng Viện Văn học, văn học thị trường ra đời là tất yếu, khi văn chương tồn tại trong điều kiện kinh tế thị trường. Văn học thị trường có khi được hiểu là văn học đại chúng, văn học bình dân, có khi được hiểu là văn học mua vui, giải trí… Dù được gọi với tên gì thì tác phẩm viết cho nhu cầu số đông, chịu chi phối của thị trường này cũng tồn tại như một tất yếu.
Một trong những biểu hiện của văn học thị trường đang phát triển là việc các "tác phẩm ngôn tình" được đón đọc rất nhiều. Một số tác giả trẻ Việt viết theo lối ngôn tình cũng thu về thành công nhất định ở lượng sách phát hành. Sở dĩ dòng văn học này thu hút nhiều người đọc bởi có nội dung "dễ đọc, lôi cuốn, gần gũi với người đọc, có giá trị giải trí".
Anh Khang ký tặng bạn đọc tại Hội sách TP.HCM - Ảnh tư liệu |
Nói tới văn học ngôn tình, không ít người mang cái nhìn “kỳ thị”. Nhưng PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh lại cho rằng "ngôn tình là sản phẩm văn hóa đại chúng".
Hoa Tranh cho biết chị có đọc tác phẩm của những cây bút như Anh Khang, thì thấy tác giả trẻ có đầu tư viết sạch sẽ, vốn tiếng Việt tốt, nội dung phù hợp văn hóa Việt, không có những chi tiết dung tục, thúc đẩy văn hóa tiêu thụ… “Rõ ràng đây là những sản phẩm đọc được, nhưng chất hàn lâm, bác học thì chưa có”.
Không chỉ có giới nghiên cứu phê bình, những người làm xuất bản, phát hành, trực tiếp đưa văn chương ra thị trường cũng khẳng định vai trò của văn học đại chúng.
Giám đốc một công ty phát hành sách văn học hàng đầu tại Việt Nam cho biết khi đi mua bản quyền văn học thế giới, thao tác đầu tiên mà các nhà xuất bản quốc tế chào tác phẩm đều là lượng phát hành (như tác phẩm là best-seller, được dịch ra bao nhiêu thứ tiếng, bán bao nhiêu bản). Sau đó, những tiêu chí như giải thưởng, đánh giá của các viện hàn lâm… mới được đưa ra như một chỉ dụ ngầm cho giá trị của tác phẩm.
Bằng kinh nghiệm thực tế, vị giám đốc công ty sách cho biết không phải cứ tác phẩm bán chạy là ở “chiếu thấp". Ông tiết lộ, các tác phẩm văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 được phát hành lại trong tủ sách “Việt Nam danh tác” tới nay vẫn bán chạy. “Những tác phẩm lãng mạn, hiện thực hay kinh dị từ thời ấy tôi đánh giá là tốt nhất cả về ngôn ngữ lẫn văn chương, tới nay chúng tôi vẫn bán được”.
Tuy không nhìn văn học thị trường với sự kỳ thị, song giới chuyên môn cũng đưa ra những cảnh báo nếu văn chương lấy số lượng làm thước đo sẽ lấn át chất lượng văn chương. Nhà phê bình Nguyễn Hòa cho rằng ngày nay rất nhiều cuốn sách ra thị trường được một “dàn đồng ca” tung hô trên báo chí. Công nghệ PR, sự dễ dãi của một số nhà phê bình đã ca ngợi một số cuốn sách, trong khi cuốn sách đó không mang nhiều giá trị.
PGS Trần Lê Hoa Tranh cũng cho rằng ngôn tình hay văn học đại chúng không nguy hại nhưng cần có sự điều tiết, định hướng từ các nhà xuất bản, các nhà phê bình để các dòng văn chương mới cân bằng.
Và người dự hội thảo cũng bâng khuâng khi tự hỏi rằng không lẽ văn hóa đại chúng nơi thị trường sách hôm nay lẽ nào chỉ có mỗi... ngôn tình? Còn bao thể loại sách văn học đi vào lòng người, phản ánh hơi thở đời sống giới trẻ, đẫm chất nhân văn, thông điệp sống đẹp, giúp rèn luyện tuổi vào đời... cũng cần lắm cho bạn đọc trẻ hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận