Bảo tàng chào đón du khách - Ảnh: Đức Hùng |
Nằm trong một thung lũng đá vôi nhỏ ở thành phố Hòa Bình, cách Hà Nội khoảng 70km, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường mới được thành lập từ năm 2007, rộng khoảng 5ha hiện là một điểm đến cuối tuần khá thú vị.
Lối vào khu bảo tàng được lát đá men theo lưng đồi, một bên có sắp đặt các guồng nước lớn, tái hiện một nét sinh hoạt của đồng bào dân tộc miền núi. Khắp nơi được phủ xanh bằng cây sài đất, hoa vàng nở li ti vô cùng lãng mạn và thơ mộng.
Sài đất là một loài cây thân cỏ, bò lan mọc dại và có nhiều tác dụng trong y học. Bảo tàng đã khéo léo phát triển giống cây này khắp khuôn viên, tạo ra các lối đi đầy hoa. Nhân viên ở đây cũng dùng những bông hoa vàng xinh xắn này để cắm trên bàn đón khách hay trang trí trong phòng nghỉ. Rất hiệu quả về mặt chi phí và tạo ra một không gian thân thiện, mộc mạc, ru lòng người.
Những guồng nước lớn được sắp xếp ngay cổng vào - Ảnh: Băng Giang |
Những hiện vật đặc sắc ở bảo tàng - Ảnh: Đức Hùng |
Chúng tôi tò mò ngắm nhìn các hiện vật như cồng, chiêng, tượng gỗ... được bài trí và phân bố khá nhẹ nhàng tại khu lễ tân đón khách trước khi được đưa sang khu vực trưng bày nghệ thuật sáng tạo trong nhiều lĩnh vực như điêu khắc, hội họa, sắp đặt... của nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước từng tới đây tham dự các buổi liên hoan, triển lãm hay trại sáng tác.
Cảm giác như không gian bảo tàng chính là ngôi nhà mà nhiều nghệ sĩ tìm về để được bầu bạn, được sẻ chia những góc nhìn cá tính và được thỏa sức cho trí sáng tạo bay bổng.
Nhẩn nha lang thang khám phá những ngôi nhà sàn văn hóa Mường được tạo nên từ tre nứa và lợp mái cọ, tôi không ý thức được mình đã tham quan 4 ngôi nhà sàn đại diện cho 4 tầng lớp giai cấp trong xã hội Mường thuở xưa.
Đó là nhà Lang, nhà Âu, nhà Noóc và nhà Nóc Trọi, tương ứng với địa vị xã hội lần lượt là quan Lang, giúp việc của quan Lang, tầng lớp bình dân và tầng lớp bần cùng, nghèo hèn, thấp kém.
Sau vụ cháy nhà Lang trong một vụ hỏa hoạn năm 2013, giờ tôi mới nhận ra mình đã có một cơ hội tham quan quý giá đến nhường nào.
Một sản phẩm nghệ thuật sắp đặt - Ảnh: Băng Giang |
Trên đỉnh một ngọn đồi của khu vườn Mường, chủ nhân của bảo tàng cho xây dựng một bể chứa nước dẫn nguồn về từ trên núi. Vào mùa hè, bể nước này giống như một bể bơi giữa thiên nhiên xinh đẹp. Gần đó có khoảng sân nho nhỏ, phù hợp cho việc tổ chức các hoạt động tập thể, hội nhóm.
Sau khi được tham quan tìm hiểu những dấu tích và di sản văn hóa Mường do chủ nhân kỳ công sưu tập và lưu giữ, khách tham quan có thể thư giãn xả hơi sau một tuần làm việc căng thẳng trong không khí trong trẻo và khoáng đạt của núi rừng.
Đặc biệt, các gia đình có con nhỏ, các câu lạc bộ hay hội nhóm muốn tổ chức một buổi picnic ngắn đều có thể đưa nơi này vào danh sách với chi phí phải chăng.
Hôm chúng tôi đến, một nhóm học sinh ở Hòa Bình được thầy cô và phụ huynh đưa đi picnic cuối tuần tại bảo tàng đang vui chơi và nô đùa dưới sự hướng dẫn của nhân viên bảo tàng.
Khói củi bốc lên từ đống lửa trại, mang theo mùi cây cỏ, mùi núi rừng, hương vị của sự tự do, khoáng đạt lan tỏa khắp không trung.
Hồ trên núi - Ảnh: Băng Giang |
Học sinh đi picnic ở Bảo tàng văn hóa Mường - Ảnh: Băng Giang |
Thông tin cho bạn: Di chuyển: bằng phương tiện cá nhân như ôtô, xe máy hoặc đón xe khách đi Hòa Bình từ bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), tới chân dốc Cun rẽ vào đường Tây Tiến, phường Thái Bình, TP Hòa Bình. Đây cũng là đường đi Thung Nai. Giờ mở cửa hằng ngày: 7g30-17g30. Vé vào cổng: 50.000 đồng/khách; 25.000 đồng/sinh viên. Bảo tàng có dịch vụ lưu trú và ẩm thực phục vụ du khách. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận