"Văn hóa Ý thực tế còn nhiều hơn thế nữa" - Tổng lãnh sự Padula tự hào "khoe" với Tuổi Trẻ nhân dịp kỷ niệm thiết lập 50 năm quan hệ ngoại giao (23-3-1973 - 23-3-2023) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
* Vậy một hình ảnh nước Ý ở Việt Nam mà ông hướng tới là gì?
Chúng tôi hướng tới sự phát triển kết hợp vì văn hóa, thương mại hay khoa học ở Ý đều không tách rời. Ngành thời trang của chúng tôi phát triển mạnh như vậy cũng nhờ có sự kết nối với văn hóa, lịch sử, kiến trúc đã thành hình từ trong quá khứ.
Vì vậy, những yếu tố này kết hợp với nhau và nay chúng tôi còn kết hợp cả công nghệ. Ví dụ như một chiếc ô tô sẽ có sự kết hợp giữa công nghệ máy móc của Ý cùng với yếu tố thẩm mỹ mà chúng tôi đã có truyền thống lâu đời trong kiến trúc, trong thiết kế nội thất.
Chúng tôi cố gắng thúc đẩy phát triển và quảng bá tất cả yếu tố này cùng nhau. Tôi nghĩ đây là cách phát triển tốt nhất và tôi chắc chắn rằng người Việt Nam cũng đánh giá cao điều này.
Nói về truyền thống, tôi cho rằng việc gìn giữ những di sản là rất quan trọng. Ở Ý, chúng tôi cố gắng giữ lại tất cả các ngôi làng cổ và chúng tôi có thể giúp Việt Nam làm điều tương tự.
Ví dụ ở gần Đà Nẵng có di tích Chămpa. Nó cho thấy Việt Nam có di sản văn hóa phong phú và là một quốc gia có chiều sâu lịch sử, do đó việc bảo tồn di sản là rất quan trọng.
* Ẩm thực Ý rất nổi tiếng với người Việt, còn ngược lại thì sao, thưa ông?
Về ẩm thực Việt Nam tại Ý, gần đây có một nữ đầu bếp người Việt giành giải á quân tại cuộc thi Masterchef (Vua đầu bếp) ở Ý, nơi ẩm thực tương đối cầu kỳ. Đây là minh chứng cho thấy người Ý thích đồ ăn Việt ra sao.
Mọi du khách Ý đến đây đều thích món ăn Việt và tôi nghĩ đồ ăn Việt rất tốt cho sức khỏe cũng như có hương vị đặc biệt mà ở Ý không có.
Ví dụ, các bạn sử dụng rất nhiều rau trong thực phẩm. Tôi biết có du khách Việt Nam phàn nàn với tôi rằng đồ ăn Ý không có nhiều rau.
Người Ý cũng không thích ý niệm về đồ ăn nhanh, về những bữa ăn mà bạn phải vừa ăn vừa chạy. Chúng tôi có quan điểm về thức ăn chậm, bạn phải ngồi xuống ăn và trao đổi với nhau. Đây là điều mà tôi cho rằng chúng ta có điểm chung.
Tôi cũng từng được thưởng thức món Ý được nấu bởi đầu bếp người Việt tại TP.HCM và phải nói thật là "vị ngon không thua gì đồ ăn được nấu ở Ý".
* 2022 là năm có trao đổi thương mại cao nhất giữa Việt Nam và Ý. Trong khi lĩnh vực đầu tư khá sôi động, có vẻ như hợp tác kinh tế giữa hai nước đang đi đúng hướng?
Tôi tin rằng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp tăng cường thương mại hai nước hơn nữa, trong đó TP.HCM là tâm điểm vì đây là đầu tàu kinh tế của Việt Nam. Hai phần ba doanh nghiệp Ý đang tập trung ở khu vực phía Nam. Vì vậy, phần đóng góp kinh tế quan trọng nhất của Ý nằm ở chính thành phố này.
Đây cũng chính là lý do Tổng lãnh sự quán Ý được thành lập ở TP.HCM cách đây 10 năm. Bởi vì chúng tôi nghĩ rằng thành phố này rất quan trọng đối với hợp tác kinh tế giữa hai nước. Như vậy, từ chính trị đến kinh tế, Ý đang đồng hành cùng Việt Nam.
Về đầu tư, tôi cho rằng Việt Nam không còn là nơi chuyên để sản xuất với lao động có mức lương thấp. Đó đã là quá khứ. Việt Nam hiện là một nền kinh tế có lực lượng lao động lành nghề, am hiểu về công nghệ và có vai trò quan trọng hơn trước.
Trên thực tế, có những công ty công nghệ cao của Ý đã đầu tư vào Việt Nam để tuyển dụng kỹ sư và kỹ thuật viên có tay nghề. Vì vậy, tôi nghĩ rằng công nghệ cao chính là tương lai của sự hợp tác giữa chúng ta. Các công nghệ cao từ Ý có thể hữu ích cho nhiều nơi ở Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM.
Theo tôi biết, TP.HCM có hợp tác với thành phố Torino (còn gọi là Turin), nơi xuất xứ của hãng xe danh tiếng Fiat của Ý. Torino đã chuyển đổi thành công từ một thành phố mạnh về công nghiệp truyền thống và công nghiệp nặng sang thành phố về công nghệ và dịch vụ.
Bên cạnh đó, còn có một lĩnh vực mới rất tiềm năng mà hai nước có thể hợp tác, đó chính là công nghệ vũ trụ. Ý là một trong ba quốc gia hàng đầu ở EU về công nghệ vũ trụ và đang có hợp tác với trung tâm vũ trụ của Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận